Báo Phụ Nữ TP.HCM: “Như người bạn chí thân của nghệ sĩ, cùng chia sẻ, bảo vệ…”

19/05/2021 - 10:24

PNO - Thời sự, nhân văn, chân thật, khác biệt và cũng rất “nữ tính”… là những nhận định chí tình của các nghệ sĩ dành cho tờ báo.

46 năm qua, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã được nhiều thế hệ người làm nghề, nghệ sĩ trong lĩnh vực văn hóa - là nhân vật trong các bài viết và cũng là bạn đọc - luôn dõi theo những bài viết trên trang Văn hóa - Nghệ thuật. 

Những tiếng nói chân thành

Đối với các phóng viên viết mảng văn hóa văn nghệ, có một điều thú vị khi làm báo là được lắng nghe tâm sự của các văn nghệ sĩ, không chỉ ở vị trí nhân vật, mà còn là những độc giả trung thành. Vì vậy sau những bài viết về họ, người viết có cơ hội lắng nghe những góp ý về tờ báo, bài báo và cả những gợi ý cho các đề tài tiếp theo.

Không chỉ là nhân vật, độc giả, nhiều văn nghệ sĩ còn gắn bó với Báo Phụ Nữ TP.HCM trong các hoạt động từ thiện xã hội
Không chỉ là nhân vật, độc giả, nhiều văn nghệ sĩ còn gắn bó với Báo Phụ Nữ TP.HCM trong các hoạt động từ thiện xã hội

Là người luôn có những chia sẻ tận tình, thấu đáo về các vấn đề thuộc lĩnh vực sân khấu trên Báo Phụ Nữ TP.HCM nhiều năm qua, đạo diễn - NSND Trần Minh Ngọc nói: “Trong tình hình dịch COVID-19 làm đóng băng các hoạt động nghệ thuật hiện nay, Phụ Nữ TP.HCM gần như là tờ báo hiếm hoi vẫn có những bài viết liên quan đến lĩnh vực sân khấu. Bài vở trên báo không chỉ xoáy vào đời sống của sân khấu nói chung, mà còn đề cập đời sống nghệ sĩ”.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, "ông bầu" của sân khấu kịch Idecaf tâm đắc: “Các bài viết của báo khai thác được các khía cạnh đời sống văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, đề xuất nhiều biện pháp mang tính xây dựng. Ví dụ vấn đề trại sáng tác”.

Biên kịch Trần Thị Bảo Châu, bạn đọc thâm niên mấy chục năm của báo, thích cách báo khai thác đề tài phim ảnh: “Không chỉ là bài bình luận mỗi khi có phim mới ra mắt, phát sóng, mà còn rất nhiều vấn đề, nhân vật được viết tiếp từ những bộ phim ấy”.

Đạo diễn Nhâm Minh Hiền để ý: “Các bài viết trên báo giấy lẫn báo điện tử không chỉ chú ý đến các nhân vật nổi tiếng, mà còn “dành đất” cho những tác giả trẻ, nhân vật mới. Báo cũng biết cách cân đối các loại hình trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật”.

Không chỉ quan tâm đến cách bám thông tin trên mặt báo, các độc giả là văn nghệ sĩ còn chú ý đến cách viết. Đạo diễn-NSND Trần Minh Ngọc cho biết: “Các phóng viên của báo tích cực đi xem các vở diễn và mạnh dạn đưa ra được những góc nhìn hay, mang tính gợi mở, dù có thể trái chiều với ý kiến của nghệ sĩ, của khán giả. Ví như bài viết về vở Chạy, báo đã thẳng thắn chỉ ra điểm yếu của vở, điều đó rất cần thiết cho những người làm nghệ thuật”.

Còn ông Huỳnh Anh Tuấn thích các bài viết của báo vì: “Thiết thực, đặt thẳng vấn đề, không rào trước đón sau và không nêu một cách chung chung mà rất cụ thể. Có thể những vấn đề báo nêu chỉ mang tính đánh động, nhưng rất cần thiết, là chất xúc tác hữu ích cho cơ quan quản lý quan tâm hơn đến lĩnh vực này. Những bài viết trên báo nếu được hệ thống lại, hoàn toàn xứng đáng thành nguồn tư liệu tham mưu cho những người làm công tác quản lý, những người làm nghệ thuật”.

NSƯT Hạnh Thúy tâm sự: “Những bài viết của báo - không biết có phải do tôi đọc với cảm xúc của một người phụ nữ hay không, nhưng luôn cảm giác ẩn trong câu chữ là nét gì đó mềm mại mà mạnh mẽ, nhẹ nhàng nhưng sắc sảo. Những bài viết về chân dung nghệ sĩ - nhất là các nghệ sĩ lão thành - tôi rất thích, vì khi đọc, thấy chân dung họ được “vẽ” rất chân thật, rất cảm tình, đẹp mà dung dị, gần gũi, tự nhiên”.

Đạo diễn Việt Linh nói chị hầu như không bỏ sót bài viết nào trên trang mục, và chỉ nhìn qua các tựa đã thấy ưng vì “thấy rõ sự chăm chút ngôn ngữ, cá tính, mới mẻ, hữu tình. Qua những bài viết đọc được, tôi cảm thấy Báo Phụ Nữ TP.HCM giống như người bạn chí thân của nghệ sĩ, luôn bên cạnh để chia sẻ, bảo vệ”.

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn đặc biệt chú ý đến mục mới Phía sau hào quang: “Tôi thích cách viết của mục này ở chỗ đi vào câu chuyện đời thường của họ, nhưng lại không quá khai thác đời tư để câu khách. Chuyên mục này rất hay vì nhắc nhớ lại những nghệ sĩ một thời. Họ là những người rất tài năng, nhưng không được nhiều người biết đến, vì thời xưa thông tin không phát triển như bây giờ. Giờ về hưu, tuổi già, lại càng bị quên lãng, không còn được ai nhắc đến”.

Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân dành lời cảm ơn cho báo vì sau bài viết về bà (Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời) trên mục này, bà đã nhận được sự quan tâm của NSƯT Trịnh Kim Chi khi đến thăm và tặng quà cho hai chị em bà (nghệ sĩ Thanh Đào). Với người nghệ sĩ già, đó là một kỷ niệm khó quên.

Ân tình gửi gắm

Là những người trong cuộc, là nhân vật xuất hiện trong các bài viết trên trang Văn hóa - Nghệ thuật, các độc giả - văn nghệ sĩ cũng đưa ra những cảm nhận trước những bài viết phê bình của báo, và ngược lại cũng có những lời góp ý, nhắn nhủ với mong muốn trang báo ngày càng hay hơn.

NSƯT Hạnh Thúy chia sẻ: “Bài vở về lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, ca nhạc… tôi thấy phong phú và thiết thực: yêu thương có, phê bình có, nghiêm khắc có… Điều này giúp tạo động lực để nghệ thuật biểu diễn được quảng bá đến công chúng, và thay đổi mình trong những bài góp ý thẳng thắn, chân tình của Báo Phụ Nữ TP.HCM. Những bài phê bình của báo với những tác phẩm nghệ thuật, tôi nghĩ có thể làm “đau” một số nghệ sĩ, nhưng rất cần thiết để phản ánh những thiếu sót, những điều chưa tròn vẹn của một tác phẩm, để nghệ sĩ phấn đấu, để tác phẩm hay hơn, đẹp hơn và đáp ứng sự yêu thương mong đợi của khán giả yêu nghệ thuật hơn”.

Báo
Các phóng viên của báo tích cực đi xem các vở diễn và mạnh dạn đưa ra được những góc nhìn hay, mang tính gợi mở,

Biên kịch Trần Thị Bảo Châu cũng đồng tình: “Việc khen chê một tác phẩm nghệ thuật trên báo thể hiện cái nhìn rất công tâm, khiến người bị phê bình cũng cảm thấy dễ chịu”.

Diễn viên Kim Huyền cho rằng: “Những bài phê bình không cố ý vùi dập, mà hoàn toàn mang tính xây dựng, để người làm nghề có những khoảng lặng, tự suy ngẫm và chỉnh sửa”.

Đạo diễn Hùng Phương góp ý: “Nhiều năm trước, báo có vài bài phản ánh vấn đề phim ảnh, cải lương hoặc viết về nhân vật mang tính hơi khu biệt, nhạy cảm quá về mặt nữ tính, nên có những nhận định hơi chi li, vụn vặt, nặng chất cá nhân. Theo tôi cứ nên bình đẳng trong suy nghĩ, thoáng trong cách đặt vấn đề, chứ đừng nghĩ là tờ báo giới rồi luôn hô hào, nặng nề hai chữ “nữ quyền”. Ngoài ra, nếu đã thoáng thì thoáng luôn, văn minh, cấp tiến đào sâu vấn đề trong mảng văn hóa văn nghệ, chứ đừng vừa bình đẳng, thoáng, lâu lâu lại bảo thủ nữ quyền thì kỳ”. Riêng với báo Xuân Phụ Nữ TP.HCM, đạo diễn Hùng Phương khoe anh mua không sót tờ nào vì “Bìa báo luôn đẹp, ý nghĩa”.

Đạo diễn - NSND Trần Minh Ngọc mong mỏi: “Sắp tới báo nên có những bài viết đi sâu vào đời sống của từng sân khấu, vì hiện nay các sân khấu đang gặp muôn hình vạn trạng khó khăn thời dịch bệnh”. Còn NSƯT Hạnh Thúy mong báo có nhiều hơn nữa những loạt bài về các nghệ sĩ trẻ - những người tài năng, có ước mơ và cống hiến với nghề, nhưng vì lý do nào đó họ chưa được nhiều công chúng biết đến; màn ảnh, văn đàn, môi trường sáng tác; những người không phải là nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp như nhà văn, điêu khắc, họa sĩ; những người phía sau cánh gà; những nghệ nhân dân gian… Vì những người đó, thật lòng mà nói, cơ hội để họ được xuất hiện trên những trang báo lớn như Phụ Nữ TP.HCM không nhiều. Cho họ cơ hội chia sẻ tâm tư cũng là cách ghi nhận đóng góp của họ với nghề, với cuộc đời.

“Những năm cuối thập niên 1980, khi còn làm cán bộ văn hóa ở xí nghiệp may Bình Minh, đối diện trụ sở cũ của báo trên đường Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM, cứ cuối tuần tôi hay sang tòa soạn lấy báo về cho mọi người trong xí nghiệp đọc. Cho đến giờ, tôi vẫn luôn thấy những bài viết trên báo có nét rất riêng. Điều kỳ vọng chính là mong tờ báo của nữ giới luôn có được sự vững chãi, những ngòi bút thật sắc, thật hay, để mãi là một tờ báo ý nghĩa trong lòng bạn đọc” - đạo diễn Ái Như chia sẻ.

Hương Nhu - Lục Diệp

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI