Bạo lực gia đình, tình và lý

15/06/2022 - 06:33

PNO - Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) có hiệu lực thi hành đã gần 14 năm qua (từ ngày 1/7/2008). Bên cạnh những thành tựu đạt được, luật này cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện.

 

Ả
Ảnh minh họa

Qua thực tiễn hành nghề luật sư và thường xuyên tư vấn pháp luật về hôn nhân gia đình, tôi cũng đã can thiệp, giúp đỡ nhiều khách hàng là nạn nhân của hành vi BLGĐ và nhận thấy rằng, mặc dù luật đã quy định khá đầy đủ các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ - kể cả các biện pháp chế tài - nhưng khi vận dụng pháp luật, tôi cũng phải cân nhắc và suy tính cho từng trường hợp. Bởi lẽ, nếu máy móc mà tư vấn, hướng dẫn các nạn nhân cứ làm đơn tố cáo hoặc điện thoại cho công an, chính quyền địa phương thì chưa chắc là họ đồng ý và làm theo chỉ dẫn, ngoại trừ họ bị bạo hành nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng. 

Tập quán, lối sống của người Việt Nam nói riêng và Á Đông nói chung vẫn còn khác xa với các quốc gia Âu - Mỹ. Lối sống gia đình ở Việt Nam vẫn nặng về tình cảm, giải quyết các mâu thuẫn gia đình trên tinh thần “đóng cửa bảo nhau” hoặc “xấu chàng, hổ ai”, cho nên nạn nhân chưa quen với cách gọi ngay cho cảnh sát khi có hành vi BLGĐ. 

Tâm lý chung của các nạn nhân là chưa muốn làm lớn chuyện và không muốn hàng xóm, xã hội xung quanh biết, nên hướng tư vấn của luật sư chỉ thiên về hòa giải mâu thuẫn, góp ý trong nội bộ gia đình, dòng họ. Nếu người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên đang làm việc cho các cơ quan, tổ chức thì hướng xử lý hiệu quả nhất là nhờ các cơ quan, tổ chức này góp ý, can thiệp và hòa giải. Ngoài ra, nếu hành vi vi phạm nghiêm trọng thì việc góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư, thông qua người đứng đầu là trưởng thôn, bản, ấp, tổ dân phố, khu phố… cũng là giải pháp mà tôi nhận thấy rất hiệu quả. 

Đối với những người có hành vi BLGĐ, nếu áp dụng các biện pháp nhẹ nhàng, mềm mỏng, đa số họ có chuyển biến tích cực, thay đổi nhận thức hành vi, sống tốt hơn và “biết sợ” hơn. Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn có những trường hợp người có hành vi BLGĐ không thể sửa đổi và vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn. Khi đó, luật sư phải tư vấn cho họ các biện pháp mạnh hơn theo quy định của pháp luật. 

Đối với các trường hợp quan hệ giữa nạn nhân và người có hành vi BLGĐ là vợ chồng, tôi nhận thấy, khi họ làm đơn tố cáo về BLGĐ, đa số họ đã đi đến quyết định sống ly thân, ly hôn. Lúc bấy giờ, họ đã chấp nhận và sẵn sàng đối diện với sự đổ vỡ, để trả tự do cho nhau. 

Ở một góc nhìn khác, theo tôi, Luật Phòng, chống BLGĐ cũng đã “ngấm” vào cuộc sống và pháp luật khác có liên quan. Điển hình là Luật Hôn nhân và Gia đình. Trước đây, theo luật này năm 2000, căn cứ để ly hôn rất chung chung nhưng Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định cụ thể rằng vợ hoặc chồng có hành vi BLGĐ là căn cứ để ly hôn. Luật hiện hành cũng quy định “yếu tố lỗi” trong việc giải quyết chia tài sản khi ly hôn, trong đó người có hành vi BLGĐ sẽ bị thiệt hại (không được ưu tiên, không chia hoặc chia ít hơn) về tài sản.

Tóm lại, theo tôi, tư tưởng và biện pháp chủ đạo trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống BLGĐ lần này nên ưu tiên các biện pháp “phòng” hơn là “chống”. Cụ thể là tăng cường các hình thức thông tin, tuyên truyền; hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp; tư vấn, góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư. Và dù có thay đổi, bổ sung, hoàn thiện đến đâu đi nữa thì không phải ngay tức khắc luật đi vào cuộc sống. Do đó, cũng đừng kỳ vọng quá nhiều mà phải từng bước vận dụng sao cho phù hợp, hiệu quả và phải đồng bộ với nhiều đạo luật khác có liên quan. 

Luật sư Huỳnh Minh Vũ (Đoàn Luật sư TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI