“Bão hụi” càn quét làng quê

14/08/2023 - 06:51

PNO - Liên tiếp các vụ vỡ hụi xảy ra khiến nhiều vùng quê ở tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh nhao nhác, hoang mang. Hàng ngàn người dân rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần.

Trông vào "tòa án" lương tâm

Xế chiều, vợ chồng bà Nguyễn Thị Minh - 68 tuổi, trú xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An - cùng nhau đi tìm bà Hoàng Thị Lam - 44 tuổi, ở cùng xã - với hy vọng xin lại được ít tiền đã đóng vào dây hụi do bà Lam làm chủ. Cửa sắt nhà bà Lam đã khóa, bà Minh áp mặt nhìn qua kẽ hở rồi bất lực gọi: “Lam ơi! Có ai ở nhà không?”. Mỗi tháng vợ chồng bà Minh nhận được gần 10 triệu đồng lương hưu, bà chi tiêu chắt bóp, dành ra 5 triệu đồng góp vào dây hụi do bà Lam làm chủ. Góp được hơn 1 năm thì nghe tin bể hụi. “Cầm tiền thì sợ tiêu hết nên vợ chồng bàn nhau tham gia vào dây hụi để dành, lỡ ốm đau thì còn có mà dùng. Nào ngờ…” - bà Minh chùng giọng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Quỳnh - 63 tuổi, trú xã Hợp Thành - bà Lam mở dây hụi và huy động người chơi từ năm 2013, mỗi suất từ 2-5 triệu đồng, một người có thể tham gia nhiều suất. Những năm trước, hụi hoạt động công khai, minh bạch. Đến tháng, chủ hụi gọi toàn bộ các chân hụi đến, ai đấu cao nhất sẽ được nhận. Số tiền lãi thì các chân hụi còn lại chia nhau. Từ năm 2020, những dây hụi do bà Lam làm chủ bắt đầu có dấu hiệu thiếu minh bạch, đến tháng chủ hụi thường nêu lý do “đã có người bốc rồi”, nhưng không rõ người đó là ai, để không cho mọi người đấu giá.

 

Dồn hết tiền để dành được của mình vào dây hụi, nay chị Nguyễn Thị Thanh Hương phải vay mượn tiền để chạy thận mỗi tuần
Dồn hết tiền để dành được của mình vào dây hụi, nay chị Nguyễn Thị Thanh Hương phải vay mượn tiền để chạy thận mỗi tuần

Cuối năm 2022, sau khi thu hơn 300 triệu đồng từ 7 dây hụi, bà Lam đột ngột tuyên bố dừng hụi, không trả tiền, khiến nhiều người điêu đứng. Làng quê bình yên bắt đầu “dậy sóng”. Nhiều người kéo đến trước cổng nhà bà Lam, thậm chí còn mang cả khẩu hiệu, loa đài mở nhạc đám ma để đòi tiền. Sự việc căng thẳng, giữa các bên đã không ít lần xảy ra xô xát khiến tình làng nghĩa xóm bao năm trở nên vơi cạn. “Chúng tôi phải nhờ cậy những người có uy tín nói chuyện để tránh mất kiểm soát dẫn đến vi phạm pháp luật. Đến nay đã có 60 người làm đơn trình báo với số tiền gần 10 tỉ đồng” - ông Hoàng Mạnh Linh - Chủ tịch UBND xã Hợp Thành - cho hay. 

Tuy nhiên cũng có trường hợp không trình báo mà chỉ hy vọng vào lương tâm như bà N.T.M. - 65 tuổi, hàng xóm của bà Lam. Bà M. cho biết, đã đóng vào các dây hụi của bà Lam hơn 200 triệu đồng. Số tiền ấy là của vợ chồng cô con gái đang đi làm ở Hà Nội tích cóp hằng tháng để có tiền đi chữa hiếm muộn. “Bây giờ tôi chẳng biết ăn nói sao với con. Chỉ còn hy vọng vào… tòa án lương tâm, may ra họ trả cho một ít” - bà M. rầu rĩ.

Cũng như bà M., chị Nguyễn Thị Thanh Hương - 46 tuổi, thợ làm tóc - nhiều lần tìm gặp vợ chồng bà Lam để “trình bày hoàn cảnh” với hy vọng sẽ được trả lại phần nào trong tổng số hơn 200 triệu đồng đã góp. “Lúc đầu bà ấy hứa mỗi tháng sẽ trả cho tôi 10 triệu đồng, nhưng mãi đến nay mới chỉ nhận được hơn 10 triệu đồng” - chị Hương nói. Tin tưởng bà Lam có chồng và con trai công tác trong ngành công an nên chị Hương đều đặn góp tiền hằng tháng mà chẳng quan tâm đến việc bốc hụi. Hơn 1 năm trước, chị Hương phát hiện mình bị suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận 3 lần mỗi tuần, nên có ý định bốc hụi thì bà Lam tuyên bố “vỡ hụi”.

Vợ chồng lục đục

Lãnh đạo UBND xã Hợp Thành cho biết, vụ vỡ hụi do bà Hoàng Thị Lam làm chủ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn suốt thời gian qua. Chính quyền xã đã tổ chức 4 cuộc đối thoại giữa vợ chồng bà Lam và các chân hụi, nhưng đến nay vẫn không có kết quả. “Trong khi các chân hụi rất có thiện chí, họ chấp nhận chịu thiệt, chỉ yêu cầu gia đình bà Lam trả một nửa số tiền, thì chủ hụi lại rất thiếu thiện chí. Bà Lam không có phương án, lộ trình trả tiền cụ thể cho những người tham gia; không giải thích khoản tiền đã thu của người dân đang ở đâu, được sử dụng vào việc gì!” - ông Hoàng Mạnh Linh nói.  

Không chỉ ở Hợp Thành, người dân ở một số xã miền núi của huyện Yên Thành cũng đang “ngồi trên đống lửa” khi một chủ hụi khác đã ôm hàng chục tỉ đồng rồi “mất tích” suốt nhiều tháng qua. Ông Trần Văn Thao - 56 tuổi, trú xã Tân Thành, huyện Yên Thành - cho biết, nhiều người ở xã này đang rơi vào cảnh “trắng tay” sau khi chủ hụi là bà Lê Thị Hoa âm thầm rời khỏi địa phương, cắt đứt liên lạc. Nạn nhân của bà Hoa, ngoài người dân xã Tân Thành còn ở nhiều xã khác. Tổng số tiền góp hụi cho bà Hoa lên đến cả trăm tỉ đồng.

 

Nhiều người góp hụi tập trung trước cổng nhà bà Hoàng Thị Lam dù nhà thường xuyên khóa cửa
Nhiều người góp hụi tập trung trước cổng nhà bà Hoàng Thị Lam dù nhà thường xuyên khóa cửa

Hơn 20 năm trước, vợ chồng bà Hoa từ Thanh Hóa đến xã Tân Thành sinh sống. Nhờ làm ăn buôn bán năng động, họ nhanh chóng tạo được sự tin tưởng nơi người dân địa phương. Năm 2017, bà Hoa mở nhiều dây hụi và huy động mọi người tham gia. Sau khoảng 5 năm gom tiền, cuối năm 2022, vợ chồng bà Hoa âm thầm rời khỏi địa phương, cắt đứt liên lạc với mọi người khiến cả vùng quê nhao nhác. “Tôi dốc vào đó hơn 2,4 tỉ đồng, cả tiền hụi và tiền cho vay. Giờ không còn cách nào khác, tôi phải bán nhà của con trai để có tiền trả cho mọi người” - ông Thao nói.

Ông Phạm Văn Chính - Chủ tịch UBND xã Tân Thành - nói: “Sự việc kéo dài, hết sức phức tạp. Tôi và trưởng công an xã đã lên làm việc với trưởng công an huyện, đề nghị vào cuộc điều tra làm rõ. Hiện, tài sản duy nhất của bà Hoa là ngôi nhà 3 tầng ở xã đã được một người dân vào ở dù không có giấy tờ gì. Nhưng biết bao gia đình, cơ đồ tích cóp cả đời đã trôi mất, rồi lâm vào cảnh nợ nần, mâu thuẫn, lục đục”.

Vỡ hụi là chuyện không mới, nhưng hậu quả thì chưa bao giờ cũ, và giải quyết nó càng không đơn giản. Ông Hoàng Danh Truyền - Phó chủ tịch huyện Yên Thành - cho biết: “Vì là giao dịch dân sự, người dân thường thỏa thuận trước với nhau khi bắt đầu tham gia nên đến nay chưa một cá nhân nào liên quan đến các vụ vỡ hụi trên địa bàn bị khởi tố. Hiện, Công an huyện Yên Thành cũng đã có thông báo trả lời đơn của các cá nhân chơi hụi ở xã Tân Thành và Hợp Thành với nội dung “không thụ lý đơn”, đồng thời hướng dẫn họ chuyển đơn sang tòa án để giải quyết dựa trên Nghị định 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về họ, hụi, biêu, phường”.

Khởi tố 1 chủ hụi bị tố chiếm đoạt hơn 10 tỉ đồng

Mới đây, Công an huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố bị can đối với bà Hoàng Thị Thảo - 35 tuổi, trú xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh - về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Thảo là một tiểu thương ở chợ Voi, huyện Kỳ Anh. Năm 2015, Thảo lập nhiều dây hụi, rủ nhiều người cùng chơi theo hình thức có lãi. Mỗi dây hụi có 10 suất, mỗi người đóng 100.000 đồng/ngày. Cuối tháng, ai đóng đủ tiền theo thỏa thuận thì bốc thăm để mua hụi.

Thời gian đầu, Thảo luôn tỏ ra là người có kinh tế dư dả và thân thiện để lôi kéo nhiều người tham gia vào các dây hụi của mình. Duy trì được một thời gian, Thảo sau đó “biến tướng” cách tổ chức hụi, thu tiền của người sau trả cho người trước. Đến năm 2019, biết không còn khả năng trả nợ, Thảo đưa ra nhiều thủ đoạn như trả lãi cao, tạo vỏ bọc thành đạt để người tham gia tin tưởng, tiếp tục đóng hụi nhiều hơn. Đến nay, Công an huyện Kỳ Anh đã nhận 56 đơn tố giác Thảo chiếm đoạt hơn 10 tỉ đồng tiền góp hụi.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI