edf40wrjww2tblPage:Content
Trước nó không cười không khóc, giờ được vậy nghĩa là bệnh tiến triển phải không?”. Tôi khẽ gật đầu, và cảm nhận được niềm tin lóe lên từ đôi mắt đục ngầu, sâu hoắm do những đêm triền miên mất ngủ của bà. Bà là Nguyễn Thị Thủy, 68 tuổi, ngụ ấp Nhân Hòa, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Còn người con trai tên Tạ Thanh Hữu, 32 tuổi.
Bà Nguyễn Thị Thủy chăm sóc con trai
Ở đậu nhà mình
“Có lẽ người tính không bằng trời tính. Mọi sự đang yên lành thì đùng một cái, nó đổ bệnh, sống đời thực vật. Bao nhiêu thứ dở dang” - bà Thủy thả một giọng trầm buồn, mở đầu câu chuyện. Cái ngày “trời tính” ấy là một buổi sáng cách đây hơn ba năm, Hữu đi uống cà phê với bạn. Không dưng, có một người thanh niên nhầm lẫn anh với ai đó, bất ngờ cầm khúc cây to lao vào quán đánh anh tới tấp. Hậu quả, Hữu bị nứt sọ, tứ chi liệt cứng, tỷ lệ thương tật đến 95%. Ba tháng nằm viện, tốn kém mỗi ngày hơn ba triệu đồng, bà buộc lòng bán nhà để chạy chữa cho con. Tiền hết, bệnh không hết, bà đành đưa con về. May người mua nhà thương tình, cho hai mẹ con ở đậu trong chính ngôi nhà bà đã bán.
Hữu nằm một chỗ, vết thương cũ không lành nên toàn thân lở loét. Không tiền mời bác sĩ, bà Thủy tự mình chăm sóc con. Mua chiếc kéo y tế về, bà đánh liều cắt mấy chỗ thịt đã hoại tử trên người con, bỏ đến đâu, bôi thuốc đến đó. Ròng rã nửa năm trời, những vết loét mới lành lặn. Thức ăn của Hữu chỉ gồm sữa và nước, thương con, bà thường xuyên nhịn đói, dành tiền mua loại sữa tốt cho Hữu… Bà cứ nhắc lại mãi hai chứ “trời tính”, rồi chậm rãi: “Cách đây mấy tháng, tui ra tòa xin ly hôn cho Hữu. Con tui không thể làm chồng, không mang đến hạnh phúc được thì giải thoát cho người ta, để cô ấy còn lấy chồng. Mà nghĩ tội, thỉnh thoảng cô ấy có ghé thăm, cho tui ít tiền. Cổ vậy là trọn tình vẹn nghĩa với chúng tôi lắm rồi”.
Trong cái xóm nhỏ nhà bà, Hữu nổi tiếng là chàng trai hiền lành, chưa từng hiềm khích với ai. Trước ngày xảy ra sự việc, được gia đình hai bên chấp thuận, anh cùng người yêu đến ủy ban xin đăng ký kết hôn, ba tuần nữa thì cưới. Hôm nhận được tin dữ, vợ Hữu chết lặng, thẫn thờ suốt một thời gian dài, chăm sóc chồng suốt mấy tháng. Thương con dâu thiệt thòi, bà Thủy nói với cô: “Hai đứa con có duyên mà không có nợ, ai thương con cứ đến với họ”. Mới đây, người con dâu hụt ấy đã tìm được bến đậu, sau mấy năm mỏi mòn chờ đợi Hữu bình phục. “Tui cũng tính cho mình rồi. Cứ nghĩ Hữu cưới vợ xong, tui giao nhà cho hai đứa làm ăn, còn tui sẽ luân phiên ở nhờ nhà các con mỗi đứa dăm ba tháng. Ai ngờ!” - bà cười héo hắt.
Bà Thủy và con trai đến phiên xử phúc thẩm ở TAND tối cao tại TP.HCM để xin rút kháng cáo cách đây hai năm
Tha thứ và hy vọng
Hỏi về chuyện bồi thường, bà Thủy nói: “Đến giờ phía người ta không thấy ai qua thăm, cũng chẳng nói năng gì. Chắc gia đình họ cũng khó”. Câu nói đầy bao dung, nghĩ cho người khác của bà đưa tôi về với phiên xử cách đây hai năm ở Tòa phúc thẩm TAND tối cao TP.HCM. Sau khi cấp sơ thẩm tuyên án, không cam lòng, năm người con còn lại của bà giấu mẹ viết đơn kháng cáo, đòi tăng hình phạt đối với người thanh niên kia. Hôm ấy, bà Thủy cũng đến tòa, duy nhất một mục đích: xin rút lại kháng cáo của các con. Tôi và hẳn nhiều người dự khán đến giờ vẫn không thể quên một hình ảnh xúc động - điểm sáng của tình người: Hữu nằm trên chiếc ghế bố, thân hình teo tóp, một bên đầu lõm sâu với chằng chịt vết thương, hông đeo chiếc túi ni lông đựng chất thải; bà Thủy ngồi bên cạnh, tay liên hồi quạt cho con trai, vừa năn nỉ các con: “Cậu ấy đi tù đến 10 năm, ít ỏi gì đâu. Con em người ta cũng như con em mình, mình đau họ cũng đau. Hạn chế nỗi đau cho ai được chừng nào tốt chừng đó. Sống phải biết tha thứ, để mai này mình có va vấp, người sẽ bao dung lại”. Sự rộng lượng của bà đã chiến thắng nỗi đau khổ, thù hận của các con.
Sau cái ngày “trời tính”, bà Thủy sống bằng nghề ve chai. Các con đều nghèo khổ, không giúp được gì nhiều. Bà cũng chỉ mua bán quẩn quanh gần nhà vì vài ba tiếng phải về chăm con. Chị Lê Thị Hiền - Phó chủ tịch Hội PN huyện Trảng Bom cho biết: “Bà Thủy luôn được đưa vào diện ưu tiên mỗi khi địa phương có chương trình thăm, tặng quà từ thiện. Hữu cũng được nhận chế độ dành cho người tàn tật, nhưng tính ra chẳng thấm vào đâu so với cái ngặt nghèo của họ”. Thế nhưng, túng thiếu chưa hẳn là nỗi trăn trở của người mẹ. “Điều tui sợ nhất là ở nhà, con lên cơn co giật hay có chuyện gì xảy ra. Ngày nào về trễ, nhà cửa tối om, chỉ vài bước chân đi từ trên xuống chỗ con bật đèn mà tim tui đập mạnh, phập phồng lo. Khổ mấy, nếu ráng thì cũng sẽ qua, chỉ mong con được “ở” lại với tui mãi, để mẹ con còn nhìn thấy bóng dáng” - bà bật khóc.
Tiễn tôi ra về, bà Thủy nói: “Dẫu sao tui cũng tin có ngày con tui tỉnh dậy”. Bà chia sẻ, hôm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai nói không cứu được Hữu, nghe lời bác sĩ hướng dẫn, bà đã bắt xe ôm về TP.HCM, đến thẳng Đại học Phạm Ngọc Thạch gửi nuôi nắp hộp sọ của Hữu: “Mấy tháng nay, tui không có tiền đóng để nhờ họ nuôi nữa, trình bày hoàn cảnh, họ bảo cứ an tâm, khi nào muốn ghép thì báo. Tui vui và trông ngày đó lắm”. Tôi cay mắt. Ngàn đời, có người mẹ nào không mong mỏi, tin vào tương lai tốt đẹp cho con, dù chỉ là những hy vọng nhỏ nhoi. Với bà Thủy, chuyện biết khóc, cười của con là dấu hiệu để hy vọng.
TUYẾT DÂN
Bài 2: Tình cha