Bao nhiêu tuổi mới hết dại?

09/01/2020 - 05:03

PNO - Tuổi bảy mươi bỗng dưng trở nên nhẹ dạ, làm đổ nhào sự nghiệp lẫn tiếng tăm, là chuyện không hiếm. “Đứa trẻ” to xác ấy, chẳng lẽ phải theo trông giữ cả đời sao?

Mấy đứa con ông bà Năm làm ăn khấm khá, mua mảnh vườn rộng để ông bà dưỡng già. Vườn có đủ hoa kiểng, cây ăn trái, ao cá… đúng ý nguyện của ông bà. Sáng, ông bà đi bộ, uống cà phê, rồi về làm vườn. Cuộc sống nhàn tản, ấm êm, nhiều người mơ ước.

Đầu xóm có quán cà phê của cô Hồng. Cô Hồng thôi chồng, nuôi hai đứa con. Tuổi ngoài bốn mươi nhưng trông cô còn mướt rượt. Khách quen của quán, cô Hồng rành tính nết lẫn sở thích từng người. “Anh Tâm bữa nay tươi rói, chắc hên lắm đây. Cà phê đen như cũ hả anh?”, “Anh Tín lâu gặp vẫn phong độ như xưa nghen. Cà phê sữa pha phin phải không anh?”…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khách tới quán rần rần không hẳn vì cà phê, còn vì cô chủ xinh đẹp, mồm miệng ngọt lừ. Ai buồn chuyện riêng, cô Hồng kiên nhẫn ngồi nghe tâm sự. Ai bị vợ đuổi, cô cho ngủ nhờ. Tiền cà phê thì ít, tiền boa mới nhiều. Nhờ vậy mà cô Hồng sống khỏe.

Dọn về ở không bao lâu, ông Năm đã “đóng đô” ở quán cô Hồng. Bà Năm nhìn cô Hồng mặc áo cổ trễ, dáng đi đong đưa đã thấy ghét. Bà dặn ông Năm: “Uống cà phê thôi nghen, chớ có “uống” luôn con Hồng. Thấy con mắt nó lúng liếng là biết mê trai”. Cô Hồng nghe được, trả đũa: “Ai mà thèm chồng bả. Cỡ ông Năm, xách dép cho tui còn không xứng”. 

Bữa đó, cả xóm được một phen… xem hài miễn phí. Bà Năm già cả, sao “đấu” lại cô Hồng mồm năm miệng mười. Bà chỉ mặt cô Hồng, xúi ông Năm: “Ông cua con này cho tui, cua rồi bỏ cho nó ê mặt”. Ông Năm giật thót, lén nhìn cô Hồng. Kỳ lạ. Không dưng bị hai người đàn bà đưa lên thớt, lật tới lật lui, ông Năm không thấy bực, chỉ thấy… xốn xang trong dạ.

Dạo đó, cháu nội bị sốt xuất huyết, bà Năm lên Sài Gòn phụ trông. Thằng cháu vừa chịu cơm, đi học trở lại thì tới con gái mổ ruột thừa. Bà Năm xất bất xang bang chăm nom. Lâu lâu, bà đảo về nhà thu dọn quét tước, mua đồ ăn tống vô tủ lạnh cho ông Năm rồi quày quả đi. Ông Năm căn dặn: “Bà yên tâm lo tụi nhỏ, tui biết tự chăm sóc”. Mà cũng lạ, dạo này chắc ông Năm hạp phong thủy ở quê nên trẻ ra, phơi phới. Bà Năm yên dạ, bớt áy náy vì bỏ ông một mình.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một bữa, bà Năm bất chợt về nhà. Tối muộn vẫn không thấy ông Năm. Bà điện. Ông nói đang ngồi nhà xem ti vi. Bà Năm chới với. Tảng sáng, ông Năm lọ mọ về. Thấy bà, ông giật thót, đứng sững như trời trồng. Ông ấp úng nói tối qua xỉn quá, ngủ nhà bạn. Hỏi bạn nào, ông lại đớ lưỡi. Nhìn kỹ, thấy ông mặc áo chim cò hoa lá, tóc chảy keo mướt rượt y tụi trẻ trâu. Bà Năm lên huyết áp.

Hụt mấy lần, rốt cục bà Năm cũng bắt tại trận ông Năm và cô Hồng ở nhà nghỉ. Sổ tiết kiệm hơn trăm triệu gửi ngân hàng, bị ông Năm rút sạch. Trước mặt bầy con, ông Năm gãi đầu gãi tai, phân bua tại với bị. Đám con chất vấn: “Ba làm vậy, tụi con còn mặt mũi nào. Rồi còn sui gia, cháu nội ngoại, ba làm sao nhìn mặt người ta. Tiền mồ hôi nước mắt của tụi con, cho ba má dưỡng già, sao ba nỡ đem cho gái…”. Ông Năm thẹn quá hóa khùng, nói: “Cũng tại má tụi bây, xúi tao cua con Hồng. Bả xúi thì làm, trách gì nữa”. Bà Năm kêu trời. Gần bảy mươi tuổi đầu, sắp xuống lỗ rồi, phải đâu con nít mà kêu làm gì cũng làm. Thiệt hết thuốc chữa.

Người ta hay nói: trong mỗi người đàn ông có một phần của đứa trẻ. Có lúc khờ dại đến ngớ ngẩn, và rất… dễ bị dụ. Đàn ông lại thích thể hiện bản lĩnh, không ngại thách thức, kiểu gì cũng làm cho được. Chớ dại mà xúi họ làm chuyện động trời.

Ông bà hay nói: “Bảy mươi chưa gọi là già”. Tuổi bảy mươi bỗng dưng trở nên nhẹ dạ, làm đổ nhào sự nghiệp lẫn tiếng tăm, là chuyện không hiếm. “Đứa trẻ” to xác ấy, chẳng lẽ phải theo trông giữ cả đời sao? 

Đức Phương

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Thu 11-01-2020 00:14:25

    Khi nghe ai nói bị xúi dại, má tui sẽ nói đơn giản: "Nó biểu mày ăn cái gì mày cũng ăn hay sao?" Bà Năm có thể nói câu đó với chồng, chỉ thay bằng 'tui" với "ông" là được.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI