Bảo mật thông tin trên thiết bị di động

25/09/2016 - 07:51

PNO - Thông tin mà bạn lưu trong máy tính hoặc điện thoại rất dễ rơi vào tay người khác do bạn bỏ quên ở đâu đó, do bị mất cắp hoặc bị tin tặc tấn công.

Thông tin mà bạn lưu trong máy tính hoặc điện thoại rất dễ rơi vào tay người khác do bạn bỏ quên ở đâu đó, do bị mất cắp hoặc bị tin tặc tấn công. Người dùng thiết bị di động (TBDĐ) cần quan tâm đến những vấn đề sau đây để tự bảo mật thông tin cá nhân.

Đặt lại mật khẩu

Bao mat thong tin tren thiet bi di dong

Đặt mật khẩu cho các thiết bị cầm tay là điều đầu tiên mà bạn cần phải làm. Bên cạnh đó, cần “đăng xuất” khỏi hộp thư điện tử, mạng xã hội khi không còn dùng đến.

Xóa cookies và lịch sử trình duyệt 

Đa phần người dùng internet ít khi xóa cookies (các tập tin được tạo bởi website mà bạn đã truy cập) và lịch sử duyệt web của trình duyệt mà mình sử dụng. Bạn hãy tập cho mình thói quen xóa lịch sử trình duyệt sau một thời gian nhất định vì điều này giúp làm giảm nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân. Nếu quá bận rộn, có thể thiết lập trình duyệt tự động xóa lịch sử duyệt web cũng như các cookies sau khi kết thúc phiên làm việc.

Trong tiếng Hy Lạp, “meta” có nghĩa là “sau” hoặc “trước”, và metadata là dấu vết bạn để lại khi bạn làm cái gì đó trên một thiết bị. Mỗi khi bạn tạo ra một file mới, sẽ không chỉ có những dữ liệu tạo thành file đó mà còn có cả một file phát sinh có chứa toàn bộ thông tin về file chính.

Bao mat thong tin tren thiet bi di dong

Metadata có thể gồm thời gian, địa điểm, loại camera được dùng, TBDĐ được dùng, máy tính, người tạo file, công ty nơi người đó làm việc và các thông tin khác về cá nhân người dùng; các thông tin đó có thể được chứa trong email bạn gửi ra, tài liệu văn bản word bạn soạn thảo, ảnh bạn chụp, hay các file âm thanh, video mà bạn thu âm, ghi hình. Có những trang web và các chương trình mà ai cũng có thể sử dụng để xem nội dung metadata của các file, do đó, cần xóa chúng.

Phòng chống virus và phần mềm độc hại

Malware (phần mềm độc hại) nhằm xâm nhập, tấn công bằng rất nhiều nội dung quảng cáo khác nhau, hoặc làm hư hại máy tính, thiết bị. Malware đánh cắp thông tin không chỉ email mà còn cả các nội dung khác có trong máy như file văn bản, tin nhắn, danh bạ liên lạc, các cuộc điện thoại, việc dùng internet và việc vào mạng xã hội của bạn… rồi mạo danh bạn gửi các email tới những người trong danh bạ.

Đối tượng xấu có thể nắm được thông tin về bạn nếu họ cài đặt một công cụ tiếp cận từ xa (RAT - remote access tool), hoặc một virus vào máy tính của bạn. Các RAT này xâm nhập máy tính thông qua các file đính kèm email, hoặc qua các trang mạng mà bạn vào xem nếu trình duyệt internet của bạn không được cập nhật, bằng cách lừa bạn tải về phần mềm đó, hoặc mở file đính kèm email.

Một khi điện thoại bị cài đặt malware, người khác có thể nghe được bạn nói gì thông qua microphone trong máy, nhìn được bạn thông qua camera của máy, và thậm chí lần ra từng bước di chuyển của bạn.

Điền vào các mẫu đơn online

Đây là một trong những cách thức tấn công người dùng trên mạng tưởng chừng như ít ai bị dính bẫy nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Chẳng hạn như họ gửi đến bạn một lời chúc mừng rằng bạn đã trúng 50 triệu đồng, yêu cầu điền vào mẫu đơn này để họ gửi tiền tới.

Cách phòng tránh khá đơn giản: bạn chỉ làm các cuộc khảo sát online tới từ các trang web uy tín, hạn chế điền thông tin cá nhân quá chi tiết trong các mẫu đơn online.

Cẩn thận khi sử dụng wife công cộng

Wifi tại những quán cà phê hay rạp chiếu phim có tính bảo mật không cao do được mở cho nhiều người truy cập. Vì vậy, các hacker có thể dễ dàng biết được email của bạn đã được gửi đến ai, với nội dung gì, mật khẩu của các trang cá nhân mà bạn vừa đăng nhập khi đang sử dụng wifi công cộng .

Để phòng tránh việc mất thông tin khi sử dụng mạng wifi công cộng, bạn chỉ nên lướt các trang web thông dụng, tránh truy cập vào các trang mạng xã hội và hạn chế truy cập vào các tài khoản ngân hàng của mình.

Vĩnh Phúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI