Bão mặt trời đã quay trở lại, đe dọa các mạng lưới điện và vệ tinh

23/05/2021 - 11:21

PNO - Các đây vài ngày, hàng triệu tấn khí cực nóng đã phun ra từ bề mặt của mặt trời, di chuyển khoảng 140 triệu km hướng về phía Trái đất. Hiện tượng này cảnh báo về sự xuất hiện của những cơn bão mặt trời, có nguy cơ làm tê liệt các mạng lưới lưới điện, làm nhiễu sóng các thiết bị liên lạc vô tuyến và vô hiệu hóa các vệ tinh quan trọng.

Sự phun trào này, được gọi là hiện tượng giải phóng cực quang (CME), tuy không mạnh mẽ so với các mức độ thời tiết trong không gian, nhưng khi va vào từ trường của Trái đất, nó đã gây ra một cơn bão địa từ mạnh nhất trong nhiều năm qua, cảnh báo rằng “mặt trời đã thức giấc sau một giấc ngủ dài nhiều năm”.

Bão mặt trời di chuyển với tốc độ 1,8 triệu km mỗi giờ tấn công vào Trái đất - Ảnh: ESA
Bão mặt trời di chuyển với tốc độ 1,8 triệu km mỗi giờ, tấn công vào Trái đất - Ảnh: ESA

Mặc dù vô hình và vô hại đối với con người đang ở trên bề mặt Trái đất, nhưng những cơn sóng địa từ do bão mặt trời tạo ra có thể làm tê liệt lưới điện, làm nhiễu sóng các thiết bị vô tuyến, khiến cho các vệ tinh quan trọng ngưng hoạt động. Khi máy bay di chuyển vào vùng đang có bão mặt trời, các phi công cũng sẽ có nguy cơ bị đục thủy tinh thể cao hơn, trong khi các tiếp viên hàng không nữ sẽ dễ bị sảy thai hơn.

Theo các nhà khoa học, mặt trời bắt đầu chu kỳ 11 năm mới vào năm ngoái, và khi đạt đến cực điểm vào năm 2025, hiện tượng thời tiết không gian cực mạnh sẽ có thể hình thành, đe dọa sự phát triển của nhân loại và tạo sự hỗn loạn cho một thế giới vốn đang ngày càng lệ thuộc nhiều vào công nghệ. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, việc “làm cứng” lưới điện, tức làm cho các mạng lưới điện tăng cường khả năng thích ứng và tồn tại trước các loại hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, có thể tạo ra một lợi ích trị giá 27 tỷ USD cho ngành điện của Hoa Kỳ.

“Điều đáng nói là có nhiều người và nhiều công ty hiện vẫn nghĩ rằng các hiện tượng thời tiết không gian cực đoan chỉ là những câu chuyện viễn tưởng như trong các bộ phim của Hollywood”, Caitlin Durkovich - Trợ lý đặc biệt của Tổng thống Mỹ Joe Biden và là Giám đốc cấp cao về phục hồi và ứng phó của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ - cảnh báo trong một hội nghị về thời tiết mặt trời vào tháng trước.

Thực tế cho thấy, cảnh báo nói trên là hoàn toàn có cơ sở. Hồi tháng 3/1989, một cơn bão mặt trời đã càn quét qua Quebec - một tỉnh ở miền Trung Canada - gây ra tình trạng mất điện kéo dài 9 giờ trên toàn tỉnh, theo thông tin từ trang web của Hydro-Quebec. Trong 2015, các cơn bão mặt trời cũng đã đánh sập hệ thống định vị toàn cầu ở vùng Đông Bắc Mỹ, gây ra không ít khó khăn cho những người phải lệ thuộc về hệ thống này để lái xe. Đến năm 2017, một cơn bão mặt trời khác đã khiến nhiều đài phát thanh nghiệp dư bị tê liệt, ngay khi cơn bão cấp 5 Irma đang quét qua vùng biển Caribe.

Một bài báo năm 2017 trên tạp chí của Hiêp hội Địa vật lý Mỹ đã dự đoán tình trạng mất điện do thời tiết không gian khắc nghiệt có thể tác động mạnh đến cuộc sống của 66% người dân nước này, làm thiệt hại kinh tế đến 41,5 tỷ USD mỗi ngày.

Để đối phó với những thảm họa như nói trên, chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đã từng đề ra một chiến lược nhằm nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của các cơn bão mặt trời và đánh giá đầy đủ những rủi ro mà chúng gây ra. Năm ngoái, cựu Tổng thống Donald Trump cũng đã thông qua việc chuyển dự luật ProSwift thành luật, nhằm mục đích phát triển công nghệ để cải thiện hoạt động dự báo và đánh giá các sự kiện thời tiết không gian.

Nhất Nguyên (theo Bloomberg)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI