Có nhiều người đo của cải bằng nhà lầu, xe hơi hay đất đai rộng lớn. Nhưng với gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh (37 tuổi, hiện đang sống tại TP. HCM), thì tài sản to lớn còn là sự khôn lớn, tình cảm và... những lá thư tay của các con. Ngay từ khi ba đứa con 1 gái, 2 trai của chị, (lần lượt 12 tuổi, 11 tuổi và 7 tuổi) biết viết, vợ chồng chị đã xây dựng một nếp văn hóa trao gửi những nét chữ yêu thương trong gia đình.
Con cháu viết thư cho bố mẹ, ông bà và ông bà, bố mẹ viết thư lại cho con cháu, cho nhau. Để rồi những lá thư tay nay đã trở thành tài sản lớn nhất trong nhà chị Hạnh, được cất giữ, nâng niu như một bảo vật vô cùng quý giá.
|
Những lá thư chia sẻ tâm tư, tình cảm nỗi niềm của con gửi cho bố mẹ được cất giữ như tài sản quý giá trong nhà chị Hạnh. |
Chị Hạnh chia sẻ: “Gia đình mình vốn theo ngành giáo dục, nên mình luôn chú trọng dạy các con sống tình cảm, biết quan tâm đến người khác. Từ khi các con biết viết, mình đã dạy các con viết thư tay. Các con thường viết thư cho bố mẹ, ông bà, người thân trong gia đình và viết thư xin lỗi nhau, khi ba chị em không hài lòng về nhau. Đó là những nét chữ rất mộc mạc, chân thành, vốn đã trở thành một nét văn hóa riêng của gia đình chị từ khi nào không hay”.
|
Gia đình hạnh phúc của chị Hạnh với 3 đứa con thông minh, giỏi giang và rất tình cảm. |
Những lá thư tay thường được viết vào dịp đặc biệt như sinh nhật bố mẹ, lễ tết để các con thể hiện lòng biết ơn, bày tỏ tình cảm với người thân yêu. Thế nhưng cũng có khi những dòng chữ được nắn nót viết ra lại chỉ đơn thuần vào một ngày bình thường, giải quyết một cơn giận vu vơ, những ấm ức trong lòng được theo dòng cảm xúc tuôn trào ra ngoài. “Các anh chị em đang nóng bừng, sôi lửa với nhau nhưng chỉ cần một vài lá thư qua lại là lại trở về sóng yên biển lặng. Những lá thư tay quả thực có sức mạnh rất lớn”, chị Hạnh tâm sự thêm.
Là người khơi gợi, truyền cảm hứng về việc xây dựng một văn hóa viết thư tay trong nhà, chị Hạnh kể lại những ngày đầu: “Mình bắt đầu dạy các con viết thư là khi con phạm lỗi, chị không đánh mà chỉ đưa ra hình phạt phải viết thư nhận lỗi. Hồi đầu, mình phạt các con viết theo ý mình, mình đọc, các con viết. Việc này vừa hướng con có tư duy đúng đắn, vừa để con rèn chữ và có lối hành văn hay, mình cũng bình tĩnh, giảm được cơn giận. Lúc đấy mình chỉ suy nghĩ đơn giản vậy thôi. Mà nào ngờ, dần dần việc viết thư đã trở thành một thói quen, một nếp sống trong nhà. Các con từ viết theo ý mẹ đã biết viết bằng chính suy nghĩ, mong muốn và tình cảm của mình”.
"Bố yêu quý, đây có lẽ là những lời thật lòng nhất..."
|
|
"...Con chỉ cần mẹ khỏe mạnh sống chung với anh em con cho đến khi trưởng thành, để con có cơ hội báo hiếu và chăm lo cho mẹ, mẹ nhé! Mẹ hứa với anh em con mẹ phải khỏe mạnh nhé! Con yêu mẹ!".
|
|
Một lá thư được chăm chút rất tỉ mẩn gửi đến bố Tuấn.
|
|
Có khi còn là những câu hát tiếng Anh vu vơ.
|
|
Những nét vẽ yêu thương...
|
|
Rồi không những chỉ để con viết thư, bố mẹ cũng viết thư cho nhau: “Khi bực ông xã, mình không muốn cãi nhau, cũng mang giấy bút ra viết thư. Chị nhận ra một điều là thường bất kỳ ai khi nhận được thư tay đều rất xúc động. Bởi những nét chữ như chạm đến tận cùng cảm xúc, rất chân thành, mộc mạc và đáng quý hơn cả trăm ngàn lời nói dễ dàng tan biến vào không trung”. Quả thật, có những điều chỉ cần bố mẹ làm gương, làm tốt như thế là con cái khắc tự noi gương cho mình.
Chị Hạnh cho rằng, văn hóa viết thư tay rất dễ thương và cần thiết duy trì trong mỗi gia đình, bởi không phải điều gì cũng có thể nói trực tiếp hay thông qua điện thoại được: “Đôi khi vì áp lực công việc, học hành, hay ham cầu mong muốn khiến chúng ta trở nên nóng nảy, căng thẳng và không thể bày tỏ hết được ý muốn nói với con hoặc với nhau. Những khi ấy, chúng ta ngồi xuống đặt bút viết một lá thư tay là sẽ thấy điều diệu kỳ xảy ra: Cơn giận nguôi ngoai đi, chúng ta bình tĩnh hơn, thật tâm hơn, truyền tải được hết tình cảm của mình đến với những người mình yêu thương trong gia đình”.
"Không có ngôn ngữ nào có thể miêu tả được hết tình cảm người cha, người mẹ dành cho con mình"...
|
|
Ngày lễ, ngày tết, các con cũng thể hiện tình cảm bằng những lá thư tay.
|
|
|
"Chính vì yêu mẹ nên con sẽ yêu con..." - những câu chữ sâu sắc đến không ngờ. |
Những lá thư tay cũng được coi như một cách giáo dục thật hay trong gia đình chị Hạnh để dạy các con lòng biết ơn, biết nhìn nhận lỗi, hành xử nhẹ nhàng, có văn hóa và luôn biết quan tâm đến người khác. Các con mai này cũng sẽ trở thành những người có nhân cách tốt, có tâm hồn đẹp và luôn cảm thấy hạnh phúc, đủ đầy trong cuộc sống. Cứ siêng năng, chăm chỉ góp nhặt mỗi ngày, nền tảng các con có được quả thực sẽ rất vững bền, chắc chắn.
|
Qua những lá thư tay, các con trở nên tình cảm, biết quan tâm, yêu thương hơn những người xung quanh và cuộc sống này. |
Quá trình lớn lên cùng con qua những thư tay, vợ chồng chị Hạnh dường như cũng tự thấy mình thu lượm được nhiều điều đẹp đẽ hơn cho chính mình và hoàn thiện bản thân nhiều hơn. “Công việc làm bố mẹ” dường như dễ dàng đi qua, trở nên nhẹ nhàng, êm ái muôn phần khi có sự thấu hiểu, đồng cảm giữa bố mẹ và con cái. Mâu thuẫn to hóa thành nhỏ, mâu thuẫn nhỏ coi như không có. Và qua mỗi một lá thư tay trao đi nhận lại, tình cảm lại được vun đắp nhiều hơn.
Chính vì thế, chị Hạnh luôn cho rằng việc viết thư tay là một nét đẹp rất đặc biệt mà gia đình chị sẽ duy trì đến tận mãi sau này. Những lá thư tay cũng luôn được nâng niu, cất giữ, là tài sản vô giá ghi lại con đường hạnh phúc mà cả nhà đã cùng nhau đi qua. Để cho dù đến nay, bao nhiêu của cải vật chất đong đầy đi nữa cũng không sánh nổi những dòng chữ ấm áp, lấp lánh yêu thương trong nhà chị.
Cát Tường