PNO - Công tác trưng bày được xem là tối quan trọng của ngành bảo tàng, quyết định trải nghiệm của công chúng khi tham qua, thưởng lãm. Thế nhưng, rất nhiều khó khăn đang cản trở mong muốn của những người làm bảo tàng.
Tham quan khu trưng bày chuyên đề Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau trong chuỗi sự kiện Những ngày Hà Nội tại TPHCM vào cuối tháng Tám vừa qua tại Bảo tàng TPHCM, anh Nguyễn Hồng Anh (35 tuổi, TPHCM) cho biết: ngoài sự hấp dẫn của các cổ vật, hiện vật được phục dựng thì cách trưng bày gồm ánh sáng, cách sắp đặt các lồng kính khiến anh rất thích thú. Anh nói đây là một trong số ít lần trải nghiệm phần nhìn của khách tham quan được đáp ứng tốt như vậy. Không gian triển lãm này tương đối nhỏ gọn nhưng mỗi hiện vật đều được chiếu sáng đẹp mắt, tạo độ sâu hình ảnh. Một số hiện vật còn có bảng tương tác điện tử, giúp quan sát rõ các thông số, các góc cạnh trong không gian 3 chiều, bên cạnh mã QR để người xem tiện theo dõi. Các lồng kính có độ trong suốt cao nên dễ dàng quan sát từ khu này sang khu khác.
Khách tham quan trưng bày Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản cho mai sau vào cuối tháng Tám vừa qua tại Bảo tàng TPHCM - ẢNH: TRUNG SƠN
Nhiều bảo tàng hiện có số lượng hiện vật lớn, giàu ý nghĩa nhưng công tác trưng bày chưa hấp dẫn, đẹp mắt, thậm chí có nơi còn tạm bợ, chắp vá… Từng có những triển lãm tại bảo tàng mà họa sĩ phải rút tranh vì được tổ chức trưng bày cẩu thả, thiếu tôn trọng.
Bà Huỳnh Ngọc Vân - nguyên Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM, giám đốc Bảo tàng Áo dài TPHCM - cho rằng: công tác trưng bày được xem là “xương sống” của ngành bảo tàng. Đây là yếu tố thu hút công chúng. Dù biết vậy, sự đầu tư cho trưng bày vẫn còn hạn chế, đặc biệt khi phần lớn bảo tàng phải hoạt động phụ thuộc vào ngân sách. Có nhiều dịp đi thăm, học hỏi từ các bảo tàng trên thế giới, bà nói để đạt chuẩn trưng bày như các nước tiên tiến, phải tiêu tốn lên đến cả ngàn tỉ đồng. Ánh sáng phải là ánh sáng nghệ thuật, lạnh, không tia cực tím, đầy đủ sắc độ. Hệ thống đèn khi xây dựng phải tính được phương án di chuyển linh hoạt, đảm bảo phù hợp với nhiều loại hiện vật khác nhau. Ở những bảo tàng lớn trên thế giới, 1 hiện vật được chiếu sáng bằng 6 đèn khác nhau, ở nhiều góc, giúp thỏa mãn thị giác tối đa. Hiện loại đèn chuyên dụng cho công tác trưng bày phần lớn đều nhập ngoại. Vì điều kiện tài chính hạn chế, nhiều nơi còn chưa đảm bảo được việc chiếu sáng chuẩn huống chi là nghệ thuật.
Ngoài ánh sáng, tủ trưng bày phải tạo được môi trường vi khí hậu, chống côn trùng, mối mọt, có máy hút ẩm. Kính làm tủ trưng bày phải chịu nhiệt, sự rung chuyển, thậm chí khi gặp sự cố cũng không gây hại đến người xem, hiện vật. Ngoài ra, các bục, bệ, yếu tố trang trí đi kèm cũng phải được nghiên cứu kỹ, đảm bảo phù hợp từng hiện vật. “Trưng bày hiện vật cũng phải thay đổi liên tục. Hoạt động này không chỉ là việc lấy cái cũ đi, đặt cái mới vào. Kịch bản, giải pháp trưng bày đều là những thứ khi chạm vào đều phải tốn kinh phí” - bà Huỳnh Ngọc Vân nói.
Cần nỗ lực nhiều hơn
Tại một số bảo tàng tư nhân như Bảo tàng Nghệ thuật Quang San, Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn…, công tác trưng bày được đánh giá ở mức khá vì ánh sáng, không gian tương đối tốt. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thiều Kiên - Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Quang San - sự đầu tư chỉ dừng ở mức tiêu chuẩn. Có nhiều dịp học hỏi, quan sát từ các bảo tàng tại Thái Lan, Singapore, ông nhận thấy vẫn chưa thể bắt kịp họ.
Trưng bày cổ vật tại Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn (quận 1, TPHCM) được đánh giá cao về ánh sáng, không gian - Ảnh do bảo tàng cung cấp
Theo ông, với bảo tàng, trải nghiệm của công chúng cực kỳ quan trọng. Người làm bảo tàng cần lắng nghe, cải thiện liên tục để có thể tạo được ấn tượng tốt nhất. Tuy nhiên, với điều kiện hiện tại thì phải đi từng bước. Một tín hiệu tốt hiện nay là các bảo tàng - trong đó có nhiều bảo tàng công lập - đã dần quan tâm, chăm chút hơn cho công tác trưng bày.
Ông Đỗ Hùng - chủ Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn - nói ông cũng phải đi tham khảo nhiều nơi trên thế giới để thực hiện việc thiết kế, sắp đặt ánh sáng. Chưa tính giá trị hiện vật thì chi phí đầu tư trưng bày ở 2 bảo tàng của ông đã lên đến 15 tỉ đồng.
Ngoài yêu cầu về thiết bị thì ý tưởng, nội dung trưng bày rất quan trọng. Công chúng hiện rất dễ tiếp cận với các triển lãm nghệ thuật tân tiến của nước ngoài, từ đó hình thành nên những tiêu chuẩn mới trong việc thưởng thức không gian trưng bày. Cụ thể công chúng đang xem trọng yếu tố mỹ thuật hơn trước. Vì thế, các bảo tàng cần phải có một đội ngũ chuyên môn trẻ, được đào tạo chuyên sâu, bài bản. Tuy nhiên, những hạn chế về thu nhập, khả năng phát triển… đang khiến các bảo tàng rất khó có thể giải quyết vấn đề nhân lực.
Nhiều khó khăn đang cản trở mong muốn của những người làm bảo tàng trong việc đáp ứng tốt nhất nhu cầu thưởng lãm của công chúng, giúp họ cảm nhận đầy đủ vẻ đẹp, giá trị văn hóa, lịch sử của hiện vật.
Bộ phim tài liệu Page One: Inside the New York Times phản ánh câu chuyện của báo chí đương đại với những thách thức trong kỷ nguyên mạng xã hội lên ngôi.