Bao lâu rồi bạn chưa chụp hình với cha?

02/04/2021 - 19:53

PNO - Hôm vừa rồi đi xem phim Bố già, có một chi tiết cứ trở đi trở lại trong tôi, đó là trò thách thức của cậu con trai tên Quắn: “Đã bao lâu rồi bạn chưa chụp hình với cha?”.

Khi tôi chưa ra đời, cha tôi làm nghề đưa thư cho hợp tác xã. Sau này tôi có dịp nghe bà con trong vùng kể lại, ông là một người rất trung thực, chịu khó. Cách ông yêu nghề, thương người cũng có một không hai. 

Mỗi lần có thư, ông phải tìm đúng tên người nhận đề trên thư, chủ nhân mà đi vắng thì ông sẽ trở lại bất kể bao nhiêu lượt, để trao tận tay.

Ông không bao giờ gửi qua họ hàng, chòm xóm hay người thân quen. Cha bảo, thời kỳ hậu chiến có nhiều thông tin quan trọng. Sự trở về, tìm đến của ai đó có thể là nỗi đau khổ hay niềm hạnh phúc rất to lớn của một người, một gia đình, cha không thể trao nhầm thư.

Cha tôi miệt mài làm người đưa thư suốt một thời gian dài. Đến lúc chị em tôi ra đời thì điều kiện thông tin liên lạc đã nâng cấp. Cha nghỉ việc, về làm nông dân. Chiếc xe đạp cùng cha rong ruổi ngày nào trở thành phương tiện để cha chở đậu, lúa, củi và đưa đón tôi đi học. 

Cha tôi hay hát. Ngày hai lượt chở tôi, ông đều hát những bài khác nhau. Cha hát rất to, tôi cảm tưởng mỗi khi ông hát thì vòng xe quay mạnh hơn và gương mặt ông rạng rỡ hơn. 

Để nuôi đàn con tuổi ăn tuổi lớn, cha cật lực lao động ngày đêm. Hết mùa, ai kêu gì làm nấy, giữa mùa thì ai vứt bỏ mảnh đất nào, dù đồng cao trũng thấp, cha đều nhận cày cuốc, gieo trồng.

Cha cũng ham chăn nuôi. Đến tận bây giờ, khi làng tôi đã theo chính sách dồn điền đổi thửa, diện tích ruộng tăng lên, đồng cỏ giảm xuống, rất hiếm người nuôi trâu bò thì nhà tôi vẫn giữ được đàn trâu mấy con làm vốn liếng.

Cha bảo, làm nông dân mà chỉ trồng không nuôi thì thất thế. Trồng chỉ đủ ăn, nuôi mới có dôi dư, phòng bị. Vì thế, bốn năm tôi theo học đại học, mỗi năm cha lại “gả” đi vài “em nghé” để trang trải. 

Còn nhớ, những trưa hè nắng đổ lửa, tứ bề bỏng rát như rang. Tôi đợi mãi chẳng nghe tiếng xe cha cọc cạch trở về. Mẹ bảo: “Cha mày đang tranh thủ giờ nghỉ để xách nước cho trâu tắm. Bò thiếu nước thì được, chứ trâu là giống lội, thiếu nước vài bữa nó gầy còn da bọc xương ngay”. 

Rồi những lần ngã bệnh, chỉ còn đủ sức húp cháo loãng, cha cũng gắng dậy xem cả nhà đang cho trâu ăn gì, chuồng trại đủ ấm chưa. Đang mùa heo may, cỏ cây khan hiếm, cha lại hối thúc mẹ và mấy chị em cắt thêm cây chuối, ủ rơm, trộn cám cho trâu ăn.

Cha ôm việc, lo nhiều đến nỗi tôi nổi bực. Hễ cha nhờ vả gì, tôi cũng ngúng nguẩy, cáu gắt. Sau này lớn lên, xa nhà, mỗi lần có dịp về, tôi lại ngồi giảng giải: Cha ơi, cha làm ơn lo cho sức khỏe, bớt bận bịu, bớt làm đi… 

Thực ra, tôi chỉ dựa vào cảm tính để nói, chứ đã quá lâu rồi cha có bao giờ kể điều gì khó khăn, mệt nhọc hay bận bịu đâu. Lần nào gọi về cũng nghe: “Cha khỏe, mẹ ổn. Con cần thêm gì không?”. Thậm chí, lần gần đây nhất, bị tôi phát hiện chuyện cha viêm đại tràng mà không điều trị, cha cũng nhẹ tênh: “Tầm này ai chả đau ốm, cha mày còn khỏe chán”…

Nếu cha chỉ kể điều vui, thì trong những cuộc điện thoại đường dài, phía tôi toàn chuyện khó. Nào con cái đau ốm, công việc mùa dịch khó khăn, áp lực cuộc sống và chi tiêu ở phố làm tôi kiệt sức… Vì tôi vô tâm nên luôn khiến cha ở đầu dây bên kia khó xử. 

Hôm vừa rồi đi xem phim Bố già, có một chi tiết cứ trở đi trở lại trong tôi, đó là trò thách thức của cậu con trai tên Quắn: “Đã bao lâu rồi bạn chưa chụp hình với cha?”. 

Lần này, về nhà, tôi tự nhủ sẽ chụp với cha một bức hình mà không cần chọn góc nghiêng thần thánh hay phần mềm để che khuyết điểm, tôi sẽ bắt trọn những sợi tóc bạc, những vết nhăn nheo gồ ghề, những đường gân khắc khổ của cha.

Dù hơi muộn, nhưng tôi sẽ học lại cách làm con, để kể cha nghe ngày ấy, trên con đường băng qua đồng lúa xanh rờn, không chỉ cha vui khi có con ngồi sau, mà con cũng dâng trào hạnh phúc. Tôi sẽ nói cha nghe rằng ông đã hát hay ra sao, cha là người cha tốt và tôi biết ơn ông đến thế nào… 

Diệu Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI