Tối 19/12, ông Lê Đình Hải - Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa cho biết, mặc dù công tác chuẩn bị ứng phó cơn bão số 9 được chủ động triển khai tốt, nhưng do cường độ bão quá mạnh và đổ bộ trực tiếp nên gây nhiều thiệt hại trên các đảo của huyện. Bão số 9 gây thiệt hại về cơ sở vật chất, một số công trình trên đảo bị tốc mái ngói, cây cối bị ngã đổ, đất trồng bị nhiễm mặn… May mắn là quân và dân trên các đảo cũng như ngư dân vào tránh trú bão đều an toàn.
Riêng tại đảo Song Tử Tây, ngay từ 3g sáng 18/12, gió bão mạnh cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 11. Đến 10g cùng ngày, gió bão cấp 11, giật cấp 12, sóng biển cao từ 4 - 6 mét, biển động dữ dội. Đỉnh điểm của bão là từ 12g30 đến 14g30 ngày 18/12, gió bão cấp 14, cấp 15, giật trên cấp 16, sóng biển cao từ 7 - 9 mét, biển động dữ dội.
Tính đến 15g ngày 18/12, sơ bộ thiệt hại trên đảo Song Tử Tây như sau: tốc mái trên 500m2 ngói, hư hỏng 15 tấm pin năng lượng mặt trời, tốc mái trên 400m2 vườn và sập 1 vườn tăng gia, khoảng 90% cây cối trên đảo bị gãy đổ. Đến 16g10, hoàn lưu bão lại mạnh dần trở lại, gió cấp 13, cấp 14, giật trên cấp 15. Đến 18g30, gió bão giảm xuống cấp 9, cấp 10.
|
Cây xanh trên đảo Song Tử Tây bị ngã đổ do bão số 9 - Ảnh: Nguyễn Ninh |
Bên cạnh đó, sáng 19/12, cán bộ chiến sĩ của đảo Sinh Tồn đã hỗ trợ một số nhu yếu phẩm và tặng 20 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân trước khi các tàu cá rời đảo để tiếp tục ra khơi đánh bắt hải sản.
Trước đó, từ ngày 17/12, có 47 tàu cá và 588 ngư dân đã vào âu tàu của đảo để tránh trú bão số 9. Cán bộ, chiến sĩ của đảo đã phối hợp với nhân viên âu tàu hướng dẫn, giúp đỡ ngư dân chằng buộc trang thiết bị, ngư cụ chắc chắn, bảo đảm an toàn; hỗ trợ cho bà con ngư dân một số nhu yếu phẩm và 10m3 nước ngọt. Cán bộ, chiến sĩ của đảo đã chuẩn bị tốt nơi ăn và nơi nghỉ ngơi cho ngư dân, di dời ngư dân lên đảo để bảo đảm an toàn. Quân y duy trì kíp trực, sẵn sàng khám và chữa bệnh cho ngư dân.
|
Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn tặng quà cho ngư dân - Ảnh: Nguyễn Ninh |
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các tàu vào neo đậu, tránh trú bão số 9, các lực lượng của đảo thực hiện nghiêm phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
Tại Bình Định, chiều ngày 19/12, Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn & Phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định cho hay, do ảnh hưởng của cơn bão số 9 (RAI), Bình Định ghi nhận thiệt hại ban đầu là ngập úng cục bộ hơn 5.000 ha lúa mới gieo sạ vụ đông xuân 2021 - 2022 tập trung ở các địa phương Tuy Phước, Phù Mỹ, Hoài Ân và TX. Hoài Nhơn. Riêng TX. Hoài Nhơn, một số diện tích bờ sông, suối, đê kè bị sạt lở.
|
Mưa lớn làm ngập nhiều diện tích lúa mới gieo sạ vụ đông xuân 2021 - 2022 |
Theo dự báo, từ đêm nay (19/12) tới 20/12, khu vực tỉnh Bình Định dự báo tiếp có mưa vừa và mưa to, khả năng xuất hiện một đợt lũ trên các sông với đỉnh lũ ở mức báo động 1.
Để chủ động ứng phó với mưa bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định chỉ đạo Công ty TNHH Khai thác Công trình thủy lợi Bình Định đóng tràn các hồ chứa lớn gồm Định Bình, Thuận Ninh, Núi Một, nhằm đảm bảo tích nước cho vụ Đông Xuân, an toàn hồ đập và cắt lũ cho vùng hạ lưu.
Trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản, Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn và các địa phương ven biển thông tin và liên lạc với chủ tàu cá để thông báo tình hình, di chuyển của bão số 9, kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão an toàn. Đến chiều 19/12, Bình Định thống kê có 148 tàu với 1.053 người đang hoạt động trên các vùng biển đã nhận được thông tin về cơn bão và di chuyển đến vùng an toàn.
*** Do ảnh hưởng của bão số 9, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có gió rất mạnh, sóng lớn. Đặc biệt, tại khu vực đảo Bình Hưng, xã Cam Bình, TP. Cam Ranh sóng to kèm theo gió lớn đã nhấn chìm nhiều nhà bè du lịch và làm hư hỏng, cuốn trôi hàng trăm lồng bè nuôi trồng thủy sản.
Tối 19/12, ông Nguyễn Ân - Chủ tịch UBND xã Cam Bình (TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) cho biết: “Theo thống kê sơ bộ, thiệt hại bè nuôi tôm khoảng trên 90 bè, chưa tính bè du lịch và có khoảng 120 hộ bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại tài sản ước tính khoảng 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, về con số chính xác vẫn chưa có thống kê cụ thể vì phải đợi biển yên người dân lặn xuống kiểm đếm số lồng tôm bị hư hỏng. Nếu may mắn, các lồng không bị rách, tôm không bơi đi thì thiệt hại sẽ không tăng lên”.
Cũng theo ông Nguyễn Ân, khu vực đảo Bình Hưng có 412 hộ thì đến 90% hộ nuôi tôm hùm. Từ chiều ngày 18/12 chính quyền đã vận động người dân rời khỏi lồng bè vào đất liền nên không có thiệt hại về người.
|
Do ảnh hưởng của bão RAI, nhiều bè du lịch và bè nuôi tôm hùm bị sóng đánh vỡ - Ảnh: CTV |
|
Các lồng bè trên đảo Bình Hưng, xã Cam Bình, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa bị sóng đánh hư hỏng, xô vào nhau - Clip: Châu Anh Vũ |
Huyền Hoa - Hạ Vũ