edf40wrjww2tblPage:Content
Chị H.L.C.T. và anh L.Q.D. có ba con chung. Năm 2013 họ ly hôn, hai con trai theo cha, còn con gái ở với mẹ, cả hai đều có nghĩa vụ và quyền thăm nom, nuôi dưỡng các con chung. Sau khi ly hôn, anh L.Q.D. đưa con về Khánh Hòa gửi cho cha mẹ, trở vào TP.HCM mưu sinh. Mặc phán quyết của tòa, suốt từ sau khi chia tay, anh D. chẳng những không đoái hoài gì đến đứa con gái bé bỏng, mà còn không cho vợ cũ thăm nom, chăm sóc hai con trai.
Chị T. kể: “Xa con, nhớ thắt ruột gan mà không cách gì gặp được nên tôi mới mua điện thoại cho con để mẹ con liên lạc, cho mấy đứa nhỏ đỡ nhớ mẹ. Vậy mà anh ấy cũng đành lòng lấy mất, không cho chúng gọi về thăm mẹ và em gái. Nhớ con, tôi gọi điện qua anh hỏi thăm, anh cũng không bắt máy. Sau đó anh ấy rút hết hồ sơ, học bạ của hai con đưa về Khánh Hòa, ngăn không cho tôi gặp nữa”.
Chị H.L.C.T. cùng các con trong một dịp đoàn tụ hiếm hoi đầu năm 2014
Chị T. đưa con gái từ Đồng Nai ra Khánh Hòa để gặp hai anh, nhưng suốt nhiều ngày qua, chị T. không được ông bà nội của hai cháu cho gặp mặt. Chị T. bèn đến nhờ công an rồi Hội LHPN P.Cam Lợi, TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa can thiệp, nhưng không một ai quan tâm đến lời kêu cứu của chị.
Chúng tôi liên lạc với Hội LHPN P.Cam Lợi. Giải thích về lý do không can thiệp cho chị T., bà Nguyễn Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN P.Cam Lợi nói: “Vì mấy hôm trước chỉ nghe cô T. điện thoại nói như tâm sự, không nhận được đơn khiếu nại”. Tuy nhiên, chị T. cho biết, bà Tuyết là bà con với gia đình anh D. nên bênh vực người thân của mình.
Chúng tôi đề nghị chị T. đưa đơn đến UBND P.Cam Lợi cầu cứu Ban Phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ). Ngay trong buổi sáng 31/7, ông Nguyễn Sáng, thành viên Ban PCBLGĐ, Tổ trưởng Tổ hòa giải khu dân cư tổ Lợi Hòa, P.Cam Lợi đã cùng cán bộ Hội LHPN phường đến gia đình ông bà L.Q.T. (là bố mẹ ruột của anh L.Q.D., đang nuôi dưỡng hai cháu nhỏ) đề nghị cho chị T. được thăm con theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, ông Sáng cho biết: “Khi đoàn công tác đến nhà, ban đầu ông bà T. chối quanh co, nói mình không nuôi giữ cháu, sau đó mới thú nhận hai cháu đang đi học. Cái khó cho chúng tôi là anh D. chỉ gửi bố mẹ trông con giùm chứ không ủy quyền cho cha mẹ giám hộ trẻ, vì vậy ông bà không thể đại diện anh quyết định việc cho chị T. thăm con. Không biết chúng tôi có can thiệp được không”.
Mãi đến khi phóng viên khẳng định việc hạn chế, cấm đoán quyền thăm nuôi con của mẹ là vi phạm luật thì ông Sáng mới hứa sẽ can thiệp để chị T. được gặp con vào cuối ngày 31/7.
Chiều 31/7, chị T. gửi con gái, bé H. ở nhà một người bạn, đến tổ Lợi Hòa để đón hai con trai về chỗ nghỉ cho ba anh em gặp mặt, nhưng ông bà T. kiên quyết không cho đưa các cháu đi. Tranh luận với ba mẹ chồng cũ một hồi, cuối cùng, để các con được gặp nhau, chị T. đành trở về đưa bé H. đến nhà ông bà nội. Chị bật khóc: “Chỉ là người mẹ ly hôn đi thăm con mà giống cảnh mẹ con bị tù tội ngăn cách. Mẹ con tôi phải lặn lội dưới mưa mấy bận chỉ để được gặp nhau”.
16g30, khi vừa đi học về, nhìn thấy mẹ và em gái, hai đứa con của chị T. đã khóc òa, ôm chầm lấy mẹ. Cháu L.H.P., sinh năm 2002, con trai lớn của chị mếu máo: “Sao bây giờ mẹ mới tới thăm con?”. Chị T. cũng bật khóc theo: “Mẹ đến đón các con đi chơi với em đây…”. Tuy nhiên, ông bà T. rầy cháu, không cho phép đi theo mẹ. Trước mặt ông bà nội, cháu P. cương quyết: “Con muốn sống cùng với mẹ!”, còn em trai của cháu thì im lặng khóc. Việc ngăn chặn không cho mẹ gặp gỡ con của anh D. và gia đình đã làm tổn thương sâu sắc đến hai đứa trẻ.
Ông T. lý giải nguyên do ngăn cản, không cho con dâu cũ về thăm con: “Hôm Tết vừa rồi, cô T. về thăm con, nói đưa con đi chơi nhưng đưa đi luôn suốt ba ngày, gián đoạn việc học của các cháu. Đã vậy, sau khi gặp mẹ, hai trẻ nhớ mẹ, học hành sa sút nên D. giận, cấm không cho T. gặp con nữa. Vì thương con, chúng tôi giữ cháu, chứ không có ý gì với cô T. cả. Không có chuyện cháu tôi bị đánh đập, hành hung”.
Chị T. nói: “Tôi đưa con đi chơi từ ngày mùng Ba đến mùng Sáu Tết, còn trong kỳ nghỉ, sao gọi là làm gián đoạn chuyện học hành? Sau đó con tôi nhớ mẹ, bỏ ăn uống, sa sút học hành là có thật. Nếu gia đình anh ấy biết thương cháu, biết chăm sóc tinh thần cho cháu thì càng phải tạo điều kiện cho con gần gũi mẹ nhiều hơn, đằng này lại cấm đoán tôi gặp con”.
Riêng anh L.Q.D., chúng tôi liên lạc nhiều lần bằng điện thoại và qua cả email, anh vẫn không phản hồi. Chị T. không chút ngạc nhiên, nói: “Anh ấy luôn là vậy, không thèm trả lời bất cứ điều gì liên quan đến con”. Được sự hướng dẫn của luật sư Phạm Lĩnh Sơn, Phó trưởng văn phòng Trợ giúp pháp lý miễn phí số 6, Bộ Tư pháp, chị T. cho biết, ngay sau khi về TP.HCM, chị sẽ thu xếp mọi thủ tục trở ra Cam Ranh lần nữa để khiếu kiện, đòi quyền nuôi dưỡng con chung. Chị nói: “Đành rằng cháu vẫn đang ở với ông bà, nhưng ông bà đã già yếu, không thể chăm sóc toàn diện cho hai con tôi được, nhất là hai cháu đều đang ở độ tuổi sắp dậy thì, nếu bỏ bê con như vậy, tôi e rằng không ổn. Tôi sẽ không rút đơn kiện khi biết quyền thăm con của mình không được đảm bảo”.
NGHI ANH
LS Phạm Lĩnh Sơn khẳng định: “Khi tòa án phán quyết giao trẻ cho một trong hai bên vợ/chồng chăm sóc nuôi dưỡng trực tiếp, thì người đó phải chịu trách nhiệm hoàn toàn việc chăm sóc, nuôi dưỡng. Việc người chồng gửi con cho cha mẹ ruột để mưu sinh không trái luật, nhưng nếu để con bị bạo hành; hoặc hạn chế, cấm đoán quyền thăm nuôi con của vợ là vi phạm luật. Khi chị T. đến thăm con đường hoàng, chính đáng như quyết định của tòa án, thì không một ai có quyền ngăn cản, nhất là khi người nuôi dưỡng đó không xa lạ, chính là bố mẹ chồng, những người biết tường tận về chị T.”. |