Nhà bay mái, bè cá tả tơi
Ở làng An Cư, thị trấn Lăng Cô, đập vào mắt chúng tôi là những hàng cây trước núi Hải Vân bị gió bão quật gãy, những ngôi nhà phía trước đầm Lập An tốc mái. Dù cơn bão lớn, quần thảo liên tục nhiều giờ nhưng nhờ sự chủ động phòng, chống của người dân và chính quyền địa phương, không có thiệt hại nào về người. Thế nhưng, thiệt hại về tài sản ước tính hàng chục tỉ đồng.
|
Người dân ở thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) thất thần nhặt nhạnh những gì còn sót lại tại ngôi nhà vừa bị bão số 6 đánh sập - Ảnh: Thuận Hóa |
Nhà bà Hồ Thị Thuần (tổ dân phố An Cư Đông 1) là 1 trong 73 căn nhà ở làng An Cư bị tốc mái hoàn toàn. Chúng tôi đến thăm khi bà đang dọn dẹp những vật dụng trong nhà để nhóm thợ lợp lại mái. Chồng mất cách đây vài năm do bệnh, 2 người con đi làm ăn xa, bà Thuần một mình ở lại quê làm nghề chạy xe ôm kiếm sống. Khi bão ập tới, một mình bà tất bật khiêng vác bàn ghế, kê cao ti vi, bếp gas, chén dĩa.
Bà kể, khoảng 4g ngày 27/10, gió bắt đầu thổi mạnh. Đang thiu thiu ngủ, bà giật mình tỉnh giấc sau tiếng nổ lớn, mở mắt ra thì thấy 1 đòn tay bằng sắt rơi gần chỗ nằm. May có cái mùng đỡ nên đòn tay rớt qua hướng khác. Bà vùng dậy, chạy qua nhà hàng xóm xin ở nhờ, đến khi quay về thì thấy toàn bộ mái nhà đã bị gió thổi bay qua khu mộ gần đó.
|
Huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) ngập trong nước lũ - Ảnh: Nguyễn Chiến |
Khu vực Hói Mít - địa điểm du lịch nổi tiếng ở vịnh Lăng Cô - bị gió bão quần thảo tả tơi. Trong 20 năm qua, đây là lần đầu tiên, bà con chứng kiến cơn bão lớn đổ bộ bất ngờ, thổi bay hàng chục mái nhà. Nhà chị Trương Thị Bê (tổ dân phố An Cư Tây) bị bão Trà Mi thổi bay toàn bộ phần mái nhà, gió còn cuốn một cục đá bay vào gác lửng, làm rơi vỡ nhiều đồ đạc trong nhà. Chị Bê cho biết, vợ chồng chị làm nghề chài lưới, phải tích cóp nhiều năm mới đủ tiền xây được căn nhà cho 8 nhân khẩu trú ngụ. Con gái đầu của chị mới sinh em bé, đang trong thời gian ở cữ, may mà được người nhà đưa đến nơi an toàn giữa đêm. “Lúc đó, chồng tôi ở phòng khách giữ cửa, còn tôi với mấy đứa con ở phòng phía sau. Được một chặp thì nghe tiếng gãy rắc rắc, rồi toàn bộ mái nhà bị thổi bay” - chị Bê kể.
Trưa 28/10, sau khi bán hết cá ở chợ Lăng Cô, chị Bê liền chạy về nhà dọn dẹp đồ đạc. Nhiều vật dụng trong nhà bị đổ bể. Nhưng thiệt hại nặng nhất là việc các lồng bè nuôi cá bị bão đánh tan, cá thoát ra ngoài. Chị Bê nói: “Ở xóm Cá này, nhà nào cũng nuôi trồng hải sản trên đầm Lập An nên đều thiệt hại từ 50 tới 200 triệu đồng. Nhà nào có trồng rừng ở chân núi Hải Vân cũng bị thiệt hại, mỗi nhà 3 - 5ha do trồng cây keo lá tràm mới được 2 năm thì gãy hết”.
An Cư nhưng khó an lòng
Nhiều hộ dân nuôi cá lồng và kinh doanh dịch vụ ăn uống ở vịnh Lăng Cô trắng tay sau đêm bão về. Hàng chục lồng nuôi cá bị sóng đánh tan nát, lưới bị xé rách, cá nuôi thoát ra biển. Những lồng bè còn sót lại thì bị rác tấp vào, gió quật khiến cá chết.
Ông Lê Văn Thọ (tổ dân phố An Cư Đông 2) cho biết, ở vịnh Lăng Cô và đầm Lập An, có hàng ngàn hộ nuôi cá bằng lồng bè, với các loại cá có giá trị thương phẩm cao, như chim trắng, chim hồng, vược, mú, bớp. Riêng ở khu cửa biển An Cư Đông 2, có khoảng 30 hộ nuôi cá lồng bè. Cá được thả nuôi từ đầu năm, đã tới kỳ thu hoạch (sau 10 tháng) nhưng do việc tiêu thụ chậm nên các hộ vẫn tạm giữ nuôi. Không ngờ, bão thốc tới khiến các hộ trắng tay. “Mỗi lồng có khoảng 200 con cá, nặng 2-3 kg/con nên thiệt hại hơn 100 triệu đồng/lồng. Nuôi càng nhiều lồng thì càng thiệt hại nặng” - ông Thọ buồn bã.
|
Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) di dời người dân đến nơi tránh trú an toàn - Ảnh: Thuận Hóa |
Ở xóm Cầu Cũ, thôn Hải Vân, thị trấn Lăng Cô, hơn 20 hộ nuôi cá vẩu, cá dìa cũng trắng tay sau cơn bão số 6. Bà Bạch Thị Hải (68 tuổi) nói, bà sống ở xóm này hơn 30 năm nay mà chưa lần nào thấy bão lớn kết hợp với triều cường tàn phá dữ dội như lần này: “Chừ (bây giờ) trắng tay rồi con ơi. Hơn 200 triệu đồng đầu tư nuôi cá vẩu, cá dìa trôi ra biển hết. Sau bão, bà con ở đây ai cũng khổ. Mong Nhà nước cho khoanh nợ, giãn nợ để mọi người tiếp tục vay vốn, mua con giống để nuôi tiếp, ổn định cuộc sống”.
Ở các bãi biển Đồng Dương, Loan Lý của thị trấn Lăng Cô, có ít nhất 3 nhà hàng, quán ăn được làm theo kiểu nhà chòi bị đổ sập, ván chòi, bàn ghế bị gãy. Chủ nhà hàng hải sản Hoàng Nhi cho biết, toàn bộ 7 chòi kinh doanh dịch vụ ăn uống của gia đình anh bị tan nát sau bão, ước tính thiệt hại 700 triệu đồng.
Theo UBND thị trấn Lăng Cô, bão số 6 đã làm tốc mái, hư hại 486 ngôi nhà, làm chìm và trôi dạt 86 ghe, thuyền, làm hư hại lồng bè nuôi cá của 105 hộ, đánh sập 39 chòi canh nuôi thủy hải sản. Ngoài ra, mưa bão cũng làm hàng trăm héc ta rừng trồng bị gãy đổ, làm sập 10 gian hàng mới khai trương ở khu phố đi bộ Nguyễn Văn. Chính quyền địa phương đang tiếp tục thống kê thiệt hại để có phương án vận động, đề nghị cấp trên hỗ trợ người dân.
Quảng Bình: Mưa lũ làm 2 người chết, 3 người mất tích Ngày 29/10, mực nước trên sông Kiến Giang, tỉnh Quảng Bình đã đạt đỉnh, đang xuống chậm và duy trì trên mức báo động 3. Tình trạng ngập lụt tiếp tục diễn ra trên diện rộng ở vùng hạ lưu sông Kiến Giang, đặc biệt là ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, TP Đồng Hới. Trong đó, huyện Lệ Thủy vẫn còn hơn 19.700 nhà bị ngập lụt, gồm hơn 8.000 nhà ngập trên 1m và hơn 11.600 nhà ngập dưới 1m. Trong 2 ngày qua, huyện Quảng Ninh xảy ra mưa to, có nơi mưa rất to, làm 11.500 ngôi nhà bị ngập. Các lực lượng chức năng đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, phương tiện để giúp người dân phòng, chống lũ lụt. Tính đến 16 giờ ngày 29/10, tỉnh Quảng Bình có 2 người chết, 3 người mất tích và gần 33.000 ngôi nhà bị ngập. Nạn nhân tử vong là anh Lê Ngọc Hơn (22 tuổi, trú thôn Thanh Sơn, xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy) và bà Dương Thị Hẹ (74 tuổi, trú thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy), do nước lên cao nên người thân chưa thể chôn cất, phải đưa quan tài lên gác xép. Hiện các lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm kiếm người mất tích. |
Quảng Nam: 4 người bị thương khi chằng chống nhà cửa Bão số 6 không gây thiệt hại về người ở TP Đà Nẵng. Toàn thành phố có 51 nhà bị ngập nhưng đến cuối chiều 27/10, nước đã rút. Một số nhà dân, công sở bị tốc mái nhẹ. Sau cơn bão, toàn thành phố có 909 cây xanh bị ngã đổ. Chính quyền các địa phương đã ra quân dọn dẹp, cắt tỉa, trả lại đường phố sạch sẽ trong ngày 28/10. Ở tỉnh Quảng Nam, mưa bão làm 4 người bị thương trong khi chằng chống nhà cửa để phòng bão. Bão cũng làm 13 ngôi nhà ở huyện Tây Giang và Phước Sơn bị tốc mái. Trên quả núi cách khu dân cư Nà Nổ, thôn Gia Cao, xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức 50m, có một vết nứt sâu khoảng 1m, dài khoảng 30m dạng vòng cung, có nguy cơ sạt lở với lượng đất đá trên 100m3 buộc chính quyền phải sơ tán khẩn cấp toàn bộ 30 hộ với 156 nhân khẩu đến Trường tiểu học Kpa Kơlơng. Người dân đã trở về nhà khi bão tan. Gió bão và mưa lớn cũng gây ra 35 sự cố lưới điện, khiến hơn 183.500 hộ bị mất điện. Điện lực Quảng Nam đã khắc phục sự cố và cấp điện trở lại cho tất cả các huyện trong ngày 28/10. Lê Đình Dũng |
Ông Đặng Văn Hòa - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết, qua thống kê chưa đầy đủ, bão số 6 đã làm 2 người chết, hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, hơn 10,3km bờ biển bị xói lở nghiêm trọng. |
Thuận Hóa