Bạo lực học đường ngày càng nhức nhối

21/10/2022 - 06:16

PNO - Bạo lực học đường đang diễn ra từ trong đời thực đến thế giới ảo, từ thể xác cho đến tinh thần. Thậm chí, không gian mạng còn là nơi phát tán các vụ bạo lực trong đời thực, gây ảnh hưởng tâm lý nặng nề cho nạn nhân.

Bạo lực trong trường, trên mạng 

Mới đây, đoạn clip ghi cảnh một nam sinh bị hành hung trong lớp học được phát tán trên mạng xã hội đã khiến nhiều người sửng sốt. Điều gây phẫn nộ cho cộng đồng là thái độ của các học sinh trong lớp. Họ không ngăn cản việc hành hung mà còn tỏ ra khoái trá, cổ vũ cho việc bạo hành. 

Bạo lực học đường đang diễn ra phổ biến từ đời sống đến môi trường mạng ẢNH: P.H
Bạo lực học đường đang diễn ra phổ biến từ đời sống đến môi trường mạng - Ảnh: P.H

Trước đó, mạng xã hội cũng chia sẻ clip một nữ sinh mặc đồng phục Trường THCS Đồng Khởi (P.Cầu Ông Lãnh, Q.1, TPHCM) bị nhiều bạn nữ đánh hội đồng trong nhà vệ sinh. Theo clip, nữ sinh T.M. (lớp Bảy) bị nữ sinh B.T. dùng tay nắm tóc kéo xuống sàn nhà vệ sinh, tát nhiều cái lên đầu. Sau đó, T.M. tiếp tục bị một số nữ sinh khác nắm tóc và đánh lên đầu nhiều lần. Sự việc xảy ra trước sự chứng kiến của nhiều nữ sinh khác nhưng không ai can ngăn, một số còn cổ vũ và cho rằng B.T. đánh quá nhẹ.

Ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, chỉ hơn một tháng sau ngày khai giảng năm học 2022-2023, đã xảy ra 4 vụ học sinh đánh nhau rồi quay clip tung lên mạng xã hội. Vụ việc rúng động nhất xảy ra vào chiều 14/9 khi T.T.H.L. (lớp Tám, Trường THCS Lộc Thủy, H.Phú Lộc) bị bạn học nắm tóc, dùng cây gỗ đánh vào đầu gây thương tích. Nguyên nhân là do L. không chịu đi mua nước uống cho bạn mình.

Ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết, sau nhiều vụ bạo lực xảy ra đầu năm học 2022-2023, sở đã yêu cầu các trường thành lập ban phòng, chống bạo lực học đường.

Chị Thanh Vy (Q.10, TPHCM) kể, gần đây, con gái chị trầm cảm do bị bôi xấu trên mạng. Theo đó, trong một buổi học, con gái chị đến kỳ kinh nguyệt nhưng do chưa có kinh nghiệm xử lý nên chiếc váy trắng bị bẩn. Một bạn học trong lớp đã chụp được cảnh này và dùng tài khoản ảo đăng lên một nhóm trên mạng xã hội cho vui. Thế nhưng, khi con chị yêu cầu chủ tài khoản xóa hình ảnh này thì nhiều người vào mỉa mai, đe dọa khiến cháu cảm thấy xấu hổ và sợ hãi.

Thấy con ăn uống, sinh hoạt thất thường, chị Vy gặng hỏi, mới biết sự việc. Chị kể: “Sau khi nhờ giáo viên chủ nhiệm của con khuyên các bạn trong lớp xóa bài đăng, tôi phải đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý trong nhiều tháng, con tôi mới ổn định được tâm lý”.

Không chỉ học sinh lớn tuổi mới bị bắt nạt trên không gian mạng. Chị Lê Thúy An (Q.Bình Tân, TPHCM) cho biết, con trai chị đang học tiểu học ở Q.Bình Tân. Trong đợt dịch COVID-19 năm 2021, chị giao điện thoại để con học trực tuyến và giao tiếp, trao đổi tài liệu. Không ngờ, con chị trở thành nạn nhân của bạo lực trên mạng.

Chị kể: “Trong một lần trò chuyện trực tuyến với bạn chung lớp, con trai tôi chê một bạn khác khờ khạo. Không ngờ, bạn đó đã chụp màn hình và phát tán cho nhiều thành viên trong lớp. Sau đó, đứa bạn bị chê đã đăng nhiều bài chê ngoại hình của con tôi lên nhóm kèm những lời miệt thị, đe dọa. Thậm chí, có bạn còn đăng kết quả học tập năm trước của con tôi lên để cười cợt”.

Dạy cho trẻ kỹ năng ứng phó bạo lực 

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường đại học Sư phạm Huế - cho rằng, internet, phim ảnh và game bạo lực đang tiếp tay cho tình trạng bạo lực học đường. Điều đáng buồn là bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng ở đối tượng nữ sinh. Nhiều nữ sinh sau khi đánh bạn, còn đăng clip lên mạng để khoe “chiến tích”. Đây là xu hướng lệch lạc, cần bị ngăn chặn.

Vụ bạo lực tại một trường THCS TP.HCM được chia sẻ trên mạng xã hội (ảnh cắt từ clip)
Vụ bạo lực tại một trường THCS TPHCM được chia sẻ trên mạng xã hội (ảnh cắt từ clip)

Trong buổi tập huấn “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” do Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức ngày 14/10, bà Phạm Thị Thủy (Phòng Phát triển và Tham gia của trẻ em, Cục Trẻ em) cho biết, bên cạnh mặt tích cực, trẻ em tham gia mạng xã hội dễ gặp nhiều rủi ro như bị bắt nạt, xâm hại, bạo lực trên môi trường mạng. 

Bà nói: “Trên mạng, các em có thể mâu thuẫn, sau đó lôi kéo, tập trung thành nhóm để đánh nhau. Những điều diễn ra trên môi trường mạng đều có thể diễn ra ở đời thực. Do đó, chúng ta cần có nhiều giải pháp nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”.

Bà Đinh Thị Như Hoa (Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, các nền tảng mạng xã hội thường chỉ cho phép người trên 13 tuổi mở tài khoản nhưng trong thực tế, trẻ 7-8 tuổi có thể khai khống độ tuổi hoặc phụ huynh khai khống tuổi khi đăng ký tài khoản cho con. Từ đó, trẻ sớm tiếp xúc với những thông tin không tốt hoặc bị bắt nạt, lạm dụng trên mạng xã hội.

Theo bà Như Hoa, một cuộc khảo sát gần đây của trung tâm đã cho kết quả, có 2/3 số trẻ em Việt Nam tiếp cận các thiết bị truy cập internet. Cứ 5 thanh thiếu niên được khảo sát thì có 1 người thừa nhận mình là nạn nhân của hiện tượng bắt nạt trên mạng. Thế nhưng, 3/4 số người sử dụng mạng được khảo sát lại không biết các đường dây nóng hay các dịch vụ hỗ trợ nếu bị bắt nạt hoặc bạo lực trên mạng. 

Theo bà, để bảo vệ trẻ trên môi trường mạng, phụ huynh cần quan tâm, kiểm soát các thiết bị di động, điện tử của con mình. Cha mẹ có thể thiết lập một số nguyên tắc để trẻ tuân thủ. Hiện nay, có nhiều công cụ, giải pháp lọc thông tin xấu, độc miễn phí để phụ huynh cài vào các thiết bị di động nhằm giúp con sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh hơn.

“Phụ huynh cần hướng dẫn con các kỹ năng quản lý thông tin cá nhân trên mạng, quản lý thời gian sử dụng thiết bị, biết cách phòng ngừa rủi ro và biết chia sẻ, nhờ cha mẹ hỗ trợ khi gặp rắc rối. Cách bảo vệ trẻ tốt nhất trên môi trường mạng là nâng cao nhận thức của trẻ về việc sử dụng mạng an toàn” - bà Như Hoa nói. 

Mối nguy khi trẻ bị bắt nạt trên mạng

Nếu trẻ bị bắt nạt ngoài đời, sẽ có người chứng kiến và can thiệp. Còn trong môi trường mạng, chỉ nạn nhân biết về vụ đe dọa hoặc người trong nhóm (trên mạng) biết. Điều này khiến nạn nhân dễ bị dồn nén và phản ứng tiêu cực, chẳng hạn như nghĩ đến việc tự tử. Do đó, phụ huynh cần làm bạn với con để sớm nhận ra “vấn đề” của con và cùng con giải quyết. Phụ huynh cũng nên hướng dẫn con vào mạng an toàn, tránh tham gia các phe, nhóm xấu trên mạng. 
 

Ông Đặng Lê Anh - chuyên gia tâm lý trị liệu và chữa lành

Sơn Vinh - Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI