Bão tan, nhiều doanh nghiệp phía Bắc vẫn chưa thể hoạt động

13/09/2024 - 06:37

PNO - 5 ngày sau khi cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào các tỉnh, thành phía Bắc, nhiều doanh nghiệp vận tải, sản xuất, xuất khẩu vẫn chưa thể trở lại hoạt động bình thường.

Ông Hoàng Văn Khánh - đại diện chủ đầu tư cụm công nghiệp Đồng Nẻo (quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng) - cho hay, có 4/7 doanh nghiệp nước ngoài trong cụm công nghiệp này bị tốc mái, lại gặp mưa to gây ngập nên máy móc, thiết bị trong nhà máy bị hỏng hóc, ước tính thiệt hại ban đầu 20 tỉ đồng. Muốn khôi phục hoạt động sản xuất, các doanh nghiệp phải lợp lại mái nhà xưởng nhưng chưa thể mua được vật liệu, không thuê được đơn vị thi công. Vật liệu xây dựng đang khan hiếm, các đơn vị thi công cũng quá tải đơn đặt hàng sửa chữa nhà, xưởng nên đều hẹn đến tháng sau.

Nhiều nhà xưởng trong cụm công nghiệp Đồng Nẻo (quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng) đổ nát sau khi bão Yagi quét qua  - Ảnh do chủ đầu tư cụm công nghiệp cung cấp
Nhiều nhà xưởng trong cụm công nghiệp Đồng Nẻo (quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng) đổ nát sau khi bão Yagi quét qua - Ảnh do chủ đầu tư cụm công nghiệp cung cấp

Nhà xưởng của Công ty TNHH Hải Nam (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên không bị mưa, bão gây ảnh hưởng nhưng theo ông Trần Đức Chiến - Giám đốc công ty - hoạt động sản xuất vẫn chưa được khôi phục do đứt gãy nguồn nguyên liệu. Tất cả gỗ nguyên liệu của công ty này được nhập từ các tỉnh Yên Bái, Lào Cai nhưng 2 tỉnh này đang bị ngập lụt, sạt lở đất, giao thông trắc trở. Ông nói: “Chúng tôi đành trễ hẹn giao 10 đơn hàng với hơn 100 container cho đối tác Nhật Bản và đang xin các đối tác cho thêm thời gian. Tuy nhiên, tình trạng lụt lội, sạt lở đất đá chưa có dấu hiệu giảm nên chúng tôi cũng không biết tới bao giờ mới có được nguồn gỗ nguyên liệu để hoàn thành hợp đồng”.

Bà Nguyễn Thị Liên - Giám đốc Công ty TNHH Gạch ngói Kim Thành (tỉnh Quảng Ninh) - ước tính, mưa bão gây thiệt hại cho công ty 12 tỉ đồng. Thiệt hại của những doanh nghiệp vật liệu xây dựng như Kim Thành gián tiếp tác động xấu đến thị trường gạch ngói miền Bắc phục vụ sửa chữa nhà cửa sau bão bởi nó gây thiếu hụt nguồn cung gạch ngói trên thị trường, làm tăng giá sản phẩm, có thể làm tăng chi phí xây dựng cho các công trình.

Bà Bùi Thị Minh Hằng - Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Tập đoàn Vũ Hán (tỉnh Tuyên Quang) - cho biết, công ty đang điều hành 15 xe vận tải hành khách và hàng hóa tuyến Hà Nội - Hà Giang, Hà Nội - Tuyên Quang. Hầu hết các tuyến đường đang tạm ngưng hoạt động do mưa lũ, sạt lở đất. Một số xe buộc phải dừng lại giữa đường do sạt lở, đặc biệt là trên tuyến đường lên Hà Giang - nơi dân cư khá thưa thớt. Hành khách và hàng hóa bị mắc kẹt giữa đường, không có chỗ nghỉ, không có thức ăn, nước uống, tài xế và nhân viên theo xe phải đi xin nước uống, đồ ăn. Văn phòng giao dịch ở các tỉnh của công ty cũng bị ngập khiến máy móc, thiết bị, hàng hóa hư hỏng. Trong khi đó, công ty vẫn phải trả các chi phí như bến bãi, lãi suất ngân hàng nên khó càng thêm khó.

Theo ông Lê Văn Bản - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) - hợp tác xã này có 25 thành viên, nuôi trồng thủy sản trên tổng diện tích 25ha, thu hoạch từ 5-10 tấn thủy sản/ngày, cung ứng cho thị trường TP Hà Nội, các tỉnh Hải Dương, Nam Định. Từ ngày bão đổ bộ đến nay, do mưa lớn kéo dài, xã viên không thể thu hoạch thủy sản nên không có thu nhập.

Ông bày tỏ lo ngại: “Điều kiện thời tiết như hiện nay sẽ làm tăng nguy cơ dịch bệnh trong ao nuôi. Mưa lớn cộng với sóng, gió sẽ khiến thủy sản yếu sức, lại không được thu hoạch, tiêu thụ kịp thời nên tồn đọng, vừa giảm chất lượng và giá trị sản phẩm, vừa tăng nguy cơ dịch bệnh. Bão lũ không chỉ gây thiệt hại về kinh tế hiện tại mà còn làm tăng thêm khó khăn trong việc khôi phục hoạt động nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới”.

Mai Ca - Hà Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI