Istanbul năm 1975, như mọi vùng đất khác của Thổ Nhĩ Kỳ hay của châu Âu, là giai đoạn tranh tối tranh sáng của xã hội trưởng giả, đầy rẫy những phồn vinh giả tạo xen lẫn kiệt quệ. Trong bối cảnh đó, khi cả thành phố háo hức chờ đón lễ đính hôn của Kemal và Sibel – 2 nhân vật thuộc 2 gia đình của giới thượng lưu, hứa hẹn đó sẽ là một cuộc vui huyên náo bậc nhất - thì Kemal lại ngã lòng trước một cô gái khác.
|
Bìa tiếng Việt tác phẩm Bảo tàng ngây thơ |
Fusun đẹp, một cái đẹp rất khác Sibel. Nhưng không phải vì thế mà Kemal đi đâu cũng nghĩ về Fusun – cô em họ xa của anh. Cuộc gặp tình cờ khi anh đẩy cánh cửa bước vào để mua túi xách tặng cho vị hôn thê đã hoàn toàn làm thay đổi đời anh, đời Sibel lẫn đời cô gái mà anh gặp trong cửa hàng ấy.
Có sợi dây kỳ lạ níu anh về phía Fusun, và Kemal hoàn toàn bất lực trước nó, dù đã tìm mọi cách để lý giải, chống chọi, phản kháng, kể cả chửi rửa bản thân… Anh phản kháng, vì đó là mối quan hệ bất định, ngay chính Kemal cũng biết sẽ chẳng thể đến đâu. Anh chống chọi, vì Sibel – vì cô đã là “người của anh”, khái niệm ẩn chứa một mặc định không nhiều thiện cảm về nhân phẩm của bất kỳ cô gái nào trót trao thân trước ngày cưới, đặt Sibel giữa lằn ranh giữa “gái hư” và “gái đoan trang”, vốn không thể tránh khỏi trong xã hội Istanbul ngày ấy.
Thế nhưng, tất cả những điều mà Kemal có thể làm là lao về phía Fusun, từ bỏ tất cả, kể cả giới thượng lưu, lén lút và vụng trộm nhưng lại đầy đam mê, như thể anh chưa từng yêu trước đó bao giờ. Ngay cả khi mẹ anh, một cách vô tình, buông những lời nhận xét khinh miệt về “con bé đó”, trong anh vẫn không giảm đi nỗi nhớ nhung và khao khát gặp cô.
8 năm, Kemal cứ chỉ một chiều như thế mà đi, chưa từng dừng lại. Ngay cả khi Fusun biến mất, anh cũng không quay chiều ngược lại. Những vật dụng của cô, từ chiếc quần lót, hoa tai, mẩu thuốc lá… đến mùi hương, nụ cười của Fusun đều trở thành di vật. Anh đi tìm từng cái một, bằng mọi cách giữ lại, để lập nên một bảo tàng tình yêu cho mình, để dù không có Fusun, anh vẫn có những ngày hạnh phúc của mình, ở đó…
Đó là bảo tàng ngây thơ, như chính thứ tình yêu thuần khiết của anh và Fusun. Và, “Kemal đã sống một cuộc đời hạnh phúc. Một cuộc đời hạnh phúc vì đã tìm được người yêu duy nhất của mình trong đời, vì đã được sống với những cung bậc cảm xúc mãnh liệt của tình yêu, vì đã dám sống cho tình yêu, vì đã biết cách sống với người mình yêu kể cả khi người đó đã chết đi rồi. Thế mới biết tình yêu thật là huyền diệu và bất diệt”.
|
Chân dung Orhan Pamuk |
Thật ra, nếu chỉ điểm sơ nội dung, người ta dễ nghĩ rằng Bảo tàng ngây thơ là tiểu thuyết tình yêu đơn thuần của một đôi nam nữ nào đó, yêu nhau say đắm nhưng phải xa nhau – như một mô-týp quen thuộc ngàn đời. Quả thật, từ đầu đến cuối, tác phẩm là sự độc thoại của Kemal, về nỗi nhớ nhung và tình yêu dành cho Fusun. Đó là một quá khứ hạnh phúc và đau đớn – vì hạnh phúc quá mà đớn đau.
Nhưng, Bảo tàng ngây thơ không chỉ là một biên niên sử tình yêu, như mọi tác phẩm khác của Orhan Pamuk, nó đa tầng nghĩa và nhiều biểu tượng về xã hội, thời cuộc lẫn ẩn trong đó quan điểm chế giễu thói trưởng giả. Tính duy cảm kỳ lạ của tác phẩm, khiến nó như một tuyên ngôn dưới hình thái khác về cuộc đời của Orhan Pamuk – một con người của văn chương nhưng cái nhìn của văn đàn thế giới dành cho ông vượt qua các tác phẩm, các giải thưởng ông từng nhận được, trong đó có giải thưởng danh giá Nobel Văn học 2006.
Tính duy cảm ấy kỳ lạ đến mức, người ta nhìn thấy hành trình đi tìm bản ngã của Kemal, hay là của chính Orhan Pamuk, qua hành trình lưu giữ kỷ vật của Fusun. Nó khiến Bảo tàng ngây thơ trở thành bảo tàng đẹp đẽ của bất kỳ người yêu nhau nào, và trong ấy là một quãng đời đã qua, cuồng nhiệt và khát cháy. Ai dường như cũng từng trải qua một quãng đời như thế, để rồi sau đó lại lao vào guồng quay của thời cuộc, xã hội và những công nhận rất… duy vật.
|
Orhan Pamuk trong Bảo tàng thơ ngây ngoài đời thật |
Và, có lẽ cũng chỉ Orhan Pamuk, đã biến tác phẩm văn chương thành một vật chứng sống động ngoài đời thật. 4 năm sau khi hoàn thành Bảo tàng ngây thơ, ông lập một bảo tàng thật sự, ngay tại Istanbul, và dĩ nhiên, ông đặt tên là Bảo tàng ngây thơ.
Trong ấy là gì? Là chính những gì Kemal tìm kiếm và trưng bày trong sách: tàn thuốc lá, ly uống nước, hoa tai, nước hoa, quần lót, đồng hồ… Là bất cứ những gì Fusun chạm tay vào (trong sách, dĩ nhiên), đều có trong bảo tàng được Orhan Pamuk dựng lên từ 1 triệu USD tiền thưởng của giải Nobel Văn học.
Nếu như trong tiểu tuyết, Kemal tìm kiếm bất cứ điều gì, vô hình hay hữu hình của Fusun để lưu giữ cho mình thì với bảo tàng ở trên tầng 3 một tòa nhà cổ ngay Istanbul này, Orhan Pamuk cũng đang lưu giữ bất cứ điều gì thuộc về tiểu thuyết, để không gian văn chương ấy sống động trong chính đời thật.
Kể từ khi mở cửa, khách đến Istanbul, bước vào bảo tàng đều hỏi chung một câu: Kemal có thật không? Fusun có thật không? Và, nếu bạn đặt câu hỏi đó, sẽ nhận được câu trả lời không sai một ly từ nhân viên ở đây: “Nếu anh nghĩ nó là thật, thì nó là thật”. Năm 2014, bảo tàng được nhận giải Bảo tàng châu Âu của năm. Giá vé vào cửa là 14 USD/người, nhưng nếu ai đã từng mua cuốn Bảo tàng ngây thơ, sẽ được vào cửa miễn phí.
|
Các vật dụng đang được trưng bày trong Bảo tàng ngây thơ ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ |
Orhan Pamuk (sinh năm 1952) là một tiểu thuyết gia người Thổ Nhĩ Kỳ, là tên tuổi lớn của văn học đương đại thế giới. Ông được tặng giải Nobel Văn học năm 2006, trở thành người Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên nhận vinh dự này.
Ở Việt Nam, trước Bảo tàng ngây thơ, tác phẩm được nhiều người biết đến nhất của ông là Tôi tên là đỏ - chính là cuốn sách đã giúp ông đoạt Nobel Văn học năm 2006 (cũng giúp dịch giả Phạm Viêm Phương và Huỳnh Kim Oanh nhận được giải của Hội Nhà văn Việt Nam về dịch thuật năm 2008). Ngoài ra, những tác phẩm của Orhan Pamuk đã có mặt ở Việt Nam còn có Istanbul: Hồi ức và Thành phố, Pháo đài trắng, Những màu khác.
|
DiDi