Báo hiếu đâu chỉ một ngày

28/08/2016 - 20:00

PNO - Hiếu, chuyện đâu phải của riêng ai và của riêng một ngày nào, mà đó là hành trình của chính trái tim. Đôi khi, nhà cao cửa rộng cho cha mẹ, cũng chưa hẳn đã là hiếu thuận.

Con gái tôi, cô bé 10 tuổi, hỏi tôi về việc báo hiếu khi một chiều hai mẹ con đi ngang chùa, ngôi chùa rất đông người đến viếng. Tôi giải thích cho con nghe về chuyện ngày báo hiếu, sau đó ngẩn người khi nghe bé hỏi lại: “Có hiếu với ba mẹ mà chỉ cần một ngày thôi sao?”. Tôi thực sự muốn nói với con gái rằng, chúng ta có thể không cần gọi tên chữ hiếu, vì mỗi phút giây chúng ta sống, là yêu thương, là gần gũi, là quan tâm, là dành thời gian cho nhau. Để không bao giờ chúng ta thấy mình hối hận, vì chưa thật trọn vẹn với cha mẹ mình.

Nhà hàng xóm tối qua làm đám giỗ, một cái đám giỗ lớn. Xe cộ ra vào tấp nập, bàn ghế chiếm hết chiều dài con hẻm. Theo lời mời hôm trước của anh hàng xóm thì chủ nhà tổ chức đám giỗ cha. Có cả dàn nhạc ca hát rất huyên náo. Con hẻm tưng bừng đến tận khuya.

Để tránh ồn ào, tôi rủ con gái qua đường bên cạnh đạp xe đạp, vừa sang bên ấy, tôi nhìn thấy một cái bóng liêu xiêu, quen thuộc. Đến gần mới biết là mẹ anh hàng xóm, vợ của người quá cố đang được là m giỗ tưng bừng kia. “Bác tranh thủ nhặt chai lon vứt bỏ quanh đây, gom lại để dành bán”. Tôi nghĩ người già ở nhà lẩn quẩn buồn tay chân, nên không để tâm làm gì.

Bao hieu dau chi mot ngay
Ảnh mang tính minh họa - Lã Anh (Hà Nội)

Chuyện có lẽ chỉ có vậy, nếu như tôi không tình cờ nghe được, chuyện bác gái ăn “riêng”, tự lo liệu cuộc sống của mình, anh con trai cả không đếm xỉa gì đến mẹ. Tôi nghe xong, thấy lòng thật buồn. Vẫn biết người già đôi khi trái tính trái nết, thậm chí còn phiền phức đến bực cả mình, nhưng sao vẫn thấy có gì trái khoáy ở đây. Cái đám giỗ ấy thực sự vì điều gì, phải chăng là báo hiếu. Những ngày chay, chủ đám ban phát rộng rãi cơm canh cho người trong hẻm, phải chăng là anh làm điều lành. Rồi sau này, bác gái mất đi, anh chủ nhà lại tiếp tục làm những đám giỗ thật to, thật sang. Vậy thì cớ làm sao...?

Tôi chẳng muốn trong mùa Vu lan, khi nhà nhà xôn xao cài cho mình những bông hồng, mà lại kể những chuyện không vui. Nhưng cuộc sống, đôi khi chúng ta phải cay đắng thừa nhận rằng, quá nhiều những điều ngược ngạo đang tồn tại. Cô bạn thân vừa nhờ tìm luật sư, giúp mẹ cô ấy, vì anh hai của cô khởi kiện mẹ giành ngôi nhà. Tôi chẳng hỏi nhiều hơn về chuyện gia đình cô, nhưng tôi biết, cô ấy đang nuôi mẹ, còn tất cả nhà cửa cha mẹ cô ấy có được trước kia đã bán chia đều cho hai ông anh trai.

Người ta muốn giành gì thêm nữa, tôi thực không hiểu, nhưng tôi vẫn ước, giá như người ta tin chắc rằng, mình còn thấy hạnh phúc đến rơi nước mắt khi được cài lên ngực bông hồng đỏ mỗi một mùa ngâu. Bình thường vậy thôi. Bình thường đến độ khi mẹ ở ngay bên cạnh, chúng ta chẳng mấy ai nhận ra điều ấy: sự khác nhau đến đớn đau của hai màu hoa hồng.

Hiếu, chuyện đâu phải của riêng ai và của riêng một ngày nào, mà đó là hành trình của chính trái tim. Đôi khi, nhà cao cửa rộng cho cha mẹ, cũng chưa hẳn đã là hiếu thuận. Đôi khi tiền bạc, người hầu hạ đầy đủ cho cha mẹ, cũng chưa hẳn là hiếu thuận. Người già sợ hãi nhất là sự đơn côi. Người già cần những tiếng nói cười. Người già cần những sum vầy ấm áp. Cần một bữa trưa tạt ngang nhà của cô gái nhỏ.

Cần một bữa tối bàn ăn có mặt dâu con, cháu nội đông đúc ồn ào. Cần một câu hỏi han đúng lúc. Mà, sao khó quá! Vì chúng ta bận rộn quá! Chúng ta mải miết trong cuộc chiến áo cơm. Chúng ta quên những chờ đợi. Để rồi một ngày “ngồi khóc bên trời” (*), lòng muôn vàn những day dứt vì chưa trọn chữ hiếu.

Hiếu thật ra không chỉ có một ngày, con gái ạ.

Lê Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI