Bao lâu rồi thầy cô vẫn “oằn vai” một mình?

05/10/2020 - 10:38

PNO - Nếu một ngày nào đó, thầy cô bước lên bục giảng, vì cái vùng an toàn cho công việc và quyền lợi của mình mà không chỉnh sửa, cũng không màng đến la mắng uốn nắn, nói cho hết cái mình cần nói, làm cho hết phần việc của mình, liệu trường học sẽ đi về đâu?

Thông tư 28 về Điều lệ trường tiểu học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành có hiệu lực ngày 20/10 quy định giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh. 

Với tư cách là một giáo viên với gần hai mươi năm đứng trên bục giảng, tiếp xúc với hàng ngàn học sinh, tôi bỗng dưng ao ước. Ước gì những người làm luật về giáo dục hiểu cho thầy, cho trò chúng tôi. Có khi nào các vị đứng ở vị trí của người thầy, người trò để phê “chiếu chỉ” chưa? Hay chỉ là phiến diện, lấy một vài hiện tượng rồi kết luận cho toàn thể mà quên mất giáo dục - đặc biệt là giáo dục phổ thông là dạy người. Mà cái quan trọng nhất của dạy người là tôn trọng con người.

Các vị có tôn trọng, tin tưởng thầy cô - những người được trường sư phạm đào tạo có chuyên môn và nghiệp vụ để dạy trẻ không? Mỗi thầy cô, đã từng đứng lớp, có mấy ai không phải vì tình yêu con trẻ mà vững vàng cầm viên phấn trên bục giảng mỗi ngày?

Ảnh minh họa - Họa sĩ NOP
Ảnh minh họa - Họa sĩ NOP

Cái níu giữ người thầy từ xưa đến nay, còn có gì khác ngoài điều ấy? Vậy nên, sao không tập trung vào đổi mới nội dung phù hợp với thời đại từ các trường sư phạm, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ có chất lượng cho nhà giáo, nâng cao đời sống vật chất để họ toàn tâm toàn ý phục vụ cho nghề nghiệp, mà cấm và phạt? 

Ai là người thầy sẽ hiểu những trăn trở, thương yêu, tự hào, thậm chí đôi khi là đau khổ tuyệt vọng. Sĩ số lớp quá đông 40-50 em/lớp, mỗi em đều có cá tính riêng. Cảm xúc của thầy cô đôi khi có hơi quá một chút. Ví như nét mặt nghiêm lạnh, bắt phạt đứng nơi góc lớp, phê bình trước lớp, tôi cho đó là những cách thức để dạy trẻ.

Có cái dáng bonsai đẹp đẽ nào mà không phải dày công uốn nắn, không tỉa ngọn cắt cành không chảy nhựa rụng lá mà thành? Mắng la học sinh hay trách phạt chúng bằng một trái tim của người đã kinh qua trường đời, đã té ngã với nhiều vết xước thiết tha muốn chúng đừng vì nông nổi mà phải giẫm vào vết chân ngày xưa mình đã từng. Mắng la chúng bằng tình yêu thương với tâm thế mong “con hơn cha nhà có phúc”, xử phạt làm sao? 

Nếu một ngày nào đó, thầy cô bước lên bục giảng, vì cái vùng an toàn cho công việc và quyền lợi của mình mà không chỉnh sửa, cũng không màng đến la mắng uốn nắn, nói cho hết cái mình cần nói, làm cho hết phần việc của mình, liệu trường học sẽ đi về đâu? Thầy cô không chỉnh sửa, la mắng thì ai sẽ làm việc đó? Gia đình và cha mẹ phải không?

Đã và đang có bao nhiêu bậc sinh thành hiểu và đang làm tốt việc giáo dục con cùng với thầy cô? Dạy một đứa trẻ chưa bao giờ là việc nhẹ nhàng, gánh nặng ấy cần nhiều người cùng chung sức bằng một tình yêu và tinh thần trách nhiệm như một sứ mệnh. Đã bao lâu rồi ta chỉ để cho thầy cô “oằn vai” một mình? 

Thú thật, các vị ban hành luật trong giáo dục ít nhiều không hiểu trẻ hay không muốn nói quá coi thường trẻ con. Trẻ con thông minh và tuyệt vời hơn chúng ta tưởng. Các con còn hơn cả người lớn trong khả năng nhận ra đâu là tình cảm thật của người khác. Hãy hỏi một đứa trẻ về việc ai đó có yêu chúng không, sẽ nhận được câu trả lời gần như chính xác. 

Việc dùng đòn roi là không nên, trách phạt càng giảm thiểu càng tốt. Tất cả những thay đổi nếu cần luôn được hoan nghênh nhưng phải nghiên cứu thật kỹ. Nhất là ở ngành giáo dục. Bởi lẽ sai một ly chúng ta sẽ mất cả mấy chục năm thậm chí là trăm năm cho một cơ hội sửa chữa. 

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI