Tờ báo của phụ nữ, gia đình
Dù phải đối mặt với bộn bề công việc tiếp quản thành phố sau ngày đất nước thống nhất nhưng đúng dịp kỷ niệm 85 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 15g ngày 19/5/1975, Ban Thường vụ Hội LHPN Sài Gòn - Gia Định đã kịp thời ra mắt cơ quan ngôn luận của Hội, tiếng nói của phụ nữ Sài Gòn, Gia Định: Báo Phụ Nữ Sài Gòn (được đổi tên thành Báo Phụ Nữ TPHCM vào ngày 6/6/1981).
|
Báo Phụ Nữ TPHCM luôn có tiếng nói mạnh mẽ về bình đẳng giới, đấu tranh chống bạo lực gia đình cũng như những hành vi vi phạm quyền lợi hợp pháp của phụ nữ, trẻ em… Ảnh: Phùng Huy |
Trong Lời ra mắt của số báo đầu tiên, có đoạn viết: “Đáng lẽ ra, cần phải có thời gian để chuẩn bị cho tờ báo trước khi ra mắt bạn đọc, nhưng tình hình chung đòi hỏi, chị em yêu cầu và nhất là cho kịp ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh để tỏ lòng biết ơn của chị em đối với Người, Phụ Nữ Sài Gòn cần ra kịp ngày”.
Trụ sở báo đặt tại số 188 Lý Chính Thắng, P.9, Q.3 (được dời đến số 311 Điện Biên Phủ, P.4, Q.3 vào tháng 9/2007). Một trong những người góp công quan trọng để nuôi sống tờ báo ở giai đoạn sơ khai là nhà hảo tâm Nguyễn Văn An, một cơ sở cách mạng của Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định trước năm 1975.
Không chỉ gom góp gia tài cho mượn 200 đồng (tương đương 10 lượng vàng) để lo việc in ấn, phát hành báo, ông còn lùng sục khắp thành phố để tìm nguồn giấy in báo, và tính toán, cân nhắc số lượng báo phát hành vừa đủ (50.000 bản/kỳ) để không thiếu hụt hoặc dư thừa quá nhiều.
Trong ngày ra mắt, Ban Thường vụ Hội LHPN Sài Gòn - Gia Định phân công bà Đỗ Duy Liên - Phó Hội trưởng - trực tiếp điều hành và chịu trách nhiệm nội dung tờ báo, đồng thời tham mưu cho Đảng đoàn Hội LHPN Sài Gòn - Gia Định xây dựng bộ máy tổ chức nhân sự ban biên tập và đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Tháng 1/1976, Ban Thường vụ của Hội đã bổ nhiệm bà Nguyễn Ngọc Nga - tên thường gọi là Phương Điền, Ủy viên Ban Thường vụ Hội LHPN Sài Gòn - Gia Định - làm tổng biên tập đầu tiên của báo.
Khởi điểm, Báo Phụ Nữ Sài Gòn xuất bản mỗi tháng một kỳ và nhanh chóng chuyển sang mỗi tháng hai kỳ, rồi mỗi tuần một kỳ. Đến ngày 20/9/1993, theo Quyết định số 125/BC-GPXB của Bộ Văn hóa - Thông tin, Báo Phụ Nữ TPHCM được phép xuất bản mỗi tuần ba kỳ với tên gọi Phụ nữ thứ Tư, Phụ nữ thứ Bảy và tạp chí Phụ nữ Chủ nhật. Ngày 2/4/2008, báo ra mắt trang thông tin điện tử và nhân kỷ niệm 35 năm ngày thành lập - ngày 19/5/2010, báo giấy chính thức tăng kỳ phát hành lên bốn số mỗi tuần, gồm Phụ nữ thứ Hai, Phụ nữ thứ Tư, Phụ nữ thứ Sáu và tạp chí Phụ nữ Chủ nhật.
Số lượng phát hành là một trong những tiêu chí để đánh giá sự phát triển của mỗi tờ báo. Bình quân mỗi kỳ, Báo Phụ Nữ TPHCM khổ lớn phát hành trên 100.000 bản, tạp chí Phụ nữ Chủ nhật gần 50.000 bản. Cá biệt, báo khổ lớn có lúc tăng vọt lên gần 150.000 bản/kỳ, tạp chí Phụ nữ Chủ nhật tăng lên gần 60.000 bản/kỳ vào những năm 2003-2008. Các ấn phẩm của báo được phát hành rộng rãi trong cả nước, nhiều nhất là tại TPHCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc biệt, từ tháng 1/2008 đến tháng 12/2010, báo đã phối hợp cùng Công ty Nhịp Cầu (Tripple-T) phát hành tạp chí Phụ nữ Chủ nhật sang Mỹ, bình quân mỗi tuần 420 bản. Tuy số lượng còn rất khiêm tốn nhưng Phụ nữ Chủ nhật được một bộ phận kiều bào Việt Nam tại bang California nồng nhiệt đón đọc, chuyền tay nhau trong các gia đình. Trang thông tin điện tử của báo được nâng cấp lên Báo điện tử Phunuonline với 56 triệu lượt xem (view)/năm, khoảng 4,7 triệu view/tháng.
Ngay từ khi ra đời, Báo Phụ Nữ TPHCM đã xác định hướng đi riêng: Bảo vệ giềng mối gia đình, cổ động xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, hôn nhân tiến bộ, quan tâm đặc biệt đến những vấn đề an sinh xã hội liên quan đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.
Từ năm 1982, Phụ Nữ TPHCM là tờ báo đầu tiên ở TPHCM cho ra đời các ấn phẩm phụ san Hãy nuôi dưỡng tình yêu, Hôn nhân và gia đình, Bạn gái trẻ, tạo ra những “cơn sốt” với số phát hành có thời điểm trên 70.000 bản/kỳ. Đây có thể xem là hiện tượng mang tính đột phá trong làng báo TPHCM lúc bấy giờ.
|
Ấn phẩm phụ san Bạn gái trẻ của Báo Phụ Nữ TPHCM |
Bước vào thời kỳ Đổi mới, đứng trước sự đụng độ giữa kinh tế thị trường và các giá trị đạo đức truyền thống, Báo Phụ Nữ TPHCM đã tổ chức nhiều diễn đàn, chuyên mục, trong đó có việc cho ra đời chuyên mục Nếp nhà với những câu chuyện đề cao vai trò gia đình, bảo tồn và phát huy những chuẩn mực giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống trong xu thế mở cửa, hội nhập; tuyên truyền về bình đẳng giới; nhân rộng các câu chuyện đẹp, có tính giáo dục cao về chăm sóc, giữ gìn hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con tốt; tuyên truyền lối sống văn hóa, văn minh; tư vấn tình yêu, hôn nhân và tiền hôn nhân; lên án, đấu tranh với tình trạng bạo lực gia đình, vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của phụ nữ, trẻ em; đấu tranh với các hành vi xúc phạm nhân phẩm phụ nữ. Các chuyên trang về mua sắm, thời trang, làm đẹp, sức khỏe cũng được báo quan tâm tuyên truyền, giới thiệu và thể hiện bằng nhiều hình thức bắt mắt, thu hút độc giả.
Luôn nâng chất để đồng hành với bạn đọc
Bước sang giai đoạn 1996-2006, Báo Phụ Nữ TPHCM lại đứng trước thách thức: đổi mới để cạnh tranh trong thị trường báo chí sôi động. Ban biên tập báo giai đoạn này đã xác định: hôn nhân và gia đình là thế mạnh đặc trưng của tờ báo dành cho giới nữ. Vì thế, báo đã đưa chuyên mục Hôn nhân và gia đình ra cố định ở bìa phải trang nhất và trở thành chuyên mục chính của tờ báo. Chất lượng các chuyên mục của báo ngày càng được nâng cao nhờ có sự phản hồi, quan tâm của bạn đọc nữ và nhất là có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học.
|
Ấn phẩm Hôn nhân và gia đình từng tạo nên những cơn sốt |
Giai đoạn 2007-2020, Báo Phụ Nữ TPHCM vẫn tiếp tục với những định hướng đã lựa chọn, nhưng tập trung đi sâu khai thác những góc khuất trong cuộc chiến phòng, chống bạo lực gia đình, với nhiều diễn đàn như Bước qua đổ vỡ, Ly hôn có là lối thoát?… và tổ chức nhiều cuộc tọa đàm với sự tham dự của những nạn nhân nữ bị bạo hành… Từ năm 2001-2006, báo đã thực hiện 3.600 bài viết về các vấn đề thời sự nóng bỏng liên quan đến quyền lợi của phụ nữ, trong đó có nhiều bài tạo được sự đồng tình mạnh mẽ của dư luận xã hội, được lãnh đạo cấp cao ra chỉ thị làm rõ và xử lý cán bộ sai phạm. Bên cạnh đó, Đường dây khẩn của báo đã nhận được hơn 6.000 cuộc gọi của bạn đọc phản ảnh những vụ việc xâm phạm quyền lợi phụ nữ, trẻ em; trên cơ sở đó, báo đã thực hiện 250 bài viết can thiệp, đề xuất các cơ quan xử lý.
Điểm mạnh của Báo Phụ Nữ TPHCM là không ngừng đổi mới nội dung, cải tiến hình thức thể hiện nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng, do vậy tờ báo luôn là diễn đàn khích lệ phụ nữ tham gia đóng góp ngày càng nhiều vào đời sống xã hội, chung tay xây dựng, phát triển cộng đồng.
Tuy nhiên, trong xu thế chung của thế giới, độc giả ngày càng thích đọc báo mạng hơn báo giấy vì sự tiện lợi và cập nhật nhanh chóng tin tức. Do đó, đồng thời với xuất bản báo giấy, Báo Phụ Nữ TPHCM đã tập trung nâng cao chất lượng báo điện tử bằng cách tổ chức sản xuất nhiều tuyến bài với nội dung thiết thực, cung cấp thông tin đến bạn đọc một cách nhanh chóng, đầy đủ và tươi mới, nhất là thông tin về những vấn đề an sinh xã hội, đời sống gia đình… đồng thời tăng cường phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học tổ chức tư vấn trực tuyến những vấn đề “nóng” của xã hội trên nhiều lĩnh vực.
Suốt 45 năm, Báo Phụ Nữ TPHCM luôn là kênh truyền thông quan trọng của Hội LHPN TPHCM, là địa chỉ cung cấp thông tin tin cậy cho bạn đọc nói chung và hội viên phụ nữ nói riêng, là cầu nối giữa các tầng lớp phụ nữ với chính quyền, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và Hội LHPN các cấp. Đặc biệt thông qua chuyên trang Hoạt động Hội, cán bộ Hội Phụ nữ có thể chia sẻ, học tập kinh nghiệm về mô hình đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hội, học hỏi, tìm ra giải pháp hữu hiệu, phù hợp cho từng cơ sở hội.
Từ tháng 1/2021, Báo Phụ Nữ TPHCM được chuyển giao về cơ quan chủ quản mới là Thành ủy TPHCM, cũng đồng nghĩa với việc tờ báo đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử 45 năm đảm nhận nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận của Hội LHPN TPHCM. Tuy nhiên, Báo Phụ Nữ TPHCM vẫn mãi mãi là bạn đường hạnh phúc của độc giả nữ nói chung và hội viên Hội LHPN nói riêng, là kênh thông tin mà các cấp Hội LHPN TPHCM luôn gửi trọn niềm tin.
Nguyễn Thị Khánh Tâm (nguyên Tổng Biên tập Báo Phụ Nữ TPHCM)