Bạo lực chiều nào, với ai cũng là… “vùng cấm”

08/12/2023 - 06:11

PNO - Vụ cô giáo ở Tuyên Quang bị nhóm học sinh cấp II nhốt trong phòng, chửi bới, ném dép đến ngất xỉu đang gây bàng hoàng dư luận. Học trò tinh nghịch, hồn nhiên, đáng yêu là thế nhưng cũng có khi vào vai “hung thần”, làm thương tổn giá trị “tôn sư trọng đạo”.

Điều đáng nói là các em “ra đòn” với cả cô giáo - người mẹ thứ hai ở trường, người lái đò đưa các em đến bến bờ tri thức và nhân cách. Vì đâu nên nỗi? Theo tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền (chuyên gia cố vấn giáo dục phổ thông), clip không chuyển tải tất cả sự thật và chúng ta không nên vội đổ lỗi hay có cái nhìn ảm đạm về thế hệ mầm xanh mà mình đang “gieo trồng”.

Phóng viên: Không ít người cho rằng do cải cách giáo dục ngày nay, xem học sinh là trung tâm, không cho phép giáo viên trừng phạt nghiêm khắc trẻ đã làm giảm uy thế của người thầy, dẫn đến học sinh tấn công ngay cả thầy cô - vốn được xem là “vùng cấm”, cùng với ông bà, cha mẹ?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền: Cần khẳng định ngay rằng việc học sinh tấn công thầy cô giáo là hoàn toàn sai, nhưng ngược lại - thầy cô dùng bạo lực với học sinh cũng sai nốt. Ngày xưa không có mạng xã hội nên chúng ta khó biết những câu chuyện ngoài phạm vi làng xã của mình. Không có cơ sở để khẳng định ngày nay trò bạo lực với thầy cô còn ngày xưa thì không. Thời học phổ thông, tôi cũng từng chứng kiến một số học sinh có lời nói, hành vi hỗn xược với thầy cô, kể cả chặn đường gây hấn, hủy hoại tài sản rồi đến nhà thầy cô đập phá, ném đồ… Chuyện cô giáo khẻ tay cả lớp, rồi học trò trả đũa bằng cách giấu đồ của thầy cô không phải không có.

Nói thế không có nghĩa tôi đang “giải thích” rằng đó là chuyện thường ngày, chuyện bình thường. Đã là bạo lực thì luôn là “vùng cấm”. Nhưng trong khi nhiều người đến nay vẫn chỉ phẫn nộ khi trẻ tấn công thầy cô còn thầy cô đánh trẻ lại được xem là điều hẳn nhiên, kiểu “không đánh sao mà dạy?”. Điều đó hoàn toàn phi lý. Học trò có hành động, thái độ láo xược với thầy cô thì thầy cô cũng phải đối xử với trò như vậy sao?

Củng cố vị thế của thầy cô không nên bằng bạo lực. Ai cũng vận dụng hành vi bạo lực thì ai sẽ là người làm gương? Thỏa hiệp với việc thầy cô có thể áp dụng bạo lực, dọa nạt, trừng phạt, sỉ nhục trẻ sẽ khiến cho tình hình còn tệ hại hơn chứ không nâng vị thế của người thầy và ngăn chặn bạo lực từ những đứa trẻ.

* Khi trẻ có những hành xử thái quá, cộng đồng quy về cha mẹ chúng không dạy chúng đầy đủ. Luồng dư luận khác đổ trách nhiệm cho nhà trường vì cho rằng “học sinh là sản phẩm của giáo dục”, hoặc đổ cho tiếp xúc môi trường mạng quá sớm... Nguyên nhân chính đến từ đâu, thưa bà? 

- Không thể đong đếm, quy ra bao nhiêu phần trăm là thuộc trách nhiệm của ai để đưa đến việc trẻ có hành động thiếu kiểm soát. Tất cả chỉ có tính chất tham khảo, chỉ thể hiện quan điểm chứ không có giá trị về mặt khoa học. Cha mẹ sinh con ra, cha mẹ phải có trách nhiệm giáo dục con đầu tiên và bên cạnh đó chắc chắn phải có trách nhiệm của nhà trường, của xã hội nói chung. Trẻ em học từ người lớn quanh mình, tiếp nhận những thứ độc hại thì tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến ngôn từ và cách hành xử của trẻ. 

Chiến sĩ Trung đoàn Cảnh sát Cơ động, Công an TP Hà Nội tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em tại Trường tiểu học Phương Liệt (quận Thanh Xuân, Hà Nội) - Nguồn ảnh: Tổ Quốc
Chiến sĩ Trung đoàn Cảnh sát Cơ động, Công an TP Hà Nội tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em tại Trường tiểu học Phương Liệt (quận Thanh Xuân, Hà Nội) - Nguồn ảnh: Tổ Quốc

Giá trị cốt lõi trong mối quan hệ là sự tôn trọng nhau, bất kể đó là vị trí nào, bất kể người đó có mặt hay vắng mặt. Muốn đứa trẻ kính trọng người lớn thì trước hết người lớn phải tôn trọng trẻ. Người lớn là hình mẫu để các con học được thái độ, ngôn từ, hành vi… Tôi từng thấy một giáo viên vì nóng giận mà ném cuốn sách vào học trò, mọi việc nhẹ nhàng hơn khi giáo viên đó đã xin lỗi vì mình mất bình tĩnh, bực tức, dẫn đến cư xử không đúng, thiếu văn hóa, thiếu tôn trọng người khác (dù người khác ấy chỉ là những đứa trẻ). 

* Clip thể hiện rõ hành vi học sinh tấn công, xúc phạm cô giáo. Vì sao bà cho rằng clip không chuyển tải hết sự thật? Phần chìm của “tảng băng trôi” là gì, thưa bà? 

- Tôi, và tôi tin tất cả chúng ta đều khẳng định hành động của các em là không đúng. Nhưng để biết nguyên nhân sâu xa của vấn đề, phải có sự đối thoại với từng học sinh, đối thoại với giáo viên và nhìn nhận khách quan, toàn diện. Chắc chắn một điều, sự việc mà ta có thể tai nghe mắt thấy đó là kết quả của một quá trình tích lũy về sự xung đột và đổ vỡ trong mối quan hệ thầy trò. Khoan phán xét rằng những đứa trẻ hỗn hào, bất trị.

Nhiều người ngại đặt ra những câu hỏi từ góc độ nạn nhân (trực tiếp) nhưng né tránh thì không thể tìm ra gốc rễ vấn đề và cải thiện tình hình. Những câu hỏi cần đặt ra là tại sao có quá nhiều học sinh cùng chửi bới, tấn công cô giáo? Có phải tất cả giáo viên ở trường này đều bị học sinh đối xử như vậy không? Hành động của các học sinh hoàn toàn là a dua theo đám đông hay có những mâu thuẫn nội tại tích tụ, giờ có cơ hội thì bộc lộ? Bối cảnh gia đình của các em này là gì? Tìm hiểu, phân tích không phải để trách mà để xác định những chỗ thiếu hụt, những gì cần thay đổi, những ai phải thay đổi. Các học sinh cần thay đổi là đương nhiên, nhưng liệu cô giáo có cần thay đổi gì không, môi trường giáo dục có cần thay đổi gì không?

* Nếu phụ huynh nhìn thấy con mình góp mặt trong clip bạo lực học đường - tấn công thầy cô thì phải làm sao vượt qua được tâm lý hoang mang, bế tắc trên hành trình nuôi dạy con cái?  

- Phụ huynh cần những cuộc đối thoại để xây dựng lại mối quan hệ giữa con và mình. Cần tự hỏi mình có đủ quan tâm con cái chưa, có là một nơi tin cậy để con dám bộc bạch tâm sự những vấn đề con gặp phải ở trường học? Mình có giúp đỡ và hỗ trợ con xử lý, giải tỏa những vướng mắc với bạn, với thầy cô, với chuyện học hành, rèn luyện? Mình có gắn bó, tạo dựng mối quan hệ tích cực với con chưa?

Chuyên gia tâm lý mách nước: phụ huynh cần tận dụng 3 phút lúc mới đón con đi học về, khi đó con sẽ kể ngay những thông tin nhớ được - ẢNH: TAM NGUYÊN
Chuyên gia tâm lý mách nước: phụ huynh cần tận dụng 3 phút lúc mới đón con đi học về, khi đó con sẽ kể ngay những thông tin nhớ được - Ảnh: Tam Nguyên

Thay vì trách mắng, thất vọng với con, phụ huynh cũng nên xem lại vai trò đồng hành của mình đã tốt hay là để con bơ vơ trong những hoang mang, mất phương hướng, dẫn đến những lời nói, hành vi tiêu cực. Nếu chỉ nhìn vào hành vi của con mà không quan tâm đến nguyên nhân và quá trình thì sẽ dễ hoang mang, bế tắc.

* Tiến sĩ có khuyến cáo gì trong việc áp dụng kỷ luật tích cực khi xử lý vấn đề bạo lực có chủ thể là học sinh?

- Điều quan trọng đầu tiên là bồi đắp những thiếu hụt về kỹ năng, xử lý, ứng xử của thầy cô giáo. Nếu có gặp khó khăn, giáo viên nên xin ý kiến ban giám hiệu về cách xử lý. Thứ hai, nhà trường phải có chính sách về đánh giá nguy cơ. Tức là phải xử lý từ lúc xung đột còn nhỏ chứ không phải chờ đến độ “giọt nước tràn ly”. Ngăn ngừa bạo lực rất quan trọng, ngay khi các cá thể mới gườm gườm nhau, nhà trường đã phải để mắt rồi. Nhà trường cần hướng dẫn học sinh về cách ứng xử, quy trình xử lý khi gặp vấn đề.

Ví dụ khi học sinh chia sẻ với giáo viên bộ môn mà không tìm được tiếng nói chung hay nhận lại hành vi không phù hợp thì có thể trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, nếu vẫn không hài lòng thì gặp phó hiệu trưởng hoặc lên thẳng phòng hiệu trưởng. Học sinh, giáo viên được hướng dẫn từ chính sách xử lý hành vi cho đến chính sách về tuyên truyền, giảng dạy, các nội dung về phòng, chống bạo lực học đường. Học sinh cũng được trang bị đầy đủ kiến thức về thế nào gọi là bạo lực và hậu quả của hành vi bạo lực. 

Các em phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình và chấp nhận hàng loạt hình thức kỷ luật tùy mức độ: thừa nhận lỗi sai trước lớp, bị đình chỉ học một vài tuần, nhận phần nhiệm vụ ở nhà như đọc lại sách về giáo dục rồi viết bài thu hoạch hoặc thuyết trình, cấm túc khi trở lại trường, bị cắt giảm giờ chơi, làm bài tập suy ngẫm, xem xét lại mình…

Nhà trường nên hướng dẫn và báo cáo cập nhật tiến trình giải quyết cho phụ huynh. Phụ huynh cần hợp tác chặt chẽ với nhà trường để uốn nắn các con, khi gặp khó khăn thì nhờ sự tư vấn, hỗ trợ của nhà trường.
Từng công tác trong ban giám hiệu, tôi đã tiếp rất nhiều học sinh ức chế về cách hành xử của thầy cô trước lớp. Có bạn vừa khóc vừa nói: “Con nhận lỗi sai của con, nhưng vấn đề là thái độ của cô giáo cũng không đúng. Cô không nói lời nào và cử chỉ, hành động rất gay gắt, xem thường con”.

Ở môi trường giáo dục cởi mở, dân chủ thì học sinh mới dám nói. Học sinh sẽ âm thầm tự giải quyết nếu hễ nói ra là phụ huynh, giáo viên, ban giám hiệu phán xét, đổ hết phần sai quấy cho học sinh. 
* Xin cảm ơn tiến sĩ. 

Tô Diệu Hiền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI