'Bão mạng' vào nhà

09/04/2019 - 14:00

PNO - Căn hộ chung cư mua trả chưa xong, vậy mà tháng trước đổi xe máy, tháng này đã đòi mua xe hơi trả góp. Tôi bảo các con sao phải mang nợ vào thân. Chúng bảo tôi cổ lỗ, sống phải hưởng thụ, “tiền nhiều để làm gì”...

Chị Hạnh Dung kính mến,

Tôi và chồng đều đã về hưu. Tiền bạc có một ít gửi ngân hàng, phòng khi đau ốm, không bao nhiêu nhưng cũng tạm gọi là yên tâm. Nhưng ông nhà tôi dạo này không biết sao lại cứ muốn đi du lịch chỗ này chỗ nọ, bắt tôi rút tiền để mua tour, bảo “tiền nhiều để làm gì”.

Vợ chồng con trai tôi ở gần nhà, căn hộ chung cư chúng nó mua trả chưa xong, vậy mà tháng trước mới đổi xe máy, tháng này đã đòi mua xe hơi trả góp. Tôi bảo các con sao phải mang nợ vào thân, nhu cầu xe hơi đâu bức thiết vậy. Chúng bảo tôi cổ lỗ, giờ sống phải hưởng thụ, “tiền nhiều để làm gì”.

'Bao mang' vao nha
Ảnh minh họa

Sao bây giờ người ta toàn nghĩ tới chuyện hưởng thụ, người trẻ lẫn già? Tôi khuyên chồng ráng chi tiêu hợp lý. Mình có bấy nhiêu tiền đó, chỉ vài trận vô ra bệnh viện là sạch tay, làm gì có cái gọi là “tiền nhiều”. Chuyện cứ lình xình trong nhà, rất khó chịu, đúng là “bão mạng” thổi vào nhà. Tôi nên làm sao để mọi người bớt “tiền nhiều để làm gì” hả chị?

Minh Nguyên (TP.HCM)

Chị Minh Nguyên thân mến,

Câu chuyện “tiền nhiều để làm gì” đúng là đang rất hot trên mạng xã hội; cũng bắt nguồn từ một vài trường hợp có rất nhiều tiền mà rồi cuối cùng gia đình, con cái, vợ chồng đi đến chỗ ly tán, tranh giành tiền bạc, quyền lực. Câu hỏi này thực ra cũng có mặt tốt, nhưng mặt khác, nó cũng gây ra một kiểu “hiệu ứng phụ”. Người ta đưa ra câu hỏi này chỉ để biện bác cho những nhu cầu của bản thân.

Chị nghĩ rất đúng về chuyện đừng “vung tay quá trán”, cuốn theo các trào lưu trên mạng mà thiếu đi sự điềm tĩnh cần thiết. Tuy nhiên, nếu mình chống đối thẳng với xu hướng này thì “mất sức” lắm, mình nên lựa dòng nước mà đi. Mục tiêu cuối cùng vẫn là không hoang phí, không sa vào thói tiêu dùng không nghĩ đến ngày mai, phải không chị?

Nhu cầu được nghỉ ngơi, du lịch cũng là một nhu cầu mình nên cân nhắc. Thay vì gạt bỏ hoàn toàn chuyện đó, chị có thể cùng anh nhà chọn những chuyến đi vừa túi tiền, phù hợp sức khỏe. Việc mình cùng tận hưởng cuộc sống, hạnh phúc trong tuổi xế chiều, cũng nên làm. Khi chị chủ động tham gia việc chọn tour, thu xếp tài chính, chị sẽ vừa giữ được ngân sách gia đình ổn định, vừa cùng chia sẻ với chồng những niềm vui.

Chuyện gia đình con trai mua xe hơi, chị cũng đừng chỉ trích nhiều, cứ hỏi các con xem giá tiền, khoản vay, trả nợ trong bao lâu… rồi mới góp ý về những rủi ro có thể phát sinh khi gánh trên lưng quá nhiều khoản nợ. Nhiều gia đình trẻ thường ỷ lại vào cha mẹ. Chị cần nói rõ với con, nếu có chuyện gì đó xảy ra, cha mẹ không thể “bao sân”. Nói chung là cần lắng nghe, hiểu nhu cầu của con, để tìm tiếng nói chung, rồi mới thảo luận được với chúng.

Khó có thể chặn những cơn bão từ mạng xã hội. Chỉ có cách hiểu nó và bình tĩnh tìm cách tránh bão. Chúc chị thành công.

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, quý vị gởi về: hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI