Báo Nga hân hoan đưa tin: EU sắp dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Moskova

23/08/2016 - 16:57

PNO - Ông Tom van Grieken, chủ tịch đảng Vlaams Belang - Bỉ nói rằng, một cuộc trưng cầu dân ý rời khỏi EU của Hà Lan sẽ mở đường cho việc EU giảm bớt, thậm chí loại bỏ các lệnh trừng phạt chống lại Nga.


Trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik, ông Tom van Grieken, chủ tịch của đảng Vlaams Belang, Bỉ  nói rằng một cuộc trưng cầu dân ý rời khỏi EU của Hà Lan sẽ mở đường cho việc EU giảm bớt và thậm chí là loại bỏ các lệnh trừng phạt chống lại Nga.

Bao Nga han hoan dua tin: EU sap do bo lenh trung phat voi Moskova
ông Tom van Grieken, chủ tịch của đảng Vlaams Belang, Bỉ phản đối và cho rằng lệnh trừng phạt với Nga là vô nghĩa

Cuộc phỏng vấn diễn ra chỉ vài giờ  sau khi người sáng lập và lãnh đạo đảng Tự do ở Hà Lan - ông Geert Wilders kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về Nexit (Hà Lan rút khỏi EU).

"Tôi nghĩ rằng những biện pháp trừng phạt Nga thật vô nghĩa và nó cần được loại bỏ càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề chính, mà vấn đề tôi muốn đề cập ở đây, đó là EU không tuân theo nguyên tắc dân chủ và việc áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga là ví dụ điển hình cho điều đ.", ông Tom van Grieken cho hay.

Ông cũng đề cập đến những bất lợi và rủi ro mà EU sẽ phải hứng chịu nếu Hà Lan thực hiện Nexit thành công. Ông chỉ ra rằng, 2 năm trở lại đây, Hà Lan đã không còn đồng tình với những chính sách mang tính chất áp đặt và độc tài của Liên minh Châu Âu, và nước này sẽ được nhiều hơn mất nếu như "chia tay" với EU.  Vậy nên, một cuộc trưng cầu dân ý sớm muộn cũng sẽ nổ ra nếu như phía Châu Âu không điều chỉnh lại những chính sách của mình.

Ông nói: "Tôi tin rằng một cuộc trưng cầu dân ý ở Hà Lan là hoàn toàn có thể xảy ra."

Ông nói với Sputnik rằng, không phải chỉ một mình ông mà còn nhiều quan chức Pháp và một số quốc gia khác cũng phản đối việc áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga.

Bao Nga han hoan dua tin: EU sap do bo lenh trung phat voi Moskova
Lãnh đạo đảng Tự do ở Hà Lan - ông Geert Wilders đã kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về Nexit (Hà Lan rút khỏi EU).

"Hiện đang có nhiều quốc gia trong Liên minh Châu Âu phản đối chính sách chống lại Nga. Tuy nhiên, những nước thành viên còn lại trong EU đã không coi trọng và bỏ qua ý kiến của chúng tôi. Nội bộ EU đang có nhiều lục đục và bất đồng."

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik, nhà phân tích chính trị tại Moscow - ông Konstantin Voronov nói rằng, việc Đảng Tự do ở Hà Lan yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc  nước này rời khỏi EU là một dấu hiệu cho thấy đây là thời gian thích hợp để EU dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Nga, mở đường cho Moskova hội nhập Châu Âu.

Ông nói rằng chưa rõ liệu Hà Lan có tổ chức trưng cầu dân ý như yêu cầu của Đảng Tự do hay không nhưng đây được coi như một vết rạn lớn hơn sau sự kiện Brexit, báo hiệu sự tan vỡ của Liên minh Châu Âu trong tương lai.

Lãnh đạo Đảng Tự do - Hà Lan tuyên bố: "Lãnh đạo EU không nên ra lệnh cho chúng ta "cắt đứt" quan hệ ngoại giao với Nga, việc ưu tiên lúc này là khôi phục quan hệ kinh tế với Moskova và đây là hướng đi mà Hà Lan sẽ triển khai trong thời gian tới."

"Trong nhiều thập kỷ qua, chúng ta luôn được hưởng lợi từ việc hợp tác song phương hơn là xung đột. Và yêu cầu thắt chặt trừng phạt với Nga là một hành động gây cản trở tương lai đối với đất nước chúng tôi."

Liên minh Châu Âu EU bắt đầu áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga từ năm 2014 khi tổ chức này cáo buộc Nga chiếm bán đảo Crimea bất hợp pháp và thường xuyên can thiệp vào cuộc xung đột ở Ukraina. Moskova đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ và cảnh báo các biện pháp trừng phạt của EU đang phản tác dụng, gây ra sự suy yếu ổn định trong khu vực và toàn cầu.

Đến nay, Liên minh EU đã nhiều lần "nâng cấp" mức độ trừng phạt khiến cả đôi bên cùng chịu tổn thất nặng nề về mặt kinh tế, đặc biệt là Châu Âu sẽ mất đi khoảng 100 tỉ đô la mỗi năm. Chính điều này đã khiến nhiều thành viên EU bất bình với chính sách khắt khe của các nhà lãnh đạo Châu Âu, vậy nên không chỉ riêng Anh, Hà Lan mà còn một số quốc gia khác đã lên tiếng về việc có thể "chia tay" với EU trong tương lai.


Tiêu Giao (Theo Sputnik)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI