Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh: Giật mình với cách vi phạm tinh vi

22/11/2023 - 13:18

PNO - Sử dụng tư liệu trên mạng, của đồng nghiệp không xin phép trước; trả trước tiền đề cương và cho thời hạn thật ngắn để tác giả không kịp hoàn thành nhằm “cướp” ý tưởng, các trang mạng xâm phạm phim bằng lời… là những cách vi phạm bản quyền lẳng lặng, ít ai để ý tới.

Sáng 22/11, trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 đã diễn ra hội thảo Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh. Đây là hội thảo hiếm hoi nếu không nói là đầu tiên gắn vấn đề bản quyền với câu chuyện phát triển công nghiệp điện ảnh – một chủ trương lớn của Nhà nước. Chính vì vậy  hội thảo đã thu hút nhiều ý kiến của những người trong cuộc so với các hội thảo trước đây bàn về chủ đề tương tự.

Ở góc độ những người trực tiếp làm phim, đạo diễn Lương Đình Dũng và Võ Thanh Hòa bày tỏ sự lo ngại chuyện bản quyền ở khía cạnh tấn công bằng lời sau khi phim vừa ra rạp, giải quyết vi phạm bản quyền từ phía người xem thay vì cố gắng xử lý từ hướng nhà làm phim.

Đạo diễn Lương Đình Dũng bức xúc: “Phim ra rạp nửa ngày đã bị tấn công vô tội vạ bằng lời bởi các trang mạng, các cây viết. Hiện nay tôi có 2 phim là 578: Phát súng của kẻ điênXẩm đỏ bị phát tán trên mạng, trong khi phim 578: Phát súng của kẻ điên tôi đang nỗ lực phát hành ra nước ngoài. Khi tôi liên hệ với trang phát tán, họ còn nói ngang là ở Việt Nam đầy các trang khác vi phạm”.

Thứ trưởng Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch Đoàn Văn Việt phát biểu mở màn hội thảo
Thứ trưởng Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch Đoàn Văn Việt phát biểu mở màn hội thảo (ảnh: Mạnh Hà)

Đạo diễn Võ Thanh Hòa cho biết: “Nếu tìm kiếm phim Siêu lừa gặp siêu lầy, sẽ thấy hàng trăm video clip xuất hiện, chúng tôi không thể báo cáo, ngăn chặn hết. Do đó giải quyết vi phạm bản quyền cần xuất phát từ hướng người xem thay vì hướng người làm phim”.

Nhắc đến vi phạm bản quyền trong điện ảnh, nhiều người thường nghĩ đến “nạn nhân” là các phim ra rạp, nhưng theo ông Đỗ Lệnh Hùng Tú – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, phim tài liệu cũng bị xâm phạm.

“Có hiện tượng người làm phim dùng tư liệu của đồng nghiệp hoặc sẵn có trên mạng, và chỉ ghi vắn tắt "Phim có sử dụng nguồn tư liệu của…". Phải xin phép trước, ghi chú rõ đoạn tư liệu dùng của ai, trong phim nào, đó mới là tôn trọng bản quyền”, ông nói.

“Ở phim truyền hình, nhiều nhóm sinh viên viết rồi chào hàng cho các đơn vị sản xuất và được ký hợp đồng tiếp nhận đề cương, nhận tạm ứng 20 triệu với điều kiện hoàn thành kịch bản sau 3 tháng. Thời gian đó quá ngắn, nên khi họ xin gia hạn thì bị từ chối. Nhưng sau đó, họ phát hiện kịch bản của mình được dựng thành phim, chỉ thay đổi tên nhân vật, bối cảnh”.

Phim 578 : Phát đạn của kẻ điên bị phát tán trên nhiều trang web lậu phá hủy phần nào nỗ lực phát hành phim ở nước ngoài của diễn Lương Đình Dũng làm anh bức xúc
Phim 578 : Phát súng của kẻ điên bị phát tán trên nhiều trang web lậu, phá hủy phần nào nỗ lực phát hành phim ở nước ngoài của đạo diễn Lương Đình Dũng khiến anh rất bức xúc

Nói về tác hại nặng nề của tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam, Bà Ngô Phương Lan – Phó chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận Trung ương, Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến điện ảnh Việt Nam - tiết lộ một số studio lớn ở Hollywood như Walt Disney rất muốn có đại diện sản xuất ở Việt Nam, nhưng thấy tình trạng vi phạm bản quyền đứng đầu nên ngập ngừng chưa muốn vào. Năm 2021, từng có sự vụ trang web lậu đầu tiên bị khởi tố là phimmoi.com, nhưng đến giờ vẫn chưa được xét xử”.

Bàn về các giải pháp giải quyết, đa số các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng các văn bản hành lang pháp lý liên quan cần hoàn thiện hơn, các nhà làm phim ngay từ khi có ý tưởng làm phim phải chuẩn bị biện pháp bảo vệ, chẳng hạn như thuê luật sư. Nâng cao nhận thức của người dân và trình độ công nghệ thông tin của những người làm công tác quản lý. Ngoài ra, còn rất cần sự phối hợp đồng bộ của đơn vị liên quan như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin - Truyền thông…

Tại hội thảo, đại diện đơn vị Thủ Đô Media cũng đưa ra vài biện pháp áp dụng công nghệ như giải pháp mã hóa để bảo vệ quản lý, gắn mã bản quyền để truy vết cho nội dung khi phân phối cho từng đối tác, chỉ cấp quyền xem cho các đơn vị phân phối, không cấp quyền sao chép, tự động trích thụ hưởng với các đơn vị phân phối…

H.Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI