Bạo lực học đường vẫn "bất chấp" bộ quy tắc ứng xử

22/09/2020 - 07:28

PNO - Năm học mới vừa bắt đầu đã xảy ra chuyện cô đánh trò ở Hà Giang, nữ sinh lớp Bảy ở Lạng Sơn đánh nhau vì những mâu thuẫn nhỏ… Trong khi, ngành giáo dục đã ban hành rất nhiều quy định và gần đây là bộ quy tắc ứng xử học đường nhưng bạo lực học đường vẫn cứ xảy ra.

Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục (Ðại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng: “Bộ quy tắc được đưa xuống giới thiệu cho các trường là tốt nhưng chúng ta mới chỉ để ở giai đoạn văn bản, cất ở ngăn bàn và không có cơ chế gì khuyến khích người ta thực hiện, cũng không có đánh giá tổng kết hay rút kinh nghiệm…”.

* Phóng viên: Ông nhận định như thế nào về việc vừa vào năm học mới đã xảy ra bạo lực học đường, điển hình là vụ cô giáo ở Hà Giang đánh học sinh mới đây? 

- Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thành Nam: Ở quốc gia nào cũng thế, đã chọn nghề giáo chúng ta buộc phải rèn luyện nhân cách vì giáo viên là người dạy cho học trò bằng nhân cách của mình, làm gương về hành vi ứng xử cho đứa trẻ nên không thể nói vì áp lực nên tôi đánh học sinh.
Nhưng cũng phải thấy rằng giáo viên hiện nay có quá nhiều áp lực. Do đó, để giúp học sinh có không gian phát triển tốt nhất và trở thành học sinh hạnh phúc ở mái trường thì có nhiều công tác phải làm, trong đó có chăm lo cho sức khỏe thể chất và tinh thần của giáo viên. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thành Nam: “Để xây dựng một mô hình thì dễ nhưng triển khai thế nào ở cơ sở  giáo dục để phát huy hiệu quả mới là vấn đề đáng nói”
Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thành Nam: “Để xây dựng một mô hình thì dễ nhưng triển khai thế nào ở cơ sở giáo dục để phát huy hiệu quả mới là vấn đề đáng nói”

Ngoài ra, theo tôi, giáo viên còn cần phải được trang bị kỹ năng tự chăm sóc bản thân vì hiện nay ngành giáo viên là nghề có nhiều áp lực khi chúng ta đối diện với những kỳ vọng, mong đợi lớn từ phía phụ huynh và môi trường làm việc của giáo viên, các cô phải làm nhiều thứ.

* Ít ra, tại trường sư phạm, giáo viên đã được trang bị kiến thức về tâm lý học đường để có thể ứng xử với các tình huống học đường?

- Tôi không vơ đũa cả nắm, nhưng những giờ học ở trường sư phạm và nhất là những tiết học tâm lý vẫn lý thuyết quá. Học tâm lý nhưng chúng ta lại không nghiên cứu tâm lý con người sống trong những tình huống thực thì làm sao sống động?

Khi người học học quản lý hành vi ở những tình huống thực nghiệm thì dễ dàng xử lý, nhưng gặp tình huống thực giáo viên loay hoay không biết xử lý thế nào. Lý do vì tâm lý của con người biến đổi rất nhanh, phụ thuộc vào thời đại chứ không như trong giáo trình mình đã học cách đây hàng chục năm về trước.

Chương trình tâm lý học phải liên tục được cập nhật và phải mang tính thực tiễn chứ không dừng lại ở lý thuyết, có như thế mới phát huy được hiệu quả.

* Nhưng ngành giáo dục cũng đã có động thái đưa vào bộ quy tắc ứng xử trong trường học cũng là cách để hạn chế bạo lực học đường?

- Chúng ta phải thẳng thắn với nhau là ý tưởng xây dựng bộ quy tắc ứng xử học đường là tốt, bộ quy tắc được đưa xuống giới thiệu cho các cơ sở giáo dục là cần thiết, nhưng vấn đề là ở cơ sở, bộ quy tắc này được triển khai thế nào.

Chúng ta mới chỉ để nó ở giai đoạn văn bản, cất ở ngăn bàn và không có cơ chế gì khuyến khích người ta thực hiện, cũng không có đánh giá tổng kết hay rút kinh nghiệm. Xây dựng một mô hình thì dễ, nhưng triển khai thế nào ở cơ sở giáo dục để phát huy hiệu quả mới là vấn đề đáng nói.

Hiện nay, chúng ta chưa trả lời được câu hỏi vì sao có mô hình tốt nhưng chưa triển khai được. Phải khuyến khích ra sao để nó trở thành hành động tự giác của bản thân mỗi học sinh, giáo viên? Quan trọng là vai trò của người đứng đầu cơ sở giáo dục. Dù có bao nhiêu chủ trương tốt nhưng nếu nhà trường không có kế hoạch triển khai, không ghi nhận, tổng kết thì chưa thể nào đi vào cuộc sống.

* Xin cảm ơn ông! 

Đại Minh (thực hiện)

Làm sao để giáo viên quản lý được cảm xúc?

Giáo viên rơi vào trạng thái căng thẳng do không cân bằng được khoảng thời gian dành cho công việc và gia đình, phải đối mặt với công việc lặp đi lặp lại hằng ngày. Học trò mỗi em một tính cách và văn hóa gia đình khác nhau nên việc rèn cho học sinh vào nền nếp tốn nhiều công sức, dẫn đến áp lực. Bản thân giáo viên trong bối cảnh hiện tại phải có kỹ năng quản lý hành vi tích cực của mình, biết một số chiến lược để làm dịu cảm xúc hay quản lý cảm xúc của mình.

Về chiến lược quản lý cảm xúc, mỗi người tự tìm cho mình cách thức phù hợp. Nhìn chung, mỗi người có điểm trôi cảm xúc khác nhau và phải biết cảm xúc của mình hôm nay đang ở mức nào, nếu đang khó chịu từ khi ở nhà thì giáo viên phải biết chỉ cần một tác động nhỏ là mình “nổi điên” thì phải kiềm chế… Chú ý khi nào mình đánh mất kiểm soát và nhận ra giai đoạn nào mình dễ mất kiểm soát để ứng phó. Khi cảm xúc lên cao, khó kiểm soát, mình sẽ làm sao nhãng cảm xúc bằng cách đi lau bảng, không nhìn vào học sinh đó nữa hay nắm chặt tay để qua giai đoạn đó.

Khi bình tĩnh thì mới cân nhắc đưa ra hình thức kỷ luật phù hợp với học sinh. Tuy nhiên, khi đưa ra hình thức thì phải trả lời tốt những câu hỏi như hình thức đó có tôn trọng đứa trẻ hay không; có liên quan đến lỗi của đứa trẻ, có mang tính chất giáo dục cho hành vi cũng như thói quen của đứa trẻ hay không và cuối cùng là liệu hình thức kỷ luật đó có phù hợp với sự phát triển của đứa trẻ hay không.

Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thành Nam

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI