Báo hiếu: Vật chất hay tấm lòng?

20/02/2017 - 10:29

PNO - Quan trọng là khiến cha mẹ cảm nhận được tình cảm của con cái dành cho mình. Việc báo hiếu không phải chỉ chờ đến ngày lễ, Tết, mà là sự quan tâm hằng ngày.

Mấy hôm nay tới cơ quan mọi người bàn tán xôn xao chuyện của H. – cô nhân viên phòng kế toán.

Chả là, H. đang “trưng cầu dân ý” chuyện quà cáp cho bố mẹ chồng nhân dịp sinh nhật. Người bàn, ông bà thích gì thì hãy mua cho họ. Kẻ nói, báo hiếu, trả ơn, nhất là đối với bố mẹ chồng thì phải làm cho tới nơi tới chốn, không thì người ta cười cho.

Bao hieu: Vat chat hay tam long?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Gia đình bên chồng nói chung là có của ăn của để. H. về nhà chồng không phải bận tâm, mảy may gì về vấn đề tiền bạc. Lúc cưới, chính tay mẹ chồng trao cho H. một chiếc kiềng vàng có giá trị trên chục cây. Rồi mọi chuyện trong nhà, H. cũng không phải động tay, động chân, bỏ ra một cắc bạc lẻ mua sắm. Khi mua đất, xây nhà, cũng nhờ bố mẹ chồng mà vợ chồng H. mới dựng được ngôi nhà 3 tầng khang trang sạch đẹp như vậy. H. biết, với những gì (xét về vật chất) mà bố mẹ chồng bỏ ra thì H. không tài nào mà trả công hết được.

Nghĩ cũng thương H. thật. Cứ mỗi dịp lễ lạt, tết nhất là H. lại xoay như chong chóng, “cầu cứu” hết người nọ tới người kia để “trả ơn” bố mẹ chồng. Một năm có bao nhiêu lễ lạt thì bấy nhiêu H. phải làm nhiệm vụ… báo hiếu. Cái khó của H. là bố mẹ chồng quá giàu nên hầu như món đồ gì họ cũng có hết cả rồi.

Cái khó nữa đó là bố mẹ chồng rất thích H. “báo hiếu”, mặc dù miệng thì luôn bảo “con không cần phải làm như thế, cho tốn kém ra”. Nhưng H. biết tính mẹ chồng. Mặc dù bà giầu có nhưng cũng thích khoe khoang, rằng, được con dâu mua cái nọ, cái kia để “nở mày nở mặt” với hàng xóm láng giềng, anh em bà con gần xa. Bà hay tâng bốc, một thì nói thành mười. Như H. chỉ là nhân viên kế toán bình thường, khi nói với hàng xóm bà lại bảo có con dâu làm kế toán trưởng.

Dù có bận trăm công nghìn việc khác H. cũng phải bỏ thời gian ra dẫn mẹ chồng đi spa, du lịch chỗ này chỗ nọ. Bà thích cái gì cũng phải mua cho bằng được, dù món đồ đó quý, hiếm. Nghe H. tâm sự xong rất nhiều người đồng cảm với “nỗi khổ” của cảnh người con gái phải làm dâu người giàu.

Sau chuyện của cô nhân viên H., một cô bạn nhân viên khác tên K. khi gặp tôi tâm sự: “Chuyện của chị H. em thấy nó gượng ép làm sao ấy. Đành rằng, chị ấy được bố mẹ chồng giúp đỡ rất nhiều, nhưng việc báo hiếu đâu nhất thiết phải trả lại những gì mà bố mẹ chồng từng cho, từng giúp mình như vậy”.

K. bảo, K. cũng về làm dâu nhà chồng khá giả. Bố mẹ chồng cũng từng giúp đỡ rất nhiều. Về vật chất, lẫn tinh thần. Nhưng K. lại không làm theo cách của H. dù bố mẹ chồng của K. trước đây cũng có phần giống tính cách bố mẹ chồng H. Nhưng may mắn, hành động của K. đã “cảm hóa” được suy nghĩ về việc con cái báo hiếu cha mẹ.

Hễ rảnh rang không kể ngày nghỉ lễ, K. cùng chồng và con tới nhà bố mẹ chồng chơi rồi dùng cơm. Biết bố chồng thích ăn canh cá lóc nấu chua với khế, dọc mùng, K. mày mò học và nấu. Còn mẹ chồng lại thích ăn ốc om chuối đậu. K. cũng học và làm luôn. Đồ ăn nấu ra vừa được lòng bố mẹ chồng, mình vừa lại được ăn ngon. Hay đơn giản hơn, những lần đến nhà mẹ chồng, K. tỉ tê lôi bà ra hiên tỉ mẩn ngồi nhổ những sợi tóc sâu. Mẹ chồng – nàng dâu lại có thời gian tâm sự, hiểu nhau hơn.

Hôm khác, đi làm về thấy có chậu hoa đẹp đẹp K. ghé mua gửi cho mẹ chồng. Về phần bố chồng, tuy giầu có nhưng ông sống cũng khá đơn giản. Ông cũng giống như đại đa số người già khác, thích trà thuốc, cây kiểng, chim cảnh, cờ quạt. K. nằm lòng bàn tay. Cứ thế, K. ghi lại những điều tưởng chừng nhỏ nhặt mà lại không nhỏ nhặt, sở thích của bố mẹ chồng vào trong đầu, chờ thời cơ thực hiện. Nhưng lại không hề gượng ép. K. bảo thêm, điều cốt yếu báo hiếu là từ tâm và miễn sao đừng có gò bó. Làm sao cho cả hai bên hài lòng.

Cùng một hoàn cảnh, nhưng hai cách báo hiếu khác nhau. Rõ ràng với cách báo hiếu của K. được mọi người đồng tình ủng hộ hơn. Báo hiếu đâu cần làm gì lớn lao, đâu cần hoành tráng.Quan trọng là khiến cha mẹ cảm nhận được tình cảm của con cái dành cho mình. Việc báo hiếu không phải chỉ chờ đến ngày lễ, Tết, mà là sự quan tâm hằng ngày.

Bản thân tôi sau này dù giàu có hay nghèo đói tôi cũng sẽ không làm khó, “đòi hỏi” con cái phải báo hiếu cái này cái nọ. Chỉ mong sao con cái quan tâm, nhớ đến mình là được. Và cũng đang thấm nhuần tư tưởng cho các con rằng, báo hiếu hay trả ơn cha mẹ nói riêng, người khác nói chung cần xuất phát từ cái tâm, từ những điều giản dị, đời thường thiết thực nhất.

Cao Văn Quyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI