Bạo lực súng đạn và nỗi đau còn mãi cho người ở lại

16/07/2022 - 06:00

PNO - Một viên đạn bắn ra đôi khi không chỉ giết chết một người mà còn giết cả một gia đình. Những đau đớn, dằn vặt xen lẫn hối tiếc bóp nát trái tim của nhiều người vợ, người mẹ lẫn con cái.

 

Aiden McCarthy đoàn tụ cùng ông bà tại một bệnh viện ở ngoại ô Chicago - Ảnh: GoFundMe 
Aiden McCarthy đoàn tụ cùng ông bà tại một bệnh viện ở ngoại ô Chicago - Ảnh: GoFundMe 

Nỗi đau của người ở lại

Không ít trẻ em, người mẹ, người vợ… đột ngột mất đi người thân chỉ vì sự đánh mất lý trí nhất thời của những kẻ xả súng. Các vụ bạo lực súng đạn không chỉ ảnh hưởng về sức khỏe tinh thần, thể chất lẫn tài chính mà còn là nỗi đau âm ỉ, dai dẳng cho người ở lại.

Mất đi một người thân đã là nỗi đau quá sức chịu đựng của mỗi người, vậy nhưng có những đứa trẻ, những người vợ, người mẹ… còn phải chịu nỗi đau nhân đôi. Một trong những người phải trải qua những cảm xúc tồi tệ, khủng khiếp này là bé trai Aiden McCarthy (2 tuổi). Cha mẹ của cậu bé là Kevin McCarthy (37 tuổi) và Irina McCarthy (35 tuổi) đều là nạn nhân tử vong trong vụ xả súng tại cuộc diễu hành kỷ niệm ngày Độc lập 4/7, ở một vùng ngoại ô giàu có của Chicago (Mỹ).

Theo lời Michael Levberg, ông của Aiden, cha cậu bé đã dùng cơ thể mình để che chắn an toàn cho Aiden. Dana và Greg Ring, cặp vợ chồng giúp chăm sóc Aiden sau khi vụ xả súng xảy ra, tâm sự họ bắt gặp cậu bé đi lang thang một mình và được một phụ nữ giúp đỡ. Điều khiến cặp vợ chồng quyết tâm đi tìm cha mẹ cho Aiden ngay tại hiện trường vụ xả súng hỗn loạn chính là nhìn thấy sự đau buồn và tha thiết được gặp người thân của cậu. Aiden McCarthy liên tục chỉ về hướng của tuyến đường diễu hành và gọi: “Mẹ ơi”, “Cha ơi”. Những tiếng gọi ngây thơ của cậu bé khiến bộ đôi xót xa, rung cảm.

Gabriella Uriegas, một người bạn của Tess Mata (nạn nhân trong vụ xả súng hàng loạt tại Trường tiểu học Robb vào tháng 5/2022) không giấu được sự xúc động khi nhắc về bạn - ẢNH: VOX
Gabriella Uriegas, một người bạn của Tess Mata (nạn nhân trong vụ xả súng hàng loạt tại Trường tiểu học Robb vào tháng 5/2022) không giấu được sự xúc động khi nhắc về bạn - Ảnh: VOX

Sau khi xác nhận cha mẹ cậu bé đã chết, cặp đôi giao cậu cho cảnh sát và cậu bé được đoàn tụ cùng ông bà. Ngoài tấm lòng giàu tình thương của Dana và Greg Ring, Irina Colon, một trong những phụ nữ từng giúp đỡ Aiden, đã lập tài khoản GoFundMe, gây quỹ hỗ trợ Adien và những người chăm sóc cậu bé.

“Hai tuổi, Aiden bị bỏ lại ở một vị trí không thể tưởng tượng được, để lớn lên mà không có cha mẹ bên cạnh. Cậu bé sẽ có một con đường dài phía trước để chữa lành, tìm kiếm sự ổn định và cuối cùng là định hướng cuộc sống như một đứa trẻ mồ côi” là nội dung bài đăng trên GoFundMe của Colon. 

Tài khoản đã thu hút hơn 2 triệu USD đóng góp trong khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, số tiền lớn này chắc chắn không thể nào khỏa lấp những trống vắng mà cha mẹ để lại trong lòng Aiden.
Cũng là người ở lại, câu chuyện của các bà mẹ bị mất con trong các vụ bạo lực súng đạn luôn mang đến nhiều xót xa.

Nicole Hockley, một trong số hàng chục phụ huynh ở Connecticut (Mỹ), phải trải qua giai đoạn khủng hoảng đầy khó khăn sau khi mất con trong vụ xả súng tại Trường tiểu học Sandy Hook vào năm 2012. Tổng thống Obama phải thốt lên rằng đó là vụ bạo lực tồi tệ nhất trong nhiệm kỳ của mình, khi một nam thanh niên 20 tuổi có hồ sơ bệnh án tâm thần đã sát hại mẹ ruột rồi chạy thẳng đến Trường Sandy Hook bắn chết 20 học sinh và 6 người lớn trước khi tự sát.

Nicole Hockley tâm sự, đến tận bây giờ, hình ảnh của con vẫn luôn hiển hiện trong đầu cô: “Trong năm đầu tiên sau khi mất Dylan, tôi cảm thấy xấu hổ và tội lỗi nếu mỉm cười. Tôi nghĩ rằng tôi đã biết nỗi đau khủng khiếp ấy mang hình hài ra sao”.

Có một thực trạng chung ở Mỹ là cứ sau mỗi vụ xả súng hàng loạt, các cuộc tranh luận về vấn đề sử dụng súng lại nóng lên nhưng rồi sự việc lại dần lắng xuống theo thời gian bởi chỉ một tỷ lệ nhỏ người dân Mỹ coi việc kiểm soát súng là vấn đề quan trọng. Thay vào đó, việc làm, chăm sóc sức khỏe và nhập cư mới là những vấn đề họ quan tâm nhất.

Cuối tháng Sáu, Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký ban hành đạo luật lưỡng đảng “Vì cộng đồng an toàn hơn” về kiểm soát súng đạn. Đây là cải cách liên bang đầu tiên về Luật Súng đạn trong ba thập niên tại nước này. Không ít gia đình mong rằng bước đi trên sẽ giúp giảm thiểu đáng kể nạn bạo lực súng. Dù vậy, trước khi mong đợi tương lai tốt đẹp hơn, vẫn còn đó những nỗi đau khó nguôi ngoai.

Vết thương chưa thôi rỉ máu

Shianne Norman là một trong những người mẹ đã mất con sau một vụ xả súng năm 2012. Nỗi đau đó vẫn theo cô đến tận bây giờ. Cô nói: “Tôi đã đánh mất một phần linh hồn của mình. Tôi luôn mang cảm giác tội lỗi không bao giờ nguôi ngoai” -  ẢNH: GUARDIAN
Shianne Norman là một trong những người mẹ đã mất con sau một vụ xả súng năm 2012. Nỗi đau đó vẫn theo cô đến tận bây giờ. Cô nói: “Tôi đã đánh mất một phần linh hồn của mình. Tôi luôn mang cảm giác tội lỗi không bao giờ nguôi ngoai” - Ảnh: Guardian 

Đã vài năm trôi qua nhưng cô Brenda Mitchell (bang Illinois, Mỹ) vẫn đầy xúc động khi cầm bức ảnh của con trai mình. “Con trai tôi là Kenneth đã bị giết trong một hành động bạo lực ngẫu nhiên, một tuần sau khi đưa anh trai Kevin ra sân bay trong chuyến công tác lần thứ ba đến Trung Đông” - Brenda Mitchell chia sẻ.

Cô tâm sự, giống như tất cả bà mẹ khác, cô đã phải trải qua chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD): “Nó tác động mạnh mẽ đến mức tàn phá hoàn toàn con người và cảm xúc của tôi. Tôi sợ đi ngủ vì mỗi khi tôi ngủ, huyết áp của tôi lại tăng cao. Tôi nghĩ mình sắp chết và có lúc, tôi đã suýt chết. Tôi không thể suy nghĩ một cách tích cực, trí nhớ, nhận thức của tôi đã bị ảnh hưởng”.

Giai đoạn ấy khiến Brenda Mitchell như bị bóp nghẹt. Phải mất một khoảng thời gian dài, cô mới bước ra khỏi quá khứ đau khổ và học cách để sống. “Tôi đã học cách truyền năng lượng của mình để ngăn một người mẹ khác, một gia đình khác, một cộng đồng khác trải qua những gì tôi đã nếm trải” - cô tâm sự.

Trong khi đó, cô Shenee Johnson (bang New York, Mỹ) thậm chí còn gánh chịu nỗi đau kép. Đau đớn thứ nhất mà cô đối mặt là vụ bạo lực súng đạn năm 2003 khiến chồng sắp cưới của cô thiệt mạng khi cô đang mang thai hai tháng. Khi đó, cô thực sự không biết bản thân cần làm gì. Cô đã phải lấy hết dũng khí để đối diện với mọi chuyện tiêu cực.

Tưởng chừng đau khổ đã chấm dứt thì cơn sóng dữ lặp lại với cô một lần nữa. Con trai lớn của cô là Kedrick Ali Morrow bất ngờ bị sát hại chỉ vài tuần trước khi cậu tốt nghiệp trung học vào năm 2010.

“Chúng tôi đã nuôi dưỡng con thành một chàng trai trẻ tuyệt vời. Mọi người đều yêu mến con tôi. Con tôi đã tốt nghiệp loại xuất sắc và nhận được học bổng tại Đại học St. John's” - Shenee Johnson nghẹn ngào khi nhắc đến con.

Sau hai nỗi đau tột cùng, hiện Shenee Johnson vẫn đang điều trị tâm lý. Cô cho hay: “Tôi sợ điều gì đó sẽ xảy ra với con tôi. Tôi đã tìm kiếm lời khuyên nhưng nỗi ám ảnh sẽ không bao giờ buông tha tôi. Tôi phải đối phó với nó”.

Câu chuyện đau thương của Brenda Mitchell và Shenee Johnson chỉ là hai trong số hàng loạt câu chuyện về các bà mẹ phải nếm trải cảm giác mất con vì bạo lực súng đạn. Không thể thay đổi được quá khứ, quay ngược lại thời gian để có thể bảo vệ con mình nhưng họ đều mong đợi luật kiểm soát súng đạn sẽ ngày càng chặt chẽ hơn để không còn bất cứ gia đình nào phải mất đi người thân, trải qua khoảng thời gian kinh khủng như họ. 

Chung Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI