Sau chuyện “đánh vần” trong một bộ sách lớp Một, cuộc tranh luận về giáo dục chuyển sang quy mô lớn hơn: vấn đề một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa (SGK). Và lúc này, dường như, việc chọn một hay nhiều bộ SGK được quan tâm như là mấu chốt căn cốt của cả một giai đoạn giáo dục.
Hình minh họa.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới) lý giải rất rõ về một chương trình nhiều bộ SGK: “Từ năm 2014, Nghị quyết 88/2014/QH13 có nội dung “thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học”. Thay đổi này nhằm tạo điều kiện cho việc huy động được trí lực của xã hội.” Ông Thuyết phân tích thêm: “Thế giới thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK, chúng ta không thể khăng khăng một chương trình một bộ SGK được”.
Vậy nên, việc thay đổi từ một sang nhiều bộ SGK và giao quyền chọn sách về cho từng cơ sở giáo dục cũng không phải là việc gì quá khác người. Có tác giả còn so sánh việc “chỉ dùng duy nhất một bộ SGK” với chiếc giường của Procuste trong thần thoại Hy Lạp. Phép so sánh này chỉ ra rằng, một bộ sách duy nhất giống như việc Procuste bắt hết người đi đường đặt trên chiếc giường bằng nhau, người nào có cơ thể quá khổ sẽ bị cắt gọt đi, còn người nào bé hơn chiếc giường sẽ bị kéo giãn cho vừa.
Thế nhưng, sự thay đổi tưởng chừng rất hợp lý và tiến bộ này vẫn gặp phải những ý kiến trái ngược. Cũng trong cuộc họp Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng: “Nếu để các địa phương hay trường tự chọn thì sẽ dễ dẫn đến tiêu cực và cục bộ”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định: “Cải cách, đổi mới nhưng sau đó phải có tính ổn định, thống nhất, đồng bộ. Không thể có SGK tự chọn được. Không thể trường này muốn học cái này, trường khác thì học cái khác, tỉnh nào có sách của tỉnh đó. Nền giáo dục như vậy không được”. Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lại cho rằng: “Nếu cho phép các trường có quyền lựa chọn SGK thì khi cha mẹ mua sách, trường bảo không được, phải mua sách của trường thì sẽ ra sao? Quy định như thế này sẽ gây tốn kém rất lớn cho xã hội”.
Nói rộng ra, tất cả chúng ta đều không có quyền chọn giáo dục con trẻ bằng một phương pháp nhằm đảm bảo “an ninh giáo dục”. Và việc lựa chọn phương pháp giáo dục cho thế hệ trẻ của một quốc gia cũng không thể được lập luận bằng lý do “bắt kịp xu thế”. Tất cả những điều đó đều cần thiết, nhưng nó không phải là nền tảng để lựa chọn phương pháp giáo dục.
Chúng ta dựa vào đâu để phát triển chương trình giáo dục? Dựa vào đâu để xác định phương pháp giáo dục, để viết sách? Có vẻ như, chúng ta, cả những phụ huynh quan tâm đến giáo dục lẫn những giới chức ngành, những người đại diện nhân dân - cần lùi lại vài bước để không bỏ sót những câu hỏi cũng giục giã không kém của câu chuyện này. Có rất nhiều vấn đề cơ bản hơn vẫn chưa được minh định.
Giáo dục Việt Nam đang hướng tới xây dựng một con người thế nào? Triết lý giáo dục của Việt Nam là gì? Ngày 29/4/2014, bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời trong một cuộc họp báo “triết lý trực tiếp của giáo dục Việt Nam là Nghị quyết 29 của Trung ương”. Nghị quyết này dài 12 trang. Đến ngày 6/6/2018, khi Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ về triết lý giáo dục, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời từ vị trí điều hành chất vấn: “câu hỏi này chắc phải có một hội thảo khoa học thì bộ trưởng mới có câu trả lời”.
Có lẽ, lúc này, khi cả xã hội đang nóng lòng bàn luận về phương án cho SGK, thì chính là lúc hội thảo khoa học nọ phải diễn ra để thực hiện sứ mệnh lịch sử của nó. Đến lúc đó, một bộ SGK hay một phương pháp giáo dục bất kỳ sẽ không phải mang một sứ mệnh trầm trọng và “quá khổ” đến thế. Lúc đó, “một hay hai, hay nhiều bộ SGK” cũng không còn phải là lựa chọn sống còn.
Tôi cũng không lạc quan đến mức tin rằng, việc đa dạng hóa SGK sẽ khiến người ta thoát khỏi “chiếc giường Procuste”. Bởi, chưa kể đến khả năng được thực sự chọn lựa bộ sách cho mình, thì dù trên đời có hàng trăm bộ sách, mỗi học sinh cũng chỉ được học theo một bộ sách duy nhất. (Điều này cũng đồng thời bác bỏ ý kiến cho rằng, việc có nhiều bộ sách sẽ làm học sinh bất tiện, khiến việc học thiếu đồng bộ). Hơn nữa, dù biết độc quyền là việc không nên, nhưng thế giới vẫn tồn tại nhiều tình thế “độc quyền” bất khả kháng. Nhưng, “độc quyền” chưa hẳn là vấn đề. Mà vấn đề chính là “tư duy độc quyền” và cả tinh thần thủ cựu của một xã hội quá e dè “cái khác”.
Vấn đề là sự cạn kiệt của chính người dạy nếu chẳng may bị cuốn ra khỏi cái “pháp lệnh” lâu nay của SGK. Vấn đề là nỗi sợ của những đứa trẻ khi phải mở lời phát biểu khi chưa được giáo viên làm mẫu, hay thậm chí là chưa được cha mẹ xác tín, “mớm lời”. Hay, vấn đề lắm khi lại nằm trong cơn giãy nảy rồi phẫn nộ của phụ huynh, khi thấy con được dạy bằng một phương pháp “quá khác mình hồi xưa”.
Những lúc đó, thì mọi nỗ lực chống độc quyền SGK may ra chỉ xóa bỏ một điểm tối trong quản lý giáo dục (nạn độc quyền thương mại sách), chứ chẳng thể đủ sức thúc đẩy nền giáo dục.
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng.