Năm 2020 là một năm hết sức khó khăn. Những cuộc vận động cho công tác xã hội từ thiện của báo Phụ Nữ TPHCM đã gặp rất nhiều thử thách.
Thế nhưng, cứ mỗi lần gặp khó thì vào “phút cuối” chúng tôi lại có thêm những tấm lòng. Nhờ vậy mà những chương trình như học bổng nữ sinh hiếu học, vượt khó, xây mái ấm tình thương cho người nghèo, xây nhà chống lũ cho đồng bào miền Trung, giúp đỡ các phụ nữ, em thơ chống chọi với bệnh tật... đã không bị ngắt quãng.
|
Báo Phụ Nữ TPHCM trao bảng tượng trưng xây dựng Mái ấm biên cương cho hộ phụ nữ khó khăn ở biên giới Tây Ninh - Ảnh: Tam Nguyên |
Không ai bị bỏ quên
Sáng 3/12, cô giáo Lê Tú Phương, Trường THPT Bạc Liêu, gọi điện báo tin vui, chị Nguyễn Thị Oanh, ở ấp 13, xã Phong Thạnh Đông, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, vừa hoàn tất đợt hóa trị thứ tư trở về, mạnh khỏe.
Cô Phương chính là người đã vượt cả trăm cây số về nhà chị Oanh xác minh câu chuyện cậu học sinh 13 tuổi Lê Phát Đạt một mình chăm bốn người bệnh tật trong nhà (bài Chung tay cứu một gia đình bên bờ vực thẳm đăng trên báo Phụ Nữ TPHCM ngày 12/11/2020). Trong đó, cha bị đa chấn thương sau tai nạn giao thông, mẹ bị ung thư vú giai đoạn 2B, ông nội bị tai biến, bà nội lao lực do già yếu… Sau bài viết và những hình ảnh xúc động mà cô Phương đã ghi lại về hoàn cảnh của gia đình em Đạt, bạn đọc xa gần đã chung tay quyên góp giúp đỡ gia đình em được hơn 48 triệu đồng.
Nghe tin vui ấy, chị Phương Phi - một giáo viên về hưu ở TPHCM, một trong những nhà hảo tâm đầu tiên đóng góp cho gia đình cháu Đạt - nghẹn ngào: “Hóa trị xong rồi sẽ xạ trị. Số tiền của bạn đọc cho chị Oanh rồi sẽ chẳng thấm vào đâu. Tôi muốn lập một quỹ nho nhỏ, gửi riêng để lo cho cháu Đạt hằng tháng, ít nhất đến ngày cháu tốt nghiệp phổ thông”.
Những lo lắng của chị Phương Phi làm chúng tôi nhớ đến lời nhắn nhủ của một ông cụ đã qua tuổi thất tuần ở Bình Dương vào ngày 26/11, sau khi báo Phụ Nữ TPHCM đăng bài Đôi vợ chồng già với bốn chứng bệnh nan y. Ông nói: ”Tôi vừa đi chuyển 5 triệu đồng cho ông bà Siêng - Năng đó, với tên Kim Loan vợ tôi. Nhờ các em giúp chúng tôi chuyển cho ông bà ấy. Lương hưu vợ chồng không nhiều, nhưng nghe chuyện ông bà ấy, chúng tôi quá xót xa. Nói với ông bà ấy là bạn già ở Bình Dương gửi”.
Ngày bà Siêng đến báo Phụ Nữ TPHCM nhận hơn 18 triệu đồng từ bạn đọc đóng góp, nghe câu chuyện chúng tôi kể lại, nước mắt bà chảy dài: “Tôi mang ơn báo và mọi người không biết để đâu cho hết!”. Cũng như chị Oanh, ôm bọc tiền, bà Siêng quay về Bệnh viện Ung bướu tiếp tục điều trị với hy vọng khỏe mạnh để về chăm lo cho gia đình. Có thể nói, sự chia sẻ của bạn đọc không chỉ cứu một bệnh nhân mà hơn hết là cứu sống cả một gia đình.
Chưa năm nào đất nước đối diện với thiên tai, dịch bệnh kinh hoàng như năm 2020 vừa qua. Trong dòng thời sự đó, Báo Phụ Nữ TPHCM lặng lẽ làm một nhịp cầu để những tấm lòng nhân ái kết nối yêu thương. Dịch bệnh nổ ra, khẩu trang, nước rửa tay khan hiếm, nhưng trong những món quà bạn đọc sẻ chia với đồng bào không thiếu những thứ cần thiết ấy. Chúng tôi cảm ơn xưởng may Ngọc Bích ở quận Gò Vấp và Hội LHPN các phường ở quận 6 đã nhiều “đêm trắng” để làm ra hàng ngàn chiếc khẩu trang, hàng ngàn tấm chắn giọt bắn, chai nước rửa tay để cùng với Báo Phụ Nữ TPHCM gửi tặng các y bác sĩ, quân dân, bộ đội nơi tuyến đầu chống dịch, công nhân ngành vệ sinh môi trường.
|
Báo Phụ Nữ TPHCM trao quà của bạn đọc cho bà con Thừa Thiên - Huế - Ảnh: Sơn Vinh |
Đây không chỉ là quà mà còn là tấm lòng thơm thảo của các doanh nghiệp, đơn vị như Công ty cổ phần tập đoàn Hưng thịnh, Vinamilk, FE credit, Agribank chi nhánh Lý Thường Kiệt, Công ty Bất động sản Sơn Kim, Acecook Việt Nam, cửa hàng Baka, chị Diễm Hằng MiMi spa và các doanh nhân, nhóm thiện nguyện ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, thương nhân Ứng Thị Liên; các anh chị Việt kiều như Vũ Ngô, Thảo Đinh, Fransis Nguyễn, Nguyễn Châu Bảo Ngọc, Mai Thị Huyền Trân… từ khắp nơi trên thế giới gửi về góp sức.
Sau bảy chuyến hàng đưa 1.500 phần quà, mỗi phần trị giá hơn 1 triệu đồng, theo kế hoạch về các tỉnh miền Trung, cứ ngỡ chương trình vì đồng bào miền Trung ruột thịt sẽ khép lại. Không ngờ, sau bài Mơ về ngôi nhà chống lũ của phóng viên Thuận Hóa viết và gửi vào từ Quảng Trị (ngày 25/11/2020), cán bộ nhân viên Phòng Công chứng số 7, Sở Tư pháp TPHCM đã quyên góp ngay 50 triệu đồng (trị giá bằng một căn nhà chống lũ) gửi về báo. Vậy là một cuộc vận động từ thiện mới được phát động, để đến hôm nay, chúng tôi vui mừng gửi số tiền 250 triệu đồng ra Quảng Trị. Báo Phụ Nữ TPHCM và Hội LHPN tỉnh Quảng Trị sẽ thay mặt bạn đọc thực hiện việc xây nhà, góp mùa xuân cho 5 hộ dân đang từng ngày chật vật mưu sinh bên căn nhà sắp sập.
Tiếp nối yêu thương
Ngày 12/11, nhận số tiền 10 triệu đồng bạn đọc hỗ trợ con gái mình là Phạm Bảo Phi, anh Phạm Trọng Toàn đã trích lại 5 triệu đồng và nhờ Báo Phụ Nữ TPHCM thay mặt gia đình anh gửi đến em Lê Thị Thu Điệp, một nữ sinh ở Quảng Ngãi, đã phải gác lại ước mơ học đại học để chăm sóc ba mẹ bị tâm thần. Câu chuyện của Cô sinh viên “hụt” và những đêm trắng bên chợ Ga (Báo Phụ Nữ TPHCM ngày 4/11/2020) khiến anh Toàn cảm thấy mình cần chia sẻ.
|
Em Phạm Bảo Phi nhận học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó báo Phụ Nữ TPHCM - Ảnh: Phùng Huy |
Với anh, sự chia sẻ này còn là lời cảm ơn chân thành của gia đình anh đến những tấm lòng đã âm thầm hỗ trợ, động viên con gái anh và gia đình anh vượt qua sự nghiệt ngã. “Sự giúp đỡ đối với cháu Phi như thế đã đủ rồi. Chúng tôi muốn chia sẻ sự giúp đỡ ấy với những hoàn cảnh khó khăn hơn. Đó là lời cảm ơn mà chúng tôi muốn gửi đến những tấm lòng thơm thảo, vì sự giúp đỡ của họ không chỉ giúp gia đình tôi, mà còn nâng đỡ tinh thần đối với Điệp - một hoàn cảnh cần sự quan tâm, vỗ về”, anh Toàn nói.
Trước đó hai tháng, Phạm Bảo Phi, con gái anh Toàn, đã nhận suất học bổng 15 triệu đồng từ quỹ học bổng Nữ sinh hiếu học 2020 của báo Phụ Nữ TPHCM. Chứng viêm tủy cắt ngang từ năm lên năm làm hai chân bị liệt, mọi di chuyển của cô bé đều cần đến xe lăn. Chừng ấy năm con ngồi xe lăn cũng là chừng ấy năm anh Toàn thu xếp công việc để làm đôi chân cho con. Nhờ sự yêu thương, đồng hành của gia đình, Phi đã cần mẫn tự học tập và đậu vào lớp chuyên văn của Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM) bằng khả năng tự học của mình.
Với số tiền mà gia đình anh Toàn cũng như một số bạn đọc hỗ trợ, Lê Thị Thu Điệp dự định sẽ lợp lại mái nhà đã hư hao sau mùa mưa bão vừa qua.
Có thể xem sự chia sẻ của anh Toàn là sự tiếp nối tình yêu thương mà bạn đọc đã chung tay gửi về Báo Phụ Nữ TPHCM. Chúng tôi không thể kể hết được tên tuổi những nhà hảo tâm và những tấm lòng hảo tâm. Chỉ biết rằng Báo Phụ Nữ TPHCM đã có quá nhiều may mắn khi được đông đảo những người bạn đồng hành trên hành trình nhân ái.
Có những người đã lặng lẽ suốt 10-15 năm nay, mỗi tuần, mỗi tháng đóng góp cho người bệnh ở mục Đừng quên họ hay các quỹ từ thiện do báo kêu gọi mà không cần lưu lại tên tuổi, địa chỉ. Chúng tôi chỉ có thể ghi là Bạn đọc quận 3, Bạn đọc quận 1, Bạn đọc Bình Thạnh, hay chi tiết hơn thì cũng chỉ là Cô chú Kim Loan - Triệu Mẫn, Cô chú Thiệu Minh - Diệu Tuyền (quận 7), Cô Mai Xuân, từ Tắc Sậy - Cà Mau… Chỉ đơn giản vậy thôi mà thân thuộc, ấm áp tình người.
Báo Phụ Nữ TPHCM