Sự việc nữ sinh lớp 7 ở Thừa Thiên Huế bị nhóm bạn cùng trường đánh hội đồng, bắt quỳ xin lỗi hôm 22/10 có lẽ khiến không ít người ngán ngẩm.
Trước đó, khi đi đón em tại một trường học ở thôn Trung Chánh (xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế), nữ sinh M.T.T.T. (13 tuổi, học sinh lớp 7/6, Trường THCS Lộc Điền) bị một học sinh cùng trường va quẹt xe, làm rơi điện thoại, vỡ màn hình.
Khi yêu cầu người bạn này đền điện thoại cho mình nhưng không được, T. đã báo sự việc với bố của bạn. Sau đó, ngày 22/10, T. bị người bạn này rủ thêm nhiều người đến đánh đập, hành hung rồi quay clip đăng lên mạng xã hội.
|
Nữ sinh M.T.T.T. bị đánh đập dã man - Ảnh cắt từ clip |
Có lẽ, không ai dám tin rằng, những đứa học trò lớp 7 lại có những hành vi như xông vào giật tóc, đánh đập, lột quần áo của bạn rồi bắt quỳ xin lỗi. Sau đó, nhà trường còn phát hiện, em T. đã bị đánh đập nhiều lần, ngoài khuôn viên trường.
Chắc hẳn rằng, chưa ai quên câu chuyện đau lòng về nữ sinh xấu số ở TP Vinh, Nghệ An.
Tối ngày 15/4/2023, em N.T.Y.N, học sinh lớp 10A15, trường chuyên Đại học Vinh (Nghệ An) tự tử. Nguyên nhân sau đó được xác định là do em bị bạo lực học đường.
Em N. được cho là một học sinh học giỏi, hoạt bát năng động. Thế nhưng, khi đi học, em bị bạn đánh, bị ngược đãi và áp đảo tâm lý... Em từng nói với mẹ rằng sợ phải đến trường. Mẹ em cũng đã đến trường xin chuyển lớp cho con, nhưng khi sự việc chưa được giải quyết, thì trong lúc bố mẹ vắng nhà, em đã tìm đến cái chết.
Bạo lực học đường, vấn đề không mới, nhưng vẫn vô cùng nhức nhối, khi mà cho đến nay nó vẫn xảy ra nhan nhản. Trong đó, em T., em N. là 2 trong số rất nhiều trường hợp.
Có những em may mắn được gia đình phát hiện, tìm cách can thiệp, nhưng cũng có những em thì cha mẹ các em hoàn toàn không biết, để dẫn đến những kết cục đau lòng.
Ở đây, có rất nhiều vấn đề.
Thứ nhất, với những em có hành vi hung hăng, sử dụng bạo lực với bạn. Những em này, khi ở gia đình, có được giáo dục tốt hay không. Có không ít trường hợp, cha mẹ không hay biết con mình đi đâu, làm, gì, giao du với ai. Cho đến khi con cái ra đường gây họa, cha mẹ vẫn một mực cho rằng “cháu nó ở nhà ngoan lắm”. Và có lẽ, không ngoại trừ việc những em có hành vi đánh bạn, là những em sống trong gia đình mà ở đó cha mẹ, con cái luôn giải quyết vấn đề bằng nắm đấm. Có thể những đứa trẻ này đã bị tiêm nhiễm một số thói hư tật xấu ngoài xã hội, học được từ bạn bè, nhưng nếu được dạy dỗ và quan tâm, thì có lẽ các em sẽ không, hoặc ít, có hành vi sai trái. Vậy thì, hơn ai hết, cha mẹ là người phải chịu trách nhiệm cho mọi hành vi của con cái mình.
Thứ hai, với những em là nạn nhân của bạo lực gia đình. Liệu cha mẹ các em có nghĩ rằng, chúng ta cũng có một phần lỗi. Chúng ta đã dạy con cách tự vệ hay chưa? Đã dạy con kỹ năng nhận biết và cách đối mặt với bạo lực học đường hay chưa? Chúng ta đã thực sự quan tâm, gần gũi và lắng nghe con hay dạy con kỹ năng xử lý vấn đề cũng như cách kiềm chế những cảm xúc tiêu cực? Vì có không ít em là nạn nhân của bạo lực học đường, khi không thể chia sẻ và không biết cách giải quyết tình huống, các em đã có hành vi đáp trả, thậm chí đó là hành vi vi phạm pháp luật. Cũng không ít em tìm đến cái chết để giải thoát. Những người làm cha mẹ nên nhớ, chúng ta không hề vô can trong việc con mình trở thành nạn nhân của bạo lực học đường, và không hề vô can nếu chẳng may con em mình nông nổi, dại dột.
Thứ ba, thầy cô giáo, nhà trường cũng có một-phần-trách-nhiệm. Chuyện học sinh của mình bị hành hung, bị đánh đập, đâu thể nói không biết là xong. Nếu có sự quan tâm, thầy cô đã có thể nhận biết tình hình, can thiệp kịp thời trước khi quá muộn.
Bạo lực học đường, câu chuyện muôn thuở nhưng không lúc nào được phép xem nhẹ. Thầy cô, cha mẹ - những người có trách nhiệm cần thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm, quan tâm đến học sinh, con cái của mình nhiều hơn thì mới có thể hạn chế, không còn nhìn thấy những câu chuyện bức xúc, đau lòng.
Vân Đặng