Bạo lực gia đình - bi kịch của những đứa trẻ

15/03/2023 - 06:27

PNO - Bị mẹ lôi về nhà sau 3 ngày đi bụi, M.A. - 13 tuổi - vùng vằng: “Nếu má không chia tay ba, tui ở với ngoại luôn, không về nhà nữa. Ổng đánh má, có ngày tui đánh ổng”.

“Ba buông mẹ ra, đừng đánh mẹ”

Quăng cái remote ti vi xuống đất, N.M.A. - 13 tuổi, ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang - hét lên với mẹ mình rồi lấy xe đạp chạy đi thật nhanh, bỏ ngoài tai lời kêu đau đớn: “M.A. ơi, đừng giận má, má vì con mà”. 

Không ngờ, N.M.A. bỏ nhà đi 3 ngày không về. Chị T.T.H. tá hỏa chạy tìm con. May mà thằng bé chỉ chạy về nhà ngoại ở gần chợ Thiên Hộ Dương, cách nhà gần 10km. Bị mẹ lôi về, M.A. nói: “Nếu má không chia tay ba, tui ở với ngoại luôn, không về nhà nữa. Ổng đánh má, có ngày tui đánh ổng”.

Bà N.T.T. ngụ huyện Hóc Môn gửi để cầu cứu Báo Phụ nữ TPHCM can thiệp cho con gái bị chồng đánh với hàng loạt chấn thương cơ thể nhưng ngay khi phóng viên vào cuộc thì bà xin rút đơn vì: “Tụi nó hòa giải xong rồi. Xin đừng lên báo, tội nghiệp 2 đứa nhỏ thấy cha nó bị lên báo”
Bà N.T.T. ngụ huyện Hóc Môn gửi để cầu cứu Báo Phụ nữ TPHCM can thiệp cho con gái bị chồng đánh với hàng loạt chấn thương cơ thể nhưng ngay khi phóng viên vào cuộc thì bà xin rút đơn vì: “Tụi nó hòa giải xong rồi. Xin đừng lên báo, tội nghiệp 2 đứa nhỏ thấy cha nó bị lên báo”

Chị Võ Thị Hồng Thư - hàng xóm của chị T.T.H. - kể: “Từ đầu tháng Ba đến giờ, chị T.T.H. đã 3 lần bị chồng đánh. Chồng chị H. làm bên xây dựng, ham nhậu, xỉn vô là về đánh vợ, mắng con. Lâu lâu, H. ra khỏi nhà với nhiều vết bầm ở tay, chân, mặt, mũi. Người không quen hỏi thì H. nói bị té, người biết chuyện thì kêu ly hôn nhưng H. không nghe. Cổ cứ nói ráng vì con”.

Chị H. và anh N.T.P. kết hôn 14 năm, có 2 con (1 trai, 1 gái). Ban đầu, thu nhập do một mình anh P. gánh, chị H. chỉ ở nhà nội trợ. Khi con đi học, chị H. bắt đầu đi giúp việc cho các chủ vườn gần nhà, thu nhập có khi 10 triệu đồng/tháng. Từ lúc thấy vợ có việc làm, thu nhập, anh P. không đưa tiền cho vợ nữa mà bắt đầu tụ tập ăn nhậu với bạn bè nhiều hơn. Mỗi lần say về, anh lại kiếm cớ gây gổ, đánh đập. Bị chồng đánh, chửi triền miên nhưng chị chưa bao giờ dám tố cáo chồng. Chị nói “vì con” nhưng hàng xóm thường xuyên chứng kiến cảnh con chị gào khóc ngăn cha đánh mẹ và khuyên mẹ ly hôn. 

Chị Thư kể: “Có mấy lần, thấy H. bị đánh, tôi và 1 chị hàng xóm nóng ruột, ra xã tố cáo, ai dè khi công an vô, H. nói không phải bị đánh mà bị té. Giận quá, từ đó, tụi tôi không can thiệp nữa”.

Trước đây, chị Thư cũng từng “ráng vì con”, chịu cảnh chồng có bồ, về gây chuyện đánh, chửi nhưng nhờ lời khuyên của gia đình, lối xóm và công an xã mà thoát khỏi địa ngục hôn nhân, nuôi dạy 2 con trưởng thành. “Nhìn cảnh H., tôi thấy đau lòng quá. Nhiều người cứ vậy, viện cớ vì con” - chị Thư lắc đầu.

Mới đây, Lưu Thị Huyền Trang - 23 tuổi, ở xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương - đã hoảng loạn ném con 4 tháng tuổi từ trên gác xuống nền nhà khi bị chồng bạo hành. Do bị chồng đánh, đôi mắt của Trang bị tổn thương nặng, có nguy cơ mù màu.

Huyền Trang và Lê Văn Sang (33 tuổi) sống như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, chưa làm đám cưới, có với nhau 3 đứa con. Theo lời kể của Trang, do cuộc sống khó khăn, mấy năm qua, cô thường xuyên bị chồng đánh. Tối 13/3, đứa con 4 tháng tuổi đã xuất viện, về phòng trọ. Để bảo vệ các con, cô sẽ không cho Sang ở chung nhà. Theo cô, sau vụ việc, được nhiều người can thiệp, phân giải, hỗ trợ, cô nhận ra rằng, cuộc chung sống với Sang khó tiếp diễn bởi cô luôn cảm thấy bất an, sợ bị đánh. 

Trang kể, nhiều lần, khi cô bị Sang đánh đập, 2 đứa con lớn gào thét, la ó, chạy khắp nhà trọ kêu khóc hoặc xin người khác can ngăn cha mình: “Nhiều lần, thấy anh Sang đánh em quá, bé lớn nhào vô đánh lại ảnh, kéo ảnh ra, kêu “buông mẹ ra, ba buông mẹ ra, đừng đánh mẹ”. Nếu cứ sống trong tình trạng này, các con em sẽ chịu nhiều tổn thương tâm lý”.

Trẻ sẽ bị ám ảnh suốt đời

K.Y. - 14 tuổi, quê ở tỉnh Ninh Thuận - được gửi vào trường nội trú chuyên đào tạo, cảm hóa học sinh cá biệt ở TPHCM trong tình trạng những vết thương do tự rạch da trên cánh tay chưa lành hẳn. Các giáo viên phải mất gần 6 tuần để trò chuyện, giúp cô học trò này trải lòng, kể về bi kịch đời mình.

K.Y. sinh ra trong một gia đình làm nghề biển, có kinh tế khá giả ở tỉnh Ninh Thuận. Cô kể: “Hồi còn ở chung, ba mẹ em cãi nhau, đánh nhau suốt nên em rất chán nản mỗi khi ở nhà. Ba mẹ ly hôn, em về Cà Ná ở với nhà ngoại, còn mẹ vào TPHCM. Hồi đó em trốn học, đi chơi suốt. Nhiều đứa bạn em cũng có gia đình lục đục như em. Em cũng không hiểu sao mình lại thích rạch tay cho chảy máu, để lại sẹo. Rạch hoài thành quen, không thấy đau nữa”.

Ông Đặng Lê Anh - chuyên gia tâm lý trị liệu và chữa lành, có nhiều năm gắn bó với công tác giáo dục trẻ đặc biệt - cho hay, tự gây tổn thương về thể xác là một biểu hiện bất ổn tâm lý của đứa trẻ. Những đứa trẻ chứng kiến bạo lực nhiều thường có xu hướng này. Ngoài ra, những đứa trẻ sống trong các gia đình có tình trạng bạo lực còn có xu hướng hung hãn, thích hành hung người khác.

“Cũng có em tâm sự với tôi rằng, sau này, em sẽ không lấy vợ do ám ảnh cuộc hôn nhân đầy bạo lực của cha mẹ mình. Hiện giờ, cũng có không ít người phải điều trị tâm lý do mấy chục năm trước, họ thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ mình đánh nhau, cãi nhau” - ông Đặng Lê Anh nói.

Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn - chuyên gia tội phạm học - cũng cho biết, ông từng thực hiện một cuộc khảo sát ở một số cơ sở giáo dưỡng, với kết quả: phần lớn trẻ vị thành niên phạm tội sống trong các gia đình không hạnh phúc, cha mẹ ly thân, ly hôn.

Ông đúc kết: “Hoàn cảnh gia đình tác động rất lớn đến việc hình thành nhân cách của trẻ. Một đứa trẻ thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ đánh nhau, cãi nhau sẽ chịu ảnh hưởng bởi cách sống và ứng xử như vậy. Thay vì giải quyết mâu thuẫn bằng giao tiếp hiệu quả, chúng bắt chước cha mẹ, giải quyết bằng bạo lực”. 

3 lần kêu cứu, 4 lần xin rút đơn

Giữa đêm cuối tháng 2/2023, điện thoại Đường dây khẩn của Báo Phụ nữ TPHCM (0913 15 93 15) đổ dồn. Đầu dây bên kia là giọng cầu cứu quen thuộc của T.M. (TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng). Lần này, chị gọi để xin rút đơn tố cáo chồng về hành vi đánh vợ bầm mắt, cầm dao dọa giết do chị phát hiện mình có thai; nếu tố cáo, chồng bị xử lý thì 3 đứa con chị sẽ khổ.

Ảnh chụp màn hình tin nhắn xin lỗi của chị T.M. với phóng viên trực Đường dây khẩn của Báo Phụ nữ TPHCM vì xin rút đơn tố cáo chồng cầm dao dọa giết vào tháng 12/2022
Ảnh chụp màn hình tin nhắn xin lỗi của chị T.M. với phóng viên trực Đường dây khẩn của Báo Phụ nữ TPHCM vì xin rút đơn tố cáo chồng cầm dao dọa giết vào tháng 12/2022

Trong gần 2 năm qua, ngoài gọi hàng chục cuộc điện thoại, chị T.M. còn gửi 3 đơn tố cáo đến Đường dây khẩn với đầy đủ hình ảnh, clip chứng minh mình bị chồng bạo hành, có cả clip ghi cảnh chồng đánh mình trước mặt 2 con (8 và 10 tuổi). Thế nhưng, mỗi lần gửi đơn xong, chị lại gọi điện thoại năn nỉ xin rút đơn vì chồng năn nỉ, chồng hối hận hoặc bản thân ngại việc gia đình bị đăng lên báo.

Đường dây khẩn của Báo Phụ nữ TPHCM nhận được khoảng 1.000 cuộc gọi và tin nhắn của bạn đọc mỗi năm, phần nhiều phản ánh chuyện hôn nhân, gia đình. Nhiều nạn nhân gửi đơn tố cáo hành vi bạo lực gia đình nhưng sau đó xin được rút đơn để “giữ cho nhà êm chuyện”.

1 năm, gần 2.000 vụ xâm hại trẻ

Trong năm 2022, cả nước phát hiện 1.834 vụ xâm hại trẻ em (giảm 80 vụ, tương đương 4,18%) với 1.909 nạn nhân (giảm 78 trẻ, tương đương 3,9%), trong đó có 1.566 vụ xâm hại tình dục. Tuy số vụ xâm hại trẻ em giảm nhưng số vụ xâm hại tình dục trẻ em lại tăng 23 vụ, số vụ bạo lực trẻ em giảm (128 vụ so với 206 vụ, 253 đối tượng so với 437 đối tượng gây bạo lực, 128 trẻ so với 233 trẻ là nạn nhân) nhưng hành hạ trẻ em lại tăng 3 vụ so với năm 2021. Đa số các vụ xâm hại trẻ em là do người thân của trẻ gây ra.

Năm 2022, Tổng đài 111 can thiệp 888 ca trẻ em bị bạo lực, chiếm 56,89% trong tổng số ca hỗ trợ, cao hơn cùng kỳ năm 2021 hơn 7%. Trong tháng 1/2023, Tổng đài 111 tiếp nhận, can thiệp 99 ca, trong đó có 61 trường hợp trẻ bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực, chiếm 61,62% trên tổng số các vụ việc. 

Nguồn: Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội)

Chưa bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ

Trong quá trình làm công tác bảo vệ trẻ em, chúng tôi gặp một số cản trở. Có những vụ việc, một số cơ quan, tổ chức vẫn chưa “bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan đến trẻ em” theo nguyên tắc thực hiện quyền trẻ em, rõ nhất là việc không đảm bảo các quyền riêng tư của trẻ em. Nhận thức pháp luật còn hạn chế của một bộ phận người dân cũng gây trở ngại trong việc tiếp cận, phối hợp xử lý các vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em. Một số gia đình có tư tưởng né tránh, ngại phối hợp, nhất là khi đối tượng bạo hành, xâm hại trẻ em là người thân, quen trong gia đình. 

Do đó, để từng bước cải thiện thực trạng này, cần tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân (bao gồm cả trẻ em và người lớn) về các vấn đề có liên quan đến bạo hành, xâm hại trẻ em. Đồng thời phải nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của ban điều hành khu phố, tổ dân phố, ban quản trị các chung cư để kịp thời phát hiện và phối hợp xử lý các vụ việc này.

Ông Phạm Đình Nghinh - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI