Bạo lực súng đạn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở thanh thiếu niên Mỹ

24/04/2022 - 11:22

PNO - Theo một báo cáo từ Đại học Michigan, bạo lực súng đạn đã vượt qua tai nạn xe hơi trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em và thanh thiếu niên tại Mỹ vào năm 2020.

Phát hiện trên đã được công bố trên Tạp chí Y học New England hôm 20/4, như một phần của nỗ lực nghiên cứu dài hạn từ Viện Phòng chống thương vong do súng đạn (IFIP) thuộc Đại học Michigan.

bạo lực súng đạn vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nam thiếu niên da màu trên 15 tuổi
Bạo lực súng đạn vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nam thiếu niên da màu trên 15 tuổi ở Mỹ trong thập niên qua

Các nhà nghiên cứu cho biết, một phân tích dữ liệu về tỷ lệ tử vong từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy tỷ lệ tử vong liên quan đến súng đạn ở người Mỹ từ 19 tuổi trở xuống đã tăng gần 30% từ năm 2019 đến năm 2020. Những cái chết này bao gồm các vụ tự tử, các vụ xả súng bừa bãi và các vụ mưu sát, trong đó số vụ mưu sát chiếm tỷ lệ cao nhất.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng số ca tử vong do tai nạn xe hơi và giết người bằng súng ở trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh niên ngày càng tăng từ năm 2016. Số trường hợp thiệt mạng do sử dụng ma túy quá liều và ngộ độc tăng hơn 80% trong giai đoạn 2019-2020, trở thành nguyên nhân thứ 3 gây ra tử vong cho nhóm này.

“Chúng tôi nhận thấy bạo lực súng đạn đã gia tăng, nhưng tôi rất ngạc nhiên trước tốc độ tăng chỉ trong một năm. Tôi chưa bao giờ chứng kiến điều này trước đây”, tiến sĩ Jason Goldstick - một nhà nghiên cứu của IFIP và là phó giáo sư về y học cấp cứu tại Đại học Michigan - cho biết.

Sự gia tăng số người trẻ chết vì súng đạn ở Mỹ trong giai đoạn 2019-2020 chỉ là một phần nhỏ so với mức gia tăng số vụ mưu sát ở nước này trong cùng khoảng thời gian này. Theo nghiên cứu, các vụ giết người bằng súng trên khắp nước Mỹ đã tăng 33% vào năm 2020.

Theo dữ liệu của CDC, mặc dù năm 2020 được đánh dấu là năm đầu tiên số trẻ em và thanh thiếu niên thiệt mạng vì súng đạn nhiều hơn so với do tai nạn ô tô, nhưng trên thực tế, bạo lực súng đạn vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nam thiếu niên da màu trên 15 tuổi trong ít nhất một thập niên qua.

Và những thanh thiếu niên này đã không mất mạng trong các vụ xả súng hàng loạt nổi tiếng tại các trường học hoặc trung tâm thương mại. Thay vào đó, nhiều người trong số họ đã mất mạng trong những ngôi nhà có súng và không được đảm bảo an toàn, cũng như trong những khu dân cư nơi họ lớn lên.

Một trong những thanh niên bị thiệt mạng vào năm 2020 là Andre Robinson Jr, 19 tuổi. Robison Jr đã bị bắn vào lưng ngày 8/11/2020 khi đang trên đường mang đồ ăn sáng đến nhà bạn gái ở Oakland, California. Một người khác là Aaron Pryor, một cầu thủ bóng đá, đã bị bắn chết tại cùng thành phố này vào ngày 27/9/2020, chưa đầy một tháng sau sinh nhật lần thứ 16 của mình.

Vào tháng 12/2021, nhiều thanh thiếu niên ở California đã chia sẻ với tờ The Guardian rằng, sự gia tăng các vụ xả súng đã làm rung chuyển cộng đồng của họ, khiến họ rơi vào trạng thái hoang tưởng, buồn bã và tuyệt vọng trước sự mất mát của những người bạn đồng trang lứa vì bạo lực súng đạn.

“Chúng tôi phải chứng kiến ​​cảnh bạo lực đó hàng ngày. Chúng tôi cảm thấy không an tâm khi ra ngoài và vui chơi, vì nghĩ rằng có thể có ai đó vừa bị sát hại. Tôi chỉ tự hỏi:  Không biết ai sẽ là nạn nhân tiếp theo?

Không có điều gì tồi tệ hơn là chứng kiến tại nơi mình đang ở mọi người đang giết nhau hàng ngày. Chúng tôi giống như những đứa trẻ nhỏ, trong đó có nhiều người thậm chí còn chưa đến tuổi 18”, Samantha Walton, 17 tuổi đến từ San Francisco, bức xúc.

“Những con số này thật kinh khủng, nhất là bởi vì những cái chết như vậy có thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nhiều nguồn kinh phí hỗ trợ cho các nghiên cứu. Thông điệp cuối cùng của chúng tôi là cần có biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa bạo lực và cải thiện sức khỏe cộng đồng, và để làm được điều đó, cần phải có kinh phí”, tiến sĩ Goldstick lên tiếng.

Nhất Nguyên (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI