Bão số 9 di chuyển nhanh, gió giật cấp 17 và có khả năng đổ bộ vào ngày mai 28/10

27/10/2020 - 07:08

PNO - Dự kiến sáng mai (28/10), tâm bão sẽ ở vùng biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên, với sức gió 165km/giờ, giật cấp 17, sóng biển cao 3-5m gần bờ.

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, hồi 4g ngày 27/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,7 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 320km về phía bắc đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Dự báo hướng đi của bão
Dự báo hướng đi của bão

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và có khả năng mạnh thêm. Đến 4g ngày 28/10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông trên vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía tây kinh tuyến 118,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, rồi tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 4g ngày 29/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở 15,4 độ Vĩ Bắc; 104,8 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực phía đông Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Khu vực bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.

Từ trưa và chiều nay (27/10), vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 12-13, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m. Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.

Khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi.

Gió mạnh trên đất liền: Bão bắt đầu gây gió mạnh trên đất liền từ tối và đêm nay (27/10); thời gian có gió mạnh nhất trên đất liền từ sáng sớm đến chiều tối ngày 28/10. Các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; riêng đất liền ven biển các tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và bắc Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.

Từ đêm 27/10 đến ngày 29/10, ở khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; bắc Tây Nguyên 100-200mm/đợt.

Từ 28-31/10, khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9: cấp 4. 

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với bão số 9 nên ở các vùng biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm vùng biển TPHCM), Cà Mau đến Kiên Giang (bao gồm Phú Quốc) và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Tam Nguyên

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Núi lở & độ dốc 27-10-2020 09:07:46

    Hôm qua xem tivi một chuyên gia địa chất thủy văn nói núi lở vùi lấp nhà cửa chết người nguyên nhân chính là do độ dốc (độ nghiêng) đồi núi lớn hơn 40 độ do mở rộng san ủi đồi núi quá mức. Vị chuyên gia dẫn chứng cụ thể đồn biên phòng/ doanh trại bộ đội bị vùi lấp mặt dầu cách xa núi 1km nhưng vẫn bị lấp vì khi ngọn núi lớn lở thì khối lượng đất rất lớn sẽ tràn đi xa hàng km.
    Xưa nay ai giám sát độ dốc này, không chỉ độ dốc đồi núi lớn hơn 40% mà cả độ dốc đường dẫn lên cầu trong đô thị lớn hơn 4% dẫn đến tai nạn hay xảy ra, vây bộ nào phản biện, bộ nào chịu trách nhiêm?

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI