Bạo lực gia tăng trong đại dịch

06/11/2021 - 05:53

PNO - Một kết quả nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí y khoa nổi tiếng Lancet (Anh) cho thấy, COVID-19 làm gia tăng tình trạng lo lắng và rối loạn trầm cảm nghiêm trọng trên toàn cầu, đặc biệt ở phụ nữ và thanh niên. Số vụ bạo lực liên quan đến súng đạn tại Mỹ cũng nhiều đến mức đáng ngại.

Kết quả công bố trên tạp chí Lancet được tổng hợp từ kết quả của 48 nghiên cứu thực hiện ở nhiều nơi nhằm định lượng tỷ lệ rối loạn sức khỏe tâm thần ở 204 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2020.

Một “đại dịch” khác trong bóng tối phong tỏa

Hôm 3/11, đại diện các tổ chức xã hội đã trình Ủy ban Tư pháp Quốc hội Ireland các biện pháp phòng tránh bạo lực gia đình trong giãn cách xã hội, trong đó có đề xuất bố trí nơi tạm lánh cho phụ nữ. Theo nội dung đệ trình, các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19 đã dẫn đến một “đại dịch” khác liên quan đến sự gia tăng bạo lực mà nạn nhân là những thành viên trong gia đình, bị “giam” chung với “thủ phạm”.

 

Những chậu hoa trắng tưởng niệm 1.050 sinh mạng đã mất vì bạo lực súng đạn năm 2020 ở New York - ẢNH: ABC
Những chậu hoa trắng tưởng niệm 1.050 sinh mạng đã mất vì bạo lực súng đạn năm 2020 ở New York - Ảnh: ABC

Bà Allison Graham - Giám đốc Tổ chức Hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình Saoirse - nói: “Năm 2020, chúng tôi đã phải từ chối 369 yêu cầu lánh nạn của phụ nữ và trẻ em. Con số đó tương đương 78% yêu cầu cung cấp nơi trú ẩn an toàn trong cả năm, rất tiếc, các yêu cầu đã không thể được đáp ứng. Đây là hậu quả của việc nhốt chung các thành viên gia đình trong thời gian phong tỏa. Nhiều trẻ em không được đến trường, phải sống trong tình trạng căng thẳng tại nhà”.

Trình bày trước các nghị sĩ, bà Mary McDermott - Giám đốc Tổ chức Safe Ireland - cho biết chỗ trú dành cho nạn nhân bạo lực gia đình của nước này đang thiếu hụt nghiêm trọng.

“Năm 2020, cả nước có 57.277 cuộc gọi vào đường dây trợ giúp địa phương và quốc gia, trong đó có 23.785 tin báo sự cố và 4.000 tin báo về hành vi vi phạm. Do toàn quốc hiện chỉ có 144 nơi trú nên các tổ chức không thể đáp ứng hết các yêu cầu hỗ trợ chỗ trú để lánh nạn từ 1.351 phụ nữ trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 8 năm ngoái. May mắn là đã có sự hỗ trợ của các đơn vị tư nhân bằng cách cung cấp khách sạn làm nơi ẩn náu, nếu không, số lượng những phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình còn thê thảm hơn nhiều”, bà nói. 

Ngược lại, số nạn nhân bị bạo lực gia đình là đàn ông cũng gia tăng. Tổ chức Men’s Aid cho biết họ đã hỗ trợ hơn 5.000 nạn nhân là nam giới trong năm 2020 và dự kiến con số này sẽ tăng lên 8.000 nạn nhân trong năm nay. Nhiều đàn ông Ireland cho biết thường thì họ không được trợ giúp vì mình là nam giới. Tổ chức Men’s Aid đã ghi nhận có hơn 30 yêu cầu về việc hỗ trợ một nơi ngủ an toàn trong thời gian xảy ra đại dịch từ những nạn nhân là cánh mày râu.

Một báo cáo mới nhất của Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho thấy, nhu cầu về phòng ngừa và điều trị chứng rối loạn lo âu và trầm cảm đối với thanh thiếu niên đang trở nên cấp bách do đại dịch. Toàn thế giới có ít nhất 13% người trong độ tuổi từ 10 - 19 đã phải sống trong tình trạng rối loạn sức khỏe tâm thần. Tự tử là nguyên nhân tử vong phổ biến xếp thứ tư thế giới ở lứa tuổi 15 - 19, sau tai nạn giao thông, bệnh lao và ẩu đả. Trong một báo cáo từ Iceland, người từ 13 - 18 tuổi của nước này xuất hiện các triệu chứng tâm thần trong đại dịch nhiều so với lứa tuổi khác.  

Bạo lực liên quan đến súng đạn gia tăng

Mỹ đã hứng chịu hai cuộc khủng hoảng y tế trong năm 2020 vì COVID-19, đó cũng là khoảng thời gian quốc gia này phải chứng kiến sự gia tăng kỷ lục các vụ bạo lực liên quan đến súng đạn.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), năm 2020 được xem là một  năm chết chóc do các vụ xả súng lớn nhất trong vòng hai thập niên qua. Một năm hỗn loạn khi đi cùng đại dịch là suy thoái kinh tế, khủng hoảng phân biệt chủng tộc, các cuộc biểu tình hậu bầu cử gây bất ổn. Đặc biệt đã xảy ra hơn 19.400 vụ tử vong liên quan đến súng đạn, tăng 25% so với năm 2019.

Giáo sư Paddy Ssentongo (Đại học Pennsylvania) cho biết, bạo lực súng đạn đã tăng 31% tại Mỹ trong 13 tháng đầu tiên của đại dịch nhưng chưa rõ nguyên nhân. Các nghiên cứu không thể xác định có bao nhiêu trong số những cái chết do súng gây ra là tự sát hay án mạng. Nhiều vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra. 

Một nghiên cứu gần đây tại Đại học Harvard và Northeastern cho thấy 6,5% người trưởng thành ở Mỹ đã mua súng vào năm 2020 (năm 2019 là 5,3%). Mark Rosenberg - làm việc tại Lực lượng Đặc nhiệm y tế toàn cầu ở Mỹ - phát biểu: “Thật sốc khi chúng ta còn biết rất ít về sự gia tăng này. Hiện có quá ít nghiên cứu về bạo lực súng đạn ở Mỹ trong 20 năm qua…”. 

Nam Anh (theo TIT, Nature, ABC)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI