Bạo lực tiếp nối bạo lực

22/04/2019 - 11:30

PNO - Cứ 10 học sinh thì 7 em bị bạo lực học đường, tỷ lệ HS Việt Nam bị bạo hành về tinh thần và thể xác là 71% (theo công bố của Plan International và Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về phụ nữ - ICRW năm 2014).

Như vậy, không phải đến gần đây, khi nhiều vụ bạo lực học đường (BLHĐ) gây choáng váng xã hội thì nó mới đáng báo động. 

Ngành giáo dục cho biết, đến nay đã ban hành 25 văn bản liên quan đến BLHĐ, mới nhất là chỉ thị về tăng cường các giải pháp chống BLHĐ được ban hành ngày 16/4 vừa qua. Nhưng BLHĐ vẫn ngày càng khủng khiếp. Điều này cho thấy, chúng ta đang quá thừa quy định nhưng lại thiếu những hành động cụ thể. 

Bao luc tiep noi bao luc
Phòng chống bạo lực học đường không chỉ là... chờ các đoàn thể vào trường phối hợp tổ chức sinh hoạt chuyên đề...

Quả thực, chúng ta đã quá quen với những “quyết tâm” trên giấy. Các chủ trương, chỉ đạo của ngành cùng lắm cũng chỉ về đến các trường rồi chui vào ngăn kéo, còn cán bộ giáo viên thì vẫn mang tâm lý: không phải việc của mình. Thế mới có chuyện các vụ bạo lực ở học sinh (HS) ngày càng nhiều và ngày càng dã man, thầy dâm ô với trò suốt nhiều năm mà nhà trường không biết… Vẫn biết, việc giáo dục không thể đổ hết cho nhà trường, nhưng rõ ràng là nhà trường đã chưa làm đến nơi đến chốn. 

Trong hội nghị trực tuyến giữa Bộ GD-ĐT với 63 tỉnh, thành về an toàn trường học, chống BLHĐ ngày 17/4 vừa qua, đại diện một trường THCS - THPT ở Hà Nội kiến nghị: đưa giá trị sống vào dạy ở trường phổ thông. Yêu cầu này vô cùng cấp thiết, nhằm giúp HS hiểu rằng giá trị đích thực của con người chính là nhân cách. Nó cũng như người ta học võ là phải học “tinh thần thượng võ” để không hành xử côn đồ. 

Đã có một số trường tư thành công ở phương diện này. Theo đó, nhà trường đã tận dụng mọi lúc, mọi nơi để giáo dục đạo đức cho HS. Trong các buổi lễ lạc, thay cho những phát biểu dài lê thê là những câu chuyện cảm động về tình thương yêu đối với ông bà, cha mẹ, thầy cô... được sân khấu hóa. Thậm chí, nhà trường còn tận dụng hành lang, phòng ngủ, nhà vệ sinh để treo tranh ảnh, châm ngôn khuyến khích HS sống có trách nhiệm, chan hòa, nhân ái. Và kết quả thu được hết sức bất ngờ, nhiều HS được xem là ngổ ngáo cũng đã thay đổi.  

Để làm được điều ấy, có khi người ta phải “lược”, thậm chí “bỏ qua” nhiều thứ khác. Cho nên, ở tầm vĩ mô, nhất thiết phải xác định: trong những thứ cần dạy cho HS thì thứ gì cần hơn. Nếu xem giáo dục ở bậc phổ thông là dạy làm người thì việc dạy đạo đức, lẽ sống phải được xem trọng và “làm thật” chứ không qua loa đại khái như hiện nay.

Để chống BLHĐ, nhiều người đề xuất lắp đặt camera, bồi dưỡng kỹ năng tư vấn cho giáo viên chủ nhiệm... Những điều ấy rất cần, tựa như cần phải trang bị các thiết bị chữa cháy cho một ngôi nhà. Nhưng cần hơn vẫn là phải thiết kế và thi công sao cho ngôi nhà ấy không xảy ra hỏa hoạn. Muốn thế, tất cả giáo viên phải được đào tạo kỹ về tâm lý và kỹ năng để trở thành những nhà giáo dục chứ không chỉ là những “thợ dạy”, đồng thời họ phải được tạo điều kiện để làm nhà giáo dục định hướng HS tới những giá trị sống đúng đắn. 

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI