Bạo lực gia đình: Ám ảnh đến hoảng loạn

25/12/2014 - 09:14

PNO - PN - Không còn là chuyện của ai khác, những vị khách mời, diễn giả đã kể câu chuyện bạo lực gia đình (BLGĐ) của chính bản thân để minh họa cho tham luận tại tọa đàm “Phòng chống bạo lực - Thực trạng và giải pháp” do Hội LHPN...

edf40wrjww2tblPage:Content

Bao luc gia dinh: Am anh den hoang loan

Chị Kiều Trinh không kìm được nước mắt khi nhớ chuyện bị mẹ đánh

NHỮNG GIẤC MƠ KHỦNG KHIẾP

Với vẻ ngoài xinh đẹp, nhẹ nhàng, ít ai ngờ chị Lê Thị Kiều Trinh (Q.3) từng trải qua quá trình bị bạo hành khủng khiếp từ chính mẹ ruột. Chị bật khóc khi vừa mở lời: “Hồi nhỏ tôi liên tục bị mẹ đánh rất nặng, làm gì trái ý bà, liền bị đánh. Có lần, heo phá chuồng, mẹ cũng đánh đòn tôi, rồi đi chăn vịt về mà thiếu mất một con, tôi cũng bị đánh tới tấp. Dù đã hơn hai mươi năm trôi qua, tôi vẫn còn nhớ như in cảnh mẹ tôi bưng nồi cơm bằng gang phang thẳng vào đầu tôi chỉ vì cơm bị khê. Thậm chí, có lúc mẹ tôi còn cầm búa bửa củi để phang, may mà tôi chạy kịp. Năm 19 tuổi, tôi vẫn còn bị mẹ đánh. Sau đó tôi qua Nga lao động. Ba năm sau trở về, tôi vẫn tiếp tục bị mẹ đánh. Mẹ còn treo tôi lên xà nhà để đánh một cách không thương tiếc. Bây giờ, mẹ đã mất nhưng trong những giấc mơ, tôi thường thấy cảnh bị mẹ đánh, tỉnh dậy mà nước mắt giàn giụa”.

Chị Nguyễn Thị Bích Thủy (Q.Gò Vấp) khá khó nhọc khi chia sẻ với mọi người, bởi trước đây, chị bị chồng dùng gót chân đạp thẳng vào cổ, khiến họng chị bị ảnh hưởng nặng: “Tôi kể những chuyện này ra, chắc ít ai tin. Chồng tôi nhậu vô là đánh tôi. Có lúc lấy cây tầm vông quất ngang lưng khiến tôi bị tiểu ra máu, đến bệnh viện mới biết mình suýt mất mạng. Có lần ông ấy còn rượt tôi tới cùng trong vườn chuối, khiến tôi bị té, đinh găm vào người. Tôi bị đánh đến mức hoảng loạn, phát điên, suốt một thời gian dài, tôi cởi hết quần áo chạy ngoài đường, cứ thấy ai mặc đồ màu đỏ là rượt đánh. Hơn một năm nay, tôi tỉnh trở lại, đưa bốn đứa con và vác bụng bầu trốn khỏi nhà. Giờ đây, thoát khỏi cảnh BLGĐ, tôi tham gia tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ cho nhiều người”.

Tương tự chị Thủy, chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (Q.Phú Nhuận) bị chồng đánh nhiều phen suýt chết. Ông chồng nát rượu cứ bắt vợ đưa tiền để tiêu xài, không có là ăn đòn. Cuộc tháo chạy của chị và các con giúp chị thoát khỏi người chồng bạo lực. Chị đau xót kể: “Các con tôi chứng kiến cảnh cha đánh mẹ nên rất sợ, đứa nào cũng bị chứng vừa ngủ vừa giật mình. Bây giờ, tôi cũng chưa thực sự ngủ ngon, bởi cứ chìm vào giấc ngủ lại mơ thấy cảnh bị chồng đánh, lại choàng tỉnh và sợ hãi vô cùng”.

Bà Nguyễn Thanh Nhã, Phó trưởng phòng Văn hóa - gia đình, Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM bộc bạch: “Nói đâu cho xa, chính bản thân tôi cũng bị bạo hành nhiều phen từ mẹ mình. Trên gương mặt của tôi vẫn còn sẹo do bị mẹ ném thẳng hũ chao vào mặt. Có lúc mẹ còn cầm dao phay đuổi tôi, chạy hết xiết, tôi đứng lại, bảo: mẹ muốn chém thì chém đi. Cả sáu anh em chúng tôi đều bị mẹ đánh rất nặng tay”.

Điều đáng nói là các nạn nhân BLGĐ bị di chứng tâm lý. Bà Nhã thừa nhận, có lúc bà cũng… giống mẹ mình, hay quát mắng, thậm chí đánh con, nhưng sau đó tự điều chỉnh. Chị Lê Thị Kiều Trinh cũng vậy. Chị chua chát kể rằng, đôi lúc mình cũng có thái độ gay gắt, đánh con trong cơn thịnh nộ, giống hệt như mẹ mình ngày xưa. Chị kể câu chuyện khiến cả khán phòng lặng đi: “Có lần tôi tắm cho con trai. Tôi pha nước nóng hơi nhiều mà không biết. Con tôi nhất định không ngồi vào thau nước vì sợ nóng. Vậy mà tôi đã múc gáo nước nóng xối lên người con, khiến con khóc thét, đỏ hết thân thể. Hành động đó đã thức tỉnh tôi. Tôi sợ bản thân và tìm cách điều chỉnh”.

Bao luc gia dinh: Am anh den hoang loan

“ĐÒN GIÓ” THÌ KHÔNG ĂN THUA

Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM nhận định: “BLGĐ diễn ra khá phổ biến, gây bức xúc cho xã hội, rất cần các cá nhân, tổ chức chung tay hành động ngay để đẩy lùi tình trạng này. Thời nay, vẫn có nhiều người cứ tưởng cha mẹ được quyền đánh con; chồng được quyền đánh vợ mà không nghĩ đó là bạo hành”. Nhưng tại sao nạn BLGĐ vẫn tồn tại tràn lan như vậy? Bà Nguyễn Thanh Nhã lý giải: “Đơn giản, thói chồng chúa vợ tôi đã tồn tại hàng ngàn năm nay, nhưng chỉ từ năm 1991, những cơ quan hữu quan mới thực sự nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc và bắt tay thực hiện việc đẩy lùi. Kết quả hình thành của hàng ngàn năm không thể tẩy sạch chỉ sau hơn 20 năm được”.

Tuy nhiên, các đại biểu (bao gồm đại diện Hội LHPN 24 quận, huyện, Công an TP, chuyên viên tâm lý…) đồng thuận rằng, những biện pháp ngăn chặn BLGĐ chủ yếu vẫn còn nghiêng về tuyên truyền, chưa xử lý rốt ráo do luật chưa chặt, chế tài chưa đủ răn đe. Bà Thanh Nhã ví cách làm hiện nay như “đòn gió”.

Ông Nguyễn Quốc Cường (Q.Phú Nhuận) là một trong những người tỏ rõ bức xúc khi tham gia tọa đàm. Ông góp ý: “Tôi là tổ trưởng tổ dân phố, bản thân rất bức xúc mỗi lần chứng kiến nạn BLGĐ. Có lần, thấy ông chồng xách búa đuổi vợ, tôi đã xông vào giữa để cứng rắn can ngăn. Hành động này hơi nguy hiểm, nhưng cá nhân tôi cho rằng, nhiều khi, không thể lấy sự mềm mỏng để giải quyết bạo lực. Những ông chồng có máu bạo lực cũng nguy hiểm đối với người thân và xã hội chẳng kém người nghiện ma túy. Tôi đề xuất những giải pháp cứng rắn hơn, nếu cần thì phải quản thúc cả những người đánh vợ đánh con”.

ThS tâm lý Đào Lê Hòa An, Trung tâm chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt phân tích: “Tuyên truyền về luật là cần thiết, nhưng nắm luật là một chuyện, người đó có chịu tuân theo luật hay không lại là chuyện khác, giống như chuyện ai cũng biết vượt đèn đỏ là sai phạm nhưng vẫn có người vượt đèn đỏ. Mỗi người dân cần được nắm rõ về hình ảnh BLGĐ, để ngán ngại và sợ chuyện đó xảy ra thì mới hạn chế được vấn nạn này. Ngoài ra, bất bình đẳng là cái gốc của BLGĐ. Một thống kê mới đây cho thấy, có đến 27% phụ nữ cho rằng, vợ thì nhất thiết phải nghe lời chồng trong mọi trường hợp. Với những phụ nữ này, không loại trừ việc họ xem chuyện bị chồng đánh là… đương nhiên”.

ThS Hòa An cũng cho rằng, cần phải giúp phụ nữ và trẻ em biết quyền của mình, nếu chồng/cha/mẹ đánh đập là vi phạm pháp luật. Nhiều người bảo rượu bia là nguyên nhân, chỉ khi uống say thì đàn ông mới đánh đập vợ con. Nhưng không phải vậy, nếu rượu bia là nguyên nhân, thì tại sao khi say, những người đàn ông đó không đánh sếp hay những người có uy lực khác mà tìm vợ con để đánh? Một phần của việc phụ nữ và trẻ em bị bạo hành là do họ có vẻ thỏa hiệp, xem điều đó như lẽ “tự nhiên”.

Bà Nguyễn Thanh Nhã nhấn mạnh: “Truyền thông ở ta đang khá hời hợt. Cần phải đi sâu tuyên truyền để người dân xóa bỏ tư tưởng cổ hủ. Quan điểm “thương cho roi cho vọt” cần phải loại bỏ ngay. Một đứa trẻ sống trong bạo lực sẽ hình thành nhân cách có tính bạo lực, như cá nhân tôi cũng từng bị như vậy. Nhiều chị em bạo hành với con trong vô thức mà không biết. Cần phải nhận thức lại để loại trừ bạo lực, chứ luật pháp có hoàn thiện đến mấy cũng chỉ có tác dụng răn đe, không thể giải quyết được cái gốc của vấn đề. Chúng ta cần thay đổi cách tuyên truyền. Thay vì tuyên truyền chung chung theo diện rộng như trước đây, cán bộ tuyên truyền cần tiếp cận những nhóm cộng đồng nhỏ hơn. Thực tại cho thấy, nhiều ca BLGĐ bị giấu nhẹm vì đoàn thể, chính quyền địa phương sợ mất thành tích tập thể. Chúng ta cũng cần quyết liệt thay đổi vấn đề này”.

Có mặt tại buổi tọa đàm, Thượng tá Phan Đức Tuấn, Phó trưởng phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc - PV 28, Công an TP.HCM cho biết: “Nhận thức kém là nguyên nhân hàng đầu gây nên BLGĐ. Ngoài ra, vấn đề kinh tế cũng có tác động. Nếu ai cũng có việc làm, cuộc sống khấm khá, phấn khởi, sẽ loại trừ được xung đột vợ - chồng, cha mẹ - con cái. Vì vậy, nâng cao dân trí, thúc đẩy an sinh xã hội để cuộc sống mỗi gia đình khấm khá hơn cũng sẽ hạn chế đáng kể nạn BLGĐ”.

Nhiều đại biểu đồng thuận rằng, phòng và chống BLGĐ, cốt lõi vẫn là tinh thần tự giác. Mỗi người cần ý thức rõ, BLGĐ là vi phạm pháp luật để chủ động phòng và tránh, chứ trông chờ vào công an, chính quyền giải quyết từng vụ việc cụ thể sẽ không hiệu quả. Vì vậy, chung quy, công tác tuyên truyền cần phải đẩy mạnh hơn nữa để mang lại hiệu quả cao hơn.

 TRẦN TRIỀU

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI