Bạo lực “leo thang” trong phim Việt

27/05/2013 - 11:27

PNO - PNO - Một thời, phim Việt từng dùng sex như “vũ khí tối thượng” để câu khách, nhưng hiện nay các nhà làm phim đang có xu hướng chuyển sang khai thác yếu tố bạo lực.

Bao luc “leo thang” trong phim Viet
Phim Đường đua có nhiều cảnh bạo lực và đã chỉnh sửa xong theo yêu cầu của cơ quan kiểm duyệt

Không phải đợi đến khi sự việc hai bộ phim Đường đuaBụi đời Chợ Lớn bị buộc phải chỉnh sửa trước khi ra rạp vì có quá nhiều cảnh bạo lực thì tình trạng bạo lực “leo thang” trong phim Việt đã xuất hiện trong các phim Việt ra rạp khoảng một năm trở lại đây. Đặc biệt, bạo lực càng nặng “đô” trong những phim lồng thêm yếu tố kinh dị.

Xem Ngôi nhà trong hẻm, khán giả lạnh gáy với đoạn nhân vật nữ (Thảo) dùng rìu tấn công điên cuồng vào người chồng, chặt đứt hai ngón tay của chồng và đập phá cửa kính. Máy quay đã không quên cận cảnh vào gương mặt hốt hoảng, đầm đìa máu me của người chồng khi nhìn thấy trước mặt mình là lưỡi rìu sắp bổ xuống.

Dạo phim Bẫy cấp ba bị cấm chiếu, giải thích lý do với truyền thông, bà Ngô Phương Lan (khi đó còn là Cục Phó Cục Điện ảnh) cho biết: “Phim thể hiện sự thù hận của một nam sinh do cha mẹ lạnh nhạt, bạn bè coi thường đã ra tay giết người dã man, mất nhân tính, mang tính kích động bạo lực. Trong chuyến đi chơi với bốn người bạn cùng lớp, cậu ta đã sắp đặt một chuỗi “bẫy” để lần lượt giết chết từng người bạn cùng đi và cả người vô tội khác. Nội dung phim như vậy không phù hợp với đạo đức, lối sống Việt Nam, đặc biệt là đối với lứa tuổi của học sinh”.

Bạo lực cũng được nhìn thấy trong phim Lấy chồng người ta qua những cảnh nhân vật đánh nhau đến hộc máu mũi, máu mồm. Nhân vật Linh trong phim có thần kinh không ổn định lại thêm cuộc sống vật chất và tinh thần bức bối, khiến Linh có những hành vi thất thường. Không chỉ nhân vật nam - Khánh - là nạn nhân của Linh mà ngay cả Lụa - mẹ của con y cũng bị y bạo hành tơi tả. Việc gán ghép những hành vi bạo lực vào những nhân vật có đầu óc không bình thường như vậy đã khiến cho sắc thái bạo lực trong các phim trên càng thêm dã man.

Trở lại với phim Đường đua, cơ quan kiểm duyệt đã nhận định: “Phim phơi bày một xã hội đen tối, bế tắc với sự xuất hiện của các băng nhóm xã hội đen, cùng những cảnh cờ bạc, hãm hiếp, đâm chém, giết người lạnh lùng không ghê tay”. Bụi đời Chợ Lớn cũng nhận được khuyến cáo: “Nhà sản xuất đưa cảnh các băng đảng xã hội đen ngang nhiên hoành hành, dàn trận thanh toán đẫm máu bằng dao, lưỡi lê trên đường phố, trong các hẻm của TP.HCM mà tuyệt nhiên không có sự can thiệp của lực lượng xã hội nào”.

Đạo diễn Nguyễn Khắc Huy của phim Đường đua tâm sự: “Vấn đề bạo lực trong phim Việt có thể đang bị hiểu sai. Thẳng thắn mà nói, không có đạo diễn nào muốn cổ súy bạo lực, kêu gọi mọi người đâm chém nhau. Đôi khi muốn ngăn chặn bạo lực chúng ta cũng cần phải trải nghiệm hậu quả của nó. Giống như việc sử dụng những hình ảnh tai nạn giao thông để cảnh báo trên các tuyến đường nguy hiểm. Đó là quan điểm của tôi khi thực hiện Đường đua. Làm phim không phải là kể chuyện mà là dẫn dắt khán giả đến một thế giới mà họ chưa biết tới và để chính họ tự trải nghiệm trong thế giới đó”.

Đạo diễn Charlie Nguyễn cũng từng phát biểu: “Quan niệm của tôi là nếu như chúng ta muốn chống chiến tranh thì phải làm phim về đề tài chiến tranh. Muốn chống ma túy thì phải làm phim về ma túy. Muốn chống bạo hành trong gia đình thì phải làm phim về đề tài này. Và muốn chống băng đảng thì mình phải làm phim về đề tài băng đảng. Khi người ta đối mặt với một vấn đề nào đó thì lúc bấy giờ người ta mới quan tâm và suy nghĩ về nó nhiều hơn”.

Như vậy, khúc mắc chính nằm ở chỗ đạo diễn xử lý những cảnh bạo lực như thế nào để thông qua đó người xem có thể nhận ra thông điệp mà bộ phim muốn chuyển tải. Mà điều này thì dường như các nhà làm phim chưa làm được nên nhìn vào phim người ta chỉ nhận thấy “bề nổi” - những hình ảnh nặng mùi chém giết, máu me mà không thấy ngầm ý của đạo diễn. Thật ra, so với những phim nước ngoài được phép phổ biến ở VN, mức độ bạo lực trong phim Việt “không là gì” nhưng điều đó không có nghĩa là khuyến khích các nhà làm phim “mạnh tay” hơn với đề tài bạo lực để phim có cao trào, kịch tính như phim nước bạn. Mỗi quốc gia có luật lệ riêng, bối cảnh văn hóa, xã hội riêng.

Ngay ở Mỹ - nơi bạo lực trong điện ảnh luôn ở mức độ “nặng”, sau hàng loạt những vụ thảm sát súng đạn ở trường học, rạp phim, giới làm phim cũng ý thức hơn về vấn đề này. Tuy không thể đổ lỗi bạo lực trên phim ảnh sẽ kích động giới trẻ ngoài đời nhưng thiết nghĩ, các nhà làm phim VN cũng cần cân nhắc khi đề cập đến bạo lực bởi cuộc sống vẫn còn nhiều đề tài khác. Hơn nữa, ở Việt Nam việc phân loại phim theo độ tuổi chưa thể thực hiện được, đối tượng đến rạp chủ yếu là giới trẻ - những người chưa có ý thức cao, rất dễ bị tác động bởi những gì mà họ xem, thấy.

HƯƠNG NHU

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI