Bạo lực và quấy rối phân biệt giới tính đối với các nữ chính trị gia lan tràn khắp châu Á - Thái Bình Dương

26/03/2025 - 13:36

PNO - Báo cáo tiết lộ mức độ lạm dụng mà phụ nữ phải đối mặt trong chính trị từ các quốc gia như Úc, Ấn Độ, Lào và Mông Cổ.

Các đại biểu quốc hội Úc kêu gọi hành động chống lại bạo lực giới tại quốc hội vào năm 2021 sau vụ cưỡng hiếp bị cáo buộc tại văn phòng của một bộ trưởng. Ảnh: Sam Mooy/Getty Images
Các đại biểu quốc hội Úc kêu gọi hành động chống lại bạo lực giới tại quốc hội vào năm 2021 sau vụ cưỡng hiếp bị cáo buộc tại văn phòng của một bộ trưởng - Ảnh: Getty Images

Ngày 25/3, theo một báo cáo của Tổng thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), tình trạng phân biệt giới tính, quấy rối và bạo lực đối với phụ nữ đang tràn lan trong các quốc hội trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, phơi bày mức độ lạm dụng mà phụ nữ trong chính trị phải đối mặt.

Dựa trên các cuộc phỏng vấn với 150 nữ nghị sĩ và nhân viên quốc hội tại 33 quốc gia trong khu vực - bao gồm Úc, Mông Cổ, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Fiji và Micronesia. Nghiên cứu phát hiện ra rằng 76% nghị sĩ và 63% nhân viên đã từng trải qua bạo lực tâm lý dựa trên giới tính, với 60% nghị sĩ cho biết họ đã bị nhắm mục tiêu trực tuyến bởi lời nói thù địch, thông tin sai lệch và lạm dụng dựa trên hình ảnh....

Nhiều phụ nữ cho biết đã từng bị bạo lực tình dục, với hơn một nửa số vụ quấy rối đối với các nữ nghị sĩ diễn ra tại cơ sở quốc hội và do các nghị sĩ nam thực hiện. 2 người khác cho biết họ đã bị tấn công tình dục.

Báo cáo kết luận rằng những hành động như vậy thường được sử dụng để ngăn trở phụ nữ trong các hoạt động chính trị, hạn chế quyền và đóng góp của phụ nữ; buộc họ phải im lặng hoặc ẩn mình.

Các đại biểu quốc hội được thẩm vấn (tất cả đều được ẩn danh nhằm bảo vệ cá nhân) đã mô tả một môi trường thấm đẫm sự kỳ thị phụ nữ và quấy rối thường xuyên. Một đại biểu quốc hội nhớ lại một đồng nghiệp nam đã nói với cô rằng: "Nếu cô cho tôi xem đồ lót của cô, tôi sẽ bỏ phiếu cho cô".

Một người phụ nữ khác cho biết cấp trên của cô "đã cố ép tôi vào phòng khách sạn của ông ấy, thì thầm vào tai tôi, 'Tôi có thể chạm vào cô, được không?'".

Một đồng nghiệp nam đã hỏi người phụ nữ thứ 3 rằng: "Tại sao cô không ở nhà và vào bếp với bọn trẻ?".

Một nhân viên quốc hội cũng báo cáo những người phụ nữ trong văn phòng của cô đã lập một danh sách về "những nam nghị sĩ kỳ lạ" để cảnh báo lẫn nhau về những người hay quấy rối.

“Bạo lực và phân biệt giới tính đối với phụ nữ trong chính trị là một cuộc tấn công trực tiếp vào nền dân chủ”, Martin Chungong - Tổng thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), tổ chức lập pháp toàn cầu có trụ sở tại Geneva và là đơn vị công bố báo cáo - cho biết, đồng thời nói thêm rằng “quốc hội phải là nơi tôn nghiêm cho các cuộc tranh luận lành mạnh và lập pháp”.

Brigitte Filion - tác giả của báo cáo - cho biết bà lo ngại về rủi ro nghiêm trọng mà phụ nữ trong quốc hội phải đối mặt. “Mức độ đe dọa, chấn thương tâm lý trực tuyến và ngoại tuyến, quấy rối tình dục và các hành vi phạm tội khác có nhiều hậu quả đối với sự an toàn của họ và khả năng hoàn thành vai trò của họ.

“Những nguy cơ đối với các thế hệ tương lai là rất rõ ràng: điều này có thể khiến phụ nữ trẻ không muốn tham gia vào chính trị" - bà nói thêm.

Phụ nữ trẻ và những người xuất thân từ nhóm thiểu số báo cáo tỉ lệ bị lạm dụng cao hơn đáng kể.

Filion cho biết, trong khi một số quốc hội ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã đưa ra các hệ thống báo cáo bí mật và các dịch vụ hỗ trợ để giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới, không có quốc gia nào được khảo sát đã thông qua luật cụ thể giải quyết vấn đề bạo lực đối với phụ nữ trong chính trị. Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ có 16/37 quốc gia trong khu vực có luật để giải quyết vấn đề quấy rối.

“Các chính sách hoặc quy tắc ứng xử về quấy rối - bao gồm cả quấy rối tình dục - đang trở nên phổ biến hơn; tuy nhiên, tiến độ còn chậm và các biện pháp chủ yếu liên quan đến nhân viên quốc hội. Các quốc hội cần đảm bảo rằng cả thành viên quốc hội và nhân viên quốc hội đều được bảo vệ đầy đủ" - Filion nói.

Một nghiên cứu trước đây của IPU cho thấy hơn 80% đại biểu quốc hội trên toàn thế giới đã từng trải qua bạo lực tâm lý, bao gồm cả những lời lẽ xúc phạm giới tính, trong khi 20% số người tham gia trên toàn cầu cho biết họ đã từng phải chịu bạo lực tình dục.

Trọng Trí (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI