Bão RAI giật cấp 16, chuẩn bị tiến vào Biển Đông, diễn biến rất phức tạp

15/12/2021 - 10:57

PNO - Sáng 15/12, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai (Ban chỉ đạo) tổ chức cuộc họp với 30 đầu cầu, trong đó 20 đầu cầu là các tỉnh, thành phố ven biển có khả năng nằm trong vùng ảnh hưởng của cơn bão RAI.

Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, hiện tại bão RAI cách Philippines khoảng 800-900km. Bão đang mạnh cấp 11 và có khả năng sẽ mạnh thêm.

Dự báo trước khi vào đến Philippines bão có thể ở cấp 13-14, giật cấp 16. Sau khi đi qua Philippines, vào đêm 17/12 bão sẽ đi vào Biển Đông và ngày 18/12, trở thành cơn bão số 9 năm 2021. Dự kiến khi đi qua Philippines bão suy yếu nhẹ, và mạnh trở lại khi vào Biển Đông.

Ông Hoàng Phúc Lâm nhận định, ở trên biển, gió mạnh nhất của bão RAI nhiều khả năng duy trì cấp 12-13, giật cấp 16. Do tác động của không khí lạnh đang tăng cường, khi vào gần bờ nước ta, bão RAI có khả năng suy yếu. Tuy nhiên các dự báo cho thấy mức độ suy yếu không nhiều. Ngoài ra, bão có khả năng dịch chuyển lên phía bắc, thời gian dịch chuyển muộn, tâm bão phải vào kinh tuyến 113-115 mới chếch lên phía bắc.

Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai (Ban chỉ đạo) tổ chức cuộc họp với 30 đầu cầu, trong đó 20 đầu cầu là các tỉnh, thành phố ven biển có khả năng nằm trong vùng ảnh hưởng của cơn bão RAI
Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp với 30 đầu cầu vào sáng 15/12 để ứng phó với bão RAI

Về bán kính gió mạnh cấp 6-7 sẽ trải rộng khoảng 300km. Khi bão vào kinh tuyến 114, vùng gió mạnh đã vào kinh tuyến 110, vùng ven bờ nước ta bị ảnh hưởng gió mạnh, do đó, các phương tiện hoạt động trên biển cần đề phòng nguy hiểm.

Theo ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo, đây là cơn bão cuối mùa năm 2021. Theo dự báo của chuyên gia khí tượng quốc gia và quốc tế đây là cơn bão mạnh, chịu tương tác của các hình thái thời tiết như không khí lạnh nên đường đi, phạm vi ảnh hưởng có thể sẽ thay đổi.

Ông Trần Quang Hoài đề nghị Trung tâm theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, kịp thời có thông tin tới Ban chỉ đạo về đường đi, phạm vi tác động... để triển khai công tác ứng phó kịp thời. Ông cũng đề nghị các đài dự báo khu vực, địa phương phối hợp cùng Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia để có nhận định sâu hơn từng khu vực. Đồng thời, ông đề nghị Tổng cục Thủy sản, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng thông tin cụ thể tới từng gia đình có tàu thuyền đang hoạt động trên biển, khi bão vào, không để các tàu thuyền vãng lai trên biển, kể cả tàu đánh bắt ven bờ.

Có hơn 11.000 tàu đang hoạt động trên Biển Đông

Tại cuộc họp, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo cho biết cả nước có hơn 94.000 tàu thuyền, trong đó hơn 11.000 tàu đang hoạt động trên Biển Đông. Tại các tỉnh, thành phố ven biển Nam bộ, có 243.254 nhà ở không an toàn. Trong đó Bà Rịa Vũng Tàu có 10.788 nhà, TPHCM có 340 nhà, Tiền Giang có 18.014 nhà, Bến Tre có 12.000 nhà, Trà Vinh có 18.651 nhà, Sóc Trăng có 62.981 nhà, Bạc Liêu có 30.000 nhà, Cà Mau có 90.480 nhà.

An Sinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI