Những điều hay
Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) ở Việt Nam là một nơi bạn phải vận dụng sự hồ hởi, xông xáo và toàn bộ sự tập trung để có thể đi qua đường.
Đô thị Đông Nam Á siêu sôi động từng được biết đến với cái tên Sài Gòn hiện được xếp loại là thành phố năng động thứ hai trên thế giới, sau Bangalore của Ấn Độ, căn cứ trên các yếu tố đóng góp vào tăng trưởng kinh tế dài hạn như đổi mới, cảm hứng, đầu tư và cơ sở hạ tầng.
|
Thành phố Hồ Chí Minh có 7 triệu xe máy và con số này ngày càng tăng lên - Ảnh: Alamy |
Năm 2017, “Hòn ngọc Viễn Đông” – tên gọi trước kia của TP.HCM - đã đón hơn 6 triệu du khách quốc tế, tăng đáng kể so với năm trước, nhờ vào việc đưa vào sử dụng thị thực điện tử cho công dân của 40 quốc gia.
Xe máy “bá chủ” đường xá trong thành phố và là phương tiện thuận lợi để đi lại tham quan.
Bắt đầu từ Dinh Thống nhất, đi bộ khoảng 10 phút là tới Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, nơi trưng bày tranh ảnh và hiện vật các cuộc chiến tranh xâm lược từ thời Pháp đến nay ở Việt Nam.
Cách đó không xa là Nhà thờ Đức Bà nổi bật và tòa nhà Bưu điện Trung tâm thành phố, hai di tích nổi tiếng được xây dựng từ thời Pháp thuộc.
|
Dinh Thống Nhất ở TP.HCM - Ảnh: AFP |
Những người hâm mộ lịch sử quân sự nên dừng chân ở Khách sạn Caravelle, một trong những điểm mốc của thành phố.
Trong thời gian chiến tranh, các nhà báo thường tập trung tại quầy bar trên tầng thượng, và khi chiến sự tiến đến gần Sài Gòn hơn, họ có thể nhìn thấy tiền tuyến và tra cứu các hồ sơ, báo cáo mà không phải rời khỏi quầy bar của mình.
Khách sạn Caravelle có hàng tá nhà hàng theo chủng loại, nhưng nếu bạn thích môi trường xung quanh thoải mái hơn, hãy đến một nhà hàng địa phương để thưởng thức bát phở nóng, món ăn quốc hồn quốc túy của Việt Nam.
Để có một món ăn nhẹ mang đi, hãy mua bánh mì kẹp thịt quết pa-tê và ớt jalapeño, kèm theo một tách cà phê tuyệt vời từ bất kỳ tiệm cà phê góc phố nào trong thành phố.
|
Phở được coi là món ăn đặc trưng của Việt Nam - Ảnh: Alamy |
Có một cách khác để tham quan các địa điểm trong thành phố là bằng xe buýt trên sông (WaterBus). Phương tiện vận tải này – gồm 5 con tàu được đưa vào sử dụng tháng 11/2017 – thu hút du khách muốn quan sát những tòa nhà chọc trời của thành phố từ trên sông.
Hãy thuê một chiếc xe máy (hoặc một chiếc xe hơi kèm theo tài xế) trong một giờ để đến địa đạo Củ Chi.
Được đào bới bằng các công cụ cầm tay, “pháo đài ngầm” này được quân đội cách mạng sử dụng làm con đường cung cấp thực phẩm và vũ khí, địa điểm giấu quân, bệnh viện dã chiến và khu sinh hoạt.
|
Khách nước ngoài thăm địa đạo Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: Getty Images |
Mặc dù nhiều đoạn địa đạo bị sập qua thời gian, nhưng nhiều khu đã được phục hồi và mở rộng để cung cấp cho khách du lịch một ý tưởng về cuộc sống dưới địa đạo trong thời chiến tranh.
Một chuyến đi bổ ích nhưng xa hơn về phía nam để tránh sự náo nhiệt của thành phố là đi về vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi có những cánh đồng lúa, những con sông và đất phù sa bồi đắp cây trái, nơi trẻ em thong dong cưỡi trâu và thương lái bán hàng tại các chợ nổi trước lúc bình minh.
Những điều dở
Ước tính có khoảng 7 triệu xe máy trên các đường phố ở TP.HCM (con số này có thể chưa đầy đủ), với khoảng 1.300 xe hơi tham gia vào hỗn loạn trên đường mỗi ngày.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông ở Việt Nam đứng thứ hai ở Đông Nam Á, và tai nạn đường bộ là nguyên nhân chính gây tử vong cho những người từ 25-29 tuổi.
Có các clip trên YouTube cung cấp lời khuyên về cách đi lại trên các con đường náo nhiệt ở TP.HCM: Nhờ người địa phương thông thạo che chắn để qua đường. Thậm chí có một ứng dụng ĐTDĐ mang tên Đường Việt Nam gồm 4 giai đoạn để làm chủ đường sá và các kỹ năng tăng tốc độ xe và vượt chướng ngại vật.
|
Chợ nổi Cái Răng ở đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: Alamy |
Trong bối cảnh đó, dịch vụ xe buýt trên sông có vẻ như là một cách thức an toàn, hợp lý và bình yên để ngắm nhìn thành phố.
Tuy nhiên, đến nay mới có ba trong số năm chiếc buýt trên sông được đưa vào sử dụng.
Trong khi đó, khách du lịch đến chợ nổi Cái Răng ở đồng bằng sông Cửu Long phải “sống chung” với thực phẩm bỏ đi, túi ni lông và váng dầu động cơ thuyền máy, vì người địa phương có thói quen vứt rác xuống sông.
|
Trộm cắp là một trong những lý do khiến nhiều du khách nước ngoài không trở lại Việt Nam - Ảnh: Alamy |
TP.HCM hy vọng thu hút được 7,5 triệu du khách quốc tế trong năm 2018 và các nhà hoạch định du lịch đã đề ra một mục tiêu quốc gia đầy tham vọng là 20 triệu du khách nước ngoài một năm vào năm 2020.
Mặc dù ngân sách quảng cáo hàng năm được cho là vào khoảng 2 triệu USD, nhưng lượng đầu tư nhỏ bé đó góp phần để ngành du lịch tạo ra gần 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam. Để so sánh, Thái Lan mỗi năm bỏ ra 105 triệu USD để quảng bá cho đất nước.
Người ta ước tính chỉ có 6% du khách lần đầu tiên quay trở lại Việt Nam, trong khi con số này ở Thái Lan là 60-70%.
Trộm cắp, ùn tắc giao thông, vệ sinh thực phẩm kém và lái xe taxi thô lỗ là những nguyên nhân khiến cho du khách nước ngoài một đi không trở lại.
Nhà chức trách TP.HCM đang xem xét thành lập một lực lượng cảnh sát du lịch để trợ giúp du khách nước ngoài, nhưng bên cạnh vấn đề rào cản ngôn ngữ, các nạn nhân không thích nhờ vả lực lượng này vì lý do quan liêu.
|
Bưu điện Trung tâm TP.HCM, một ví dụ đẹp về kiến trúc thuộc địa - Ảnh: Alamy |
Từng được gọi một cách trìu mến là Paris phương Đông, kiến trúc thuộc địa ở thành phố Hồ Chí Minh đang nhanh chóng bị phá hủy để nhường chỗ cho những toà nhà cao tầng, một kịch bản mà nhà sử học Anh đồng thời là chuyên gia về Việt Nam Tim Doling cho rằng “rất thiển cận”.
Ông Doling nói: "Vấn đề là do thiếu bảo tồn hay bảo vệ các tòa nhà lịch sử, nên di sản được xây dựng nên – được coi là trung tâm của bất kỳ sáng kiến phát triển du lịch nào - đang bị hủy hoại một cách có hệ thống".
Thanh Hải (Theo SCMP)