Bạo lực học đường thời… trực tuyến

03/12/2021 - 06:30

PNO - Bắt nạt trực tuyến đang là một hiện tượng phổ biến khi học sinh sử dụng mạng xã hội và các ứng dụng thường xuyên hơn so với trước đây. Hiện tượng này gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt về tâm lý.

Mạng ảo, ám ảnh thật

Chị N.T.H. (Q.Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) vẫn chưa hết ám ảnh chuyện xảy ra với gia đình chị cách đây hai tháng. Sự việc đau lòng về con gái học lớp 8 của chị H. chỉ vỡ lở sau khi chị phát hiện con dùng thuốc ngủ để kết liễu sinh mạng.

Chị H. kể: “Con tôi sử dụng Facebook được một thời gian. Sau đó, bắt “trend” của giới trẻ nên con đăng ảnh của mình lên mạng và “chém gió” rằng nếu không được 5.000 like thì sẽ chụp ảnh nude đăng tiếp. Đáng tiếc, status đó chỉ được hơn 1.000 like và các bạn cùng trường đã lập hẳn fanpage để ép con bé phải đăng ảnh nude như lời hứa, rồi còn ghép ảnh con bé theo kiểu ảnh nude khiến con bé khủng hoảng”.

Nhiều nữ sinh chọn cách im lặng khi bị bắt nạt trực tuyến - ẢNH minh họa: ĐẠI MINH
Nhiều nữ sinh chọn cách im lặng khi bị bắt nạt trực tuyến - Ảnh minh họa: Đại Minh

Cũng may được cấp cứu kịp thời nên con gái chị H. giữ được tính mạng. Chị nhờ giáo viên nói chuyện với nhóm bạn kia, yêu cầu gỡ các hình cắt ghép cũng như những lời miệt thị con chị xuống. Nhưng con gái chị từ đó không còn là cô bé năng động, hoạt bát mà chỉ sống thu mình. Cô bé còn nói chỉ mong học trực tuyến mãi để không phải gặp các bạn.

Trước đó, vì lên tiếng bảo vệ một bạn gái cùng khối hay bị trêu trọc, N.T.L., học sinh (HS) lớp 10 (Q.Hà Đông, TP.Hà Nội) đã phải nhận rất nhiều bình luận khó nghe, thậm chí có bạn trong trường còn chửi cả gia đình L. Có lúc, L. còn bị nhắn tin bắt phải xin lỗi trên Facebook của trường nếu không sẽ bị đánh. “Em thấy mình không sai nên không xin lỗi nhưng em không dám ra đường vì sau những lời đe dọa trên mạng, em sợ mình bị tấn công thật. Cho đến giờ em cũng không dám mở lại Facebook”, L. nhớ lại.

N.N.H., nữ sinh lớp 9 (Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội), cũng vô tình thành nạn nhân của bắt nạt trực tuyến chỉ vì vừa xinh đẹp vừa học giỏi, được nhiều nam sinh ngưỡng mộ. Vậy là các nữ sinh khác ghen tỵ, kiếm cớ để gây mâu thuẫn. Trường học đóng cửa, HS không gặp nhau, vậy là H. bị bịa chuyện quan hệ tình dục với nam sinh trường khác, bị cắt ghép ảnh và bôi nhọ trên mạng xã hội. Điều này làm H. stress một thời gian dài. Thậm chí, gia đình phải nhờ sự can thiệp của bác sĩ tâm lý mới đưa H. trở về trạng thái cân bằng. Những HS cắt ghép ảnh của H. bị nhà trường cảnh cáo, nhưng những ám ảnh của H. có lẽ sẽ vẫn còn như một hồ sơ cá nhân khó có thể quên.

Thầy Trần Đức Ngọc, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Hải Phòng), nhận định, bắt nạt trực tuyến đang là một hiện tượng phổ biến khi HS sử dụng mạng xã hội và các ứng dụng thường xuyên hơn so với trước đây. Hiện tượng này gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt về tâm lý. Các em trải qua việc bị bắt nạt sẽ sợ hãi, ngại gặp các bạn, thầy cô, học tập vì thế mà cũng bị ảnh hưởng. 

Hình thức mới của bạo lực học đường

Bắt nạt trực tuyến là một hình thức mới của bạo lực học đường. Thạc sĩ Lê Thị Loan, Phó khoa Giáo dục Học viện Quản lý giáo dục, cho rằng, chỉ cần “lệch guồng” là nhiều HS tuổi mới lớn có tâm lý thích hạ bệ bạn khác giống như trò đùa để thể hiện bản thân, mà không nghĩ đến hậu quả. Thế nhưng, nạn bắt nạt trực tuyến để lại hậu quả kinh khủng hơn cả việc bị đánh.

Cô Loan cho hay: “Bắt nạt trực tuyến nguy hại vì không giới hạn về thời gian, không gian. HS ngồi bất cứ đâu cũng vẫn bị bắt nạt và những video chế giễu, nhục mạ trên mạng xã hội tồn tại vĩnh viễn khiến nạn nhân khó mà quên được”. Do đó, theo cô Loan, “thuốc giải” cho hành vi bắt nạt học đường trực tuyến không gì khác cần sự chung tay của nhà trường, gia đình. Nhà trường có trách nhiệm thông qua tiết giáo dục công dân phân tích hệ quả của hành vi bắt nạt trực tuyến. Gia đình phải giáo dục con ý thức tôn trọng người khác, ngay cả không gian mạng.

Nhiều phụ huynh tâm sự con họ không muốn chia sẻ nên bản thân phụ huynh cũng không nắm được tâm tư tình cảm của con, cho đến khi hậu quả xảy đến. Thạc sĩ Lê Thị Loan cho rằng, phụ huynh phải biết rút ngắn khoảng cách giữa mình và con, phải là người đồng hành với con hằng ngày chứ không phải động chút là trách móc. Cha mẹ phải có kỹ năng làm bạn với con bằng cách tôn trọng con, không áp đặt mà lắng nghe, chia sẻ. Và đồng hành phải cả quá trình chứ không phải đợi có vấn đề mới vào cuộc. 

Thầy Trần Đức Ngọc cho rằng trong quá trình HS học trực tuyến, phụ huynh nên chú ý xem con mình có những dấu hiệu bất thường nào để can thiệp, giúp đỡ kịp thời. Khi HS chán học, uể oải, than phiền, sợ hãi… cha mẹ cần tìm cách chia sẻ với con hoặc khuyến khích con chia sẻ với thầy cô, cha mẹ, bạn bè. Thầy cô cũng có thể trao đổi với HS, nói chuyện tình cảm, để các em cảm thấy tin tưởng và được tin tưởng, từ đó thoải mái chia sẻ câu chuyện của mình. Ngoài ra, HS cũng cần sẵn sàng chia sẻ khi có rắc rối, cân đối hài hòa giữa thời gian online và thời gian tham gia các hoạt động khác để đảm bảo sức khỏe.

Còn theo thầy Phan Huy Chính, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Vạn Xuân (Hà Nội), để phòng ngừa tình trạng HS bị bắt nạt trực tuyến, trường cần tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề để HS đặt câu hỏi, trình bày những vấn đề mà các em băn khoăn. Trường thành lập tổ tư vấn để tháo gỡ, tư vấn cho HS những vấn đề về bạo lực học đường trực tuyến mà các em đang mắc phải. 

Đại Minh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI