Bão qua rồi lũ về, nỗi ám ảnh chưa bao giờ nguôi với những người đàn bà góa, như mẹ tôi

05/11/2017 - 09:28

PNO - Tờ mờ sáng, dân làng lội nước đi tìm nhưng bặt vô âm tín, không một chiếc áo, hay một chiếc dép còn sót lại... Mẹ và một số đứa trẻ khác trở thành trẻ mồ côi chỉ qua một đêm không mưa không gió...

Cứ tháng 10 kéo dài cho đến gần tết, miền Trung lại chuẩn bị tinh thần đón những cơn bão điên cuồng tàn phá nhà cửa, cây cối, những cơn lũ tràn về cuốn trôi đi tất cả... Năm nào cũng vậy, nhưng người dân vẫn không thể quen được để không sợ hãi mỗi khi nghe dự báo thời tiết về những cơn bão ngoài biển đông sắp vào đất liền, để có thể bình an tiếp tục lo cơn lũ tràn về sau khi cơn bão đi qua.

Riêng mẹ tôi... mẹ không những sợ mà mùa bão lũ gắn với mất mát, đau thương, chỉ cần thấy mưa gió thôi mẹ đã giật mình tưởng tượng đến khung cảnh năm ấy. Một cơn bão đi qua, một cơn lũ quét ập tới..., ngoại tôi mãi mãi nằm lại dưới dòng nước bạc đục ngàu, đang cuộn xoáy kia. Và mẹ trở thành đứa bé mồ côi trong một tích tắc.

Bao qua roi lu ve, noi am anh chua bao gio nguoi voi nhung nguoi dan ba goa, nhu me toi
Sau cơn bão, con nước dâng cao. Mẹ trở thành đứa trẻ mồ côi. Ảnh minh họa

Ông ngoại tôi đi bộ đội rồi hi sinh khi đang lên căm cờ giải phóng thành phố Huế. Một mình bà ngoại ở vậy nuôi con, căn nhà bà nằm ở một ngôi làng nhỏ một bên là núi, một bên là dòng sông Gianh. Nghe mẹ kể lại, năm đó, một cơn bão lớn lịch sử quét qua tơi bời, rồi mưa to, nước sông dâng nhanh cuồn cuộn... Người dân ven sông được lệnh di dời đến nơi an toàn, trong đó có nhà ngoại tôi. Sau khi nước lũ rút, người lớn được trở về để rửa nhà, dọn dẹp lại lại đồ đạc bị nhấn chìm trong đống bùn dày mấy mét. Còn mẹ tôi và bầy con nít hàng xóm thì được giữ lại ở hội trường thôn để đảm bảo được cung cấp lương thực đầy đủ và tránh lây nhiễm bệnh tật khi môi trường nước bắt đầu bị ô nhiễm.

Nhưng thiên tai mà, ai biết được chữ ngờ, bởi ông trời quá khắc nghiệt, đó là thời điểm gặp nhau cuối cùng của mẹ và bà tôi.

Sau khi nước rút, trời quang mây tạnh, bà ngoại tôi về dọn dẹp và ở lại coi nhà luôn thể. Bão về, lũ đã qua, bầu trời trong xanh như vừa được lau mới hoàn toàn. Quang cảnh đẹp đẽ, bình an ấy khiến bà con chủ quan. Đêm đó, dòng nước âm thầm, lặng lẽ lại lên nhanh không một dấu hiệu (người dân quê tội gọi đó là lụt “tọa độ” - bao vây không một tín hiệu), hồi ấy đài báo thông tin cũng hiếm hoi chứ không phổ biến như bây giờ. Khi mọi người ở vùng ven sông ấy phát hiện ra thì hết đường thoát, cơn lũ quét lần thứ hai ào về trong tích tắc cuốn trôi nhà cửa, cả ngoại và một số người hàng xóm khác... không một dấu vết. Tờ mờ sáng, dân làng lội nước đi tìm nhưng bặt vô âm tín, không một chiếc áo, hay một chiếc dép còn sót lại... Mẹ và một số đứa trẻ khác trở thành trẻ mồ côi chỉ qua một đêm không mưa không gió, nhưng nước biển vẫn dâng và nước trên thượng nguồn đổ về.

Bao qua roi lu ve, noi am anh chua bao gio nguoi voi nhung nguoi dan ba goa, nhu me toi
Bầu trời hừng sáng, báo hiệu một thiên tai sắp xảy ra. Ảnh minh họa

Sau đó, mẹ được bác cả nhận về nuôi... Rồi lớn lên mẹ đi học nghề, học xong mẹ vẫn quay trở về quê hương làm việc, lấy chồng... Lạ, quê hương thiên tai bao đời như thế... nhưng mảnh đất ấy vẫn níu chân “nỗi nhớ” bao người con xa quê, muốn tìm về.

Dường như thế, ở mảnh đất đó đã gắn với tuổi thơ, cả nỗi đau luôn khiến người ta nhớ. Dường như thế, cuộc sống càng khốc liệt, khó khăn con người càng muốn nương vào nhau, đùm bọc nhau mà không nỡ rời xa... Mẹ tôi vẫn vậy, thỉnh thoảng mẹ chạy ra dòng sông Gianh, không để làm gì hết, chỉ ngồi nhìn đăm chiêu vào dòng nước... thở dài. Tôi biết mẹ nhớ ngoại. Tôi biết mẹ thương ngoại đến đứt ruột khi tưởng tượng đến cái chết “bất đắc dĩ ấy”.

Đến cuộc đời mẹ, ba tôi mất vì bệnh tai biến... một mình mẹ phải chống chọi với từng cơn bão rít, từng cơn lũ dữ... Trong căn nhà không bóng dáng đàn ông, mọi thứ trở nên lóng ngóng và luôn cảm thấy chống chếnh, mất an toàn.

Tôi nhớ, lụt năm ấy, con nước lên nhanh, mẹ lo lắng dọn từ ngoài dọn vào mới mong chạy đua với cơn nước lớn... Nước lên 1 mét, 2 mét, rồi lên mấy bậc cầu thang... Đêm tối đen như mực, một mình mẹ, ngồi trên gác ôm một túi xách nếu có mệnh hệ gì thì lên nóc nhà kêu cứu...

Bao qua roi lu ve, noi am anh chua bao gio nguoi voi nhung nguoi dan ba goa, nhu me toi
Miền Trung, năm nào cũng chịu cảnh thiên tai, nhưng người ta không bao giờ quen được với những mất mát, nỗi đau. Ảnh minh họa

Khi tôi học xong đại học, mẹ nói “mùa đông này có con rồi”, chỉ một câu nói đó cũng đủ sức níu chân tôi ở lại trên mảnh đất này, mảnh đất từng ghi dấu hình ảnh bao nỗi đau thương gắn với thiên tai, hình ảnh mẹ tất bật giằng néo nhà cửa mỗi khi bão ghé thăm, hình ảnh giọt nước mắt của bà hàng xóm mếu máo khi bị con nước cuốn trôi cả nhà cửa, hình ảnh chú hàng xóm thất thểu khi bị bão quét sạch mấy miếng rẫy keo tràm sắp thu hoạch...

Và tôi biết thiên tai vẫn cứ xảy ra, ngày càng khốc liệt hơn. Tôi cũng như bao người con khác, sẽ mạnh dạn bước đi đến một chân trời mới để yên tâm lo kế sinh nhai, lo xây dựng cuộc sống riêng của mình, nếu dòng nước kia vẫn hiền hòa, và cơn gió vẫn dịu nhẹ.

Một đời bà ngoại... với một ký ức buồn. Mẹ tôi lớn lên hoang hoảng, cô đơn, đau đớn với dòng ký ức như thước phim quay chậm ấy. Giờ đến tôi lại lo lắng cho mẹ... ngày nắng chưa qua lại lo ngày mưa sắp tới.

Ước gì còn ba!

                                                                                    Ngọc Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI