Tết nhà có gạo là đủ ấm no
Nhận món quà, chị Nguyễn Thị Tẹt cho biết: “Chút xíu tôi về mua vài chục ký gạo để dành ăn tết. Tết nhà có gạo là đủ ấm no rồi”.
Vợ chồng chị Tẹt có 3 đứa con, đứa nhỏ nhất mới hơn 2 tuổi. Cuộc sống quanh năm túng thiếu khiến người phụ nữ ngoài 40 khắc khổ và già hơn so với tuổi. Không có nghề nghiệp nên vợ chồng chị Tẹt chỉ biết đi làm thuê, ai thuê gì làm đó. Có việc làm thì mỗi ngày kiếm được hơn 100.000 đồng. Những lúc thất nghiệp, chị phải chạy đầu trên xóm dưới mượn từng lon gạo.
|
Phụ nữ vùng biên giới tỉnh Tây Ninh nhận quà tết của Báo Phụ nữ TPHCM và các đơn vị tài trợ |
Chị Tẹt tâm tình: “Chắc còn làm được vài ngày nữa là hết vụ cỏ, phải ra tháng Giêng mới có việc làm trở lại. Đang rầu thì nhận được thư nhận quà tết, tôi mừng lắm. Cảm ơn Báo Phụ nữ TPHCM đã mang quà tết về cho chị em phụ nữ vùng biên giới chúng tôi”. Nghe chị Tẹt nói, vài chị em khác cũng xách túi quà lại ngồi gần. Các chị nói cười, kể cho nhau nghe cảnh nhà, chuyện con cái, việc làm cuối năm. Niềm vui ngày giáp tết và những nụ cười dường như đã xóa đi những muộn phiền, lo âu nơi họ.
Bà Đặng Thị Thoại (66 tuổi) nhắc lại chuyện xưa. Trước đây có vợ có chồng, dựng được cái nhà thì bị cháy. Rồi chồng bỏ đi, bà phải nuôi 4 đứa con. Các con nay đã lập gia đình riêng nhưng cảnh nghèo vẫn đeo bám, quanh quẩn cũng chỉ đi làm thuê làm mướn.
Bà Thoại đang sống cùng con trai lớn. Mỗi ngày bà nhận hạt điều về cạo vỏ. Tuổi già cộng với bệnh tật khiến công việc cũng giảm sút, mỗi ngày chỉ cạo được khoảng 2kg và được trả 10.000 đồng tiền công.
Bà Nguyễn Thị Hường (82 tuổi) hiện sống một mình và thuộc diện khó khăn. Bà Hường cũng có chồng và 2 con, nhưng hơn 10 năm trước chồng và con trai đã mất, còn con gái thì theo chồng về Cà Mau bán vé số sống qua ngày. Từ nhiều năm nay bà Hường sống trong sự yêu thương, đùm bọc của bà con hàng xóm và sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương. Tuổi già, bà chỉ mong có sức khỏe để sống những ngày bình an.
Bà Lê Thị Dung (ngoài 70 tuổi) được con dâu Nguyễn Thị Tú Nguyên chở đến nhận quà. Cuộc sống gia đình bà Dung tuy có chút khởi sắc nhưng vẫn chưa thoát khỏi cảnh nghèo. Vợ chồng chị Nguyên đi cạo mủ cao su. Ngoài chăm sóc ba mẹ tuổi cao sức yếu, gia đình còn cưu mang 2 đứa con của người chị gái nên cuộc sống vẫn còn chật vật.
|
Bà Phạm Thị Vân Anh - Phó tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - tặng quà đến bà con nhân dân, phụ nữ vùng biên giới tại tỉnh Tây Ninh |
Thắp lên hy vọng, niềm tin và động lực
Ngoài những phần quà tết nói trên, chương trình “Xuân biên phòng - Ấm lòng dân bản” còn trao 16 suất học bổng “Nâng bước em đến trường” cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Hòa Hiệp. Chương trình được Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng triển khai thực hiện từ năm 2016, hỗ trợ kinh phí học tập 500.000 đồng/tháng cho các em từ nguồn đóng góp của cán bộ, chiến sĩ biên phòng.
Được nhận học bổng, em Phạm Đình Văn cho biết, em chỉ có ba và đang sống cùng ông bà nội. Văn chia sẻ: “Hằng ngày ba đi cưa củi. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng ba luôn cố gắng từng ngày để lo cho con ăn học và con luôn cố gắng học để sau này có việc làm, phụ ba lo cho ông bà và lo cho ba nữa”.
Cũng là một học sinh được nhận học bổng, em Danh Quan Nát cho biết, mỗi ngày em dậy từ 5g40 để chuẩn bị ăn sáng rồi đạp xe đến trường. 3 năm qua, em luôn giữ được thành tích học tập tốt. Ba Nát hiện làm tài xế xe tải, mẹ làm việc nhà và chăm em nhỏ.
|
Chương trình “Tết ấm Giáp Thìn năm 2024” của Báo Phụ nữ TPHCM đã về với bà con, phụ nữ vùng biên giới tỉnh Tây Ninh |
Chương trình “Xuân biên phòng - Ấm lòng dân bản” tết Giáp Thìn 2024 do Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, UBND huyện Tân Biên, Báo Phụ nữ TPHCM và Đài Truyền hình TPHCM tổ chức vào 15/1 tại xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Các đơn vị đã trao 230 phần quà tết cho các gia đình chính sách, hộ nghèo; tặng cờ Tổ quốc cho nhân dân vùng biên…
Ông Ngô Văn Cấm - Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp - thông tin, xã Hòa Hiệp là vùng sâu biên giới, tiếp giáp với 2 xã Koki và Taros của nước bạn Campuchia. Năm 2018, Hòa Hiệp được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Mặc dù địa phương đã được đầu tư cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, đời sống nhân dân đã được nâng lên nhưng vẫn còn những mảnh đời khó khăn cần được quan tâm, chăm lo.
Hằng năm, Đảng ủy, UBND xã luôn chú trọng thực hiện công tác an sinh xã hội, nhưng ngân sách địa phương còn hạn chế nên rất cần sự chung tay, chung sức của các đơn vị, nhà hảo tâm. Ông Ngô Văn Cấm khẳng định, những phần quà tết từ chương trình sẽ tiếp thêm hy vọng, thắp lên niềm tin, tạo động lực giúp bà con vùng biên giới Hòa Hiệp vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Đại tá Phạm Đình Triệu - Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh - cho biết: “Mỗi dịp tết đến, xuân về, những hoạt động tương thân, tương ái được đẩy mạnh nhằm chăm lo, hỗ trợ đồng bào khó khăn được đón một cái tết đủ đầy, đầm ấm. Đặc biệt, chương trình “Xuân biên phòng - Ấm lòng dân bản” năm nay đã mang lại nhiều niềm vui và thêm ấm tình quân dân”.
Báo Phụ nữ TPHCM trao 450 phần quà tết cho phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật và nữ công nhân Bà Phạm Thị Vân Anh - Phó tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - gửi lời cảm ơn đến Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) đã đồng hành cùng báo trong nhiều hoạt động an sinh, đặc biệt là chăm lo cho phụ nữ khó khăn, phụ nữ vùng biên giới xa xôi. Bà Phạm Thị Vân Anh chia sẻ: Tiếp nối chương trình “Về lại chiến khu”, trao quà cho bà con nhân dân 2 bên biên giới Việt Nam - Campuchia tại di tích lịch sử căn cứ Trung ương Cục miền Nam (xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) trong tháng 12/2023, Báo Phụ nữ TPHCM lại một lần nữa được về với bà con vùng biên giới xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh và gửi những phần quà tết sớm. Món quà tuy nhỏ nhưng là tấm lòng của tập thể báo chắt chiu và các đơn vị tài trợ, mong bà con có thêm điều kiện đón tết đầm ấm, hạnh phúc. Ngoài nhiệm vụ làm báo, Báo Phụ nữ TPHCM rất quan tâm và thực hiện nhiều chương trình an sinh xã hội đằng sau mặt báo, trong đó báo đặc biệt dành nhiều tình cảm đến phụ nữ, trẻ em và những người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế… Về với bà con xã Hòa Hiệp cũng là khởi đầu cho chương trình “Tết ấm Giáp Thìn năm 2024” của báo. Chương trình được thực hiện từ các nguồn tài trợ và từ quỹ Xã hội từ thiện của báo. Báo Phụ nữ TPHCM sẽ trao tặng 450 phần quà tết đến phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật, nữ công nhân có hoàn cảnh khó khăn, với tổng kinh phí khoảng 400 triệu đồng. Đây là tấm lòng, sự sẻ chia của tình yêu thương với mong muốn mang chút hơi ấm mùa xuân đến với mọi người của Báo Phụ nữ TPHCM. Chương trình “Tết ấm Giáp Thìn năm 2024” được thực hiện từ hôm nay cho đến đầu tháng 2/2024. |
Thiên Ân