Nhiều công văn rơi vào im lặng
PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM - bức xúc: “Mỗi ngày, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận ít nhất 5.000 bệnh nhân đến khám. Nguồn thu từ bảo hiểm y tế chiếm đến 65% nguồn thu khám, chữa bệnh. Nếu cơ quan bảo hiểm nợ như vậy, bệnh viện rất khó xoay sở trong việc khám, điều trị. Có thể 6 tháng đầu năm 2018 mới đi qua, Bảo hiểm xã hội sẽ thanh toán sau, nhưng đến nay tiền bảo hiểm y tế của năm 2017 còn nợ là điều khó có thể chấp nhận. Trong năm 2017, Bảo hiểm xã hội còn nợ bảo hiểm y tế của bệnh viện lên đến 597,7 tỉ đồng”.
Một bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, Bảo hiểm xã hội thường xuyên nợ kéo dài nhưng các bệnh viện khác không dám lên tiếng vì sợ bị “ngâm” lâu hơn; do đó Bệnh viện Chợ Rẫy phải lên tiếng. Mặt khác, do số tiền nợ quá lớn, ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của bệnh viện.
Không chỉ Bệnh viện Chợ Rẫy, các bệnh viện tại TP.HCM cho biết, Bảo hiểm xã hội TP.HCM nợ quá lâu nên họ cũng bị tăng lãi suất do không thể trả nợ tiền thuốc, vật tư tiêu hao, máy móc cho nhà cung ứng.
Một bệnh viện tuyến cuối tiết lộ, riêng năm 2017, số tiền Bảo hiểm Xã hội TP.HCM nợ bệnh viện này gần 30 tỷ đồng, bao gồm 5 tỷ vượt trần (số tiền do người bệnh đến khám trái tuyến) và hơn 23 tỷ vượt quỹ (cho bệnh nhân khám đúng tuyến). Tương tự, một bệnh viện tuyến huyện cũng bị nợ gần 4 tỷ vượt trần.
Bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền - Phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP.HCM - cho biết Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong những bệnh viện được thanh toán bảo hiểm cao nhất cả nước. Số tiền gần 600 tỷ đồng trong năm 2017 chưa được thanh toán là do bệnh viện chưa hoàn tất biểu mẫu quyết toán.
Giải thích này bị bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Việt – Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy - phản ứng: Chẳng lẽ một biểu mẫu quyết toán để nhận lại số tiền nợ hơn 900 tỷ đồng mà bệnh viện không chịu làm? Thực tế, bệnh viện không đồng ý ký vào biên bản thỏa thuận giữa bệnh viện và Bảo hiểm xã hội. Bởi chính cơ quan bảo hiểm áp dụng những quy định nội bộ của mình vào việc thanh quyết toán không phù hợp với văn bản pháp luật của Bộ Y tế ban hành.
Bác sĩ Việt dẫn giải, cơ quan bảo hiểm ứng dụng công văn nội bộ 4262 của mình vào việc thanh quyết toán mà không trùng khớp các văn bản quy phạm của Bộ Y tế mà các bệnh viện đang tuân thủ. Chẳng hạn, Thông tư 37 của Bộ Y tế quy định kỹ thuật chạy tim phổi nhân tạo ECMO thanh toán mỗi 8 giờ, trong khi đó công văn 4262 của bảo hiểm ghi thanh toán 12 giờ. Bệnh viện làm theo thông tư Bộ Y tế hướng dẫn thì bảo hiểm y tế không đồng ý thanh toán. Bệnh viện cũng nhiều lần gửi văn bản xin ý kiến từ Bộ Y tế nhưng nhiều công văn gửi đi đều rơi vào im lặng!
Bệnh nhân lãnh đủ
Các bệnh viện khác cũng không hiểu lý do vì sao đến nay vẫn chưa được Bảo hiểm xã hội TP.HCM trả nợ và phản hồi.
“Những năm trước, thời điểm này các bệnh viện đã được bảo hiểm y tế trả nợ, dù là tiền vượt trần hay vượt quỹ. Do đó, chúng tôi muốn biết rõ khi nào mới được thanh toán chi phí mà bệnh viện đã bỏ ra phục vụ bệnh nhân diện bảo hiểm y tế. Nếu hóa đơn nào, khâu nào trong cách tính vượt trần, vượt quỹ của bệnh viện chưa đúng thì bảo hiểm cũng sớm phản hồi để bệnh viện biết cách tính toán.
Mặt khác, chính vì chậm thanh toán nên các bệnh viện cũng chưa có khung quy định mới về mức trần, quỹ bảo hiểm y tế để áp dụng cho năm 2018. Để an toàn, bệnh viện tiếp tục áp dụng mức khung cũ của năm 2017 cho bệnh nhân”, giám đốc bệnh viện tuyến quận bức xúc.
Nhiều bệnh viện bị chậm thanh toán vượt trần cho rằng, nếu cơ quan bảo hiểm ngâm nợ lâu thì bệnh viện sẽ tìm cách ứng phó; nhưng suy cho cùng bệnh nhân sẽ chịu thiệt. Ví dụ, thay vì bệnh viện khám chung cho tất cả bệnh nhân thì sẽ phân đối tượng bảo hiểm y tế khám riêng để bác sĩ siết chặt trong việc chỉ định chụp chiếu phim, xét nghiệm máu.
Hoặc bệnh viện hạn chế các xét nghiệm, chụp chiếu phim lần cuối trước khi cho người bệnh xuất viện… Đơn cử như trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Mạnh T. (sinh năm 1991, mã thẻ DN74…) đến khám trái tuyến do gãy xương vai phức tạp. Tổng chi phí điều trị 19 triệu đồng, nhưng riêng tiền chẩn đoán hình ảnh (chụp chiếu phim) hết 7 triệu đồng.
Theo các bác sĩ, sở dĩ tiền chụp chiếu phim đến 7 triệu vì đoạn xương gãy quá phức tạp, cần phải chụp nhiều lần trong chẩn đoán bệnh, điều trị và sau khi xuất viện… Bởi lúc điều trị, vết mổ còn sưng đau nên có thể bỏ sót vết thương. Nếu hạn chế chụp chiếu phim trước khi xuất viện, chẳng may bệnh nhân còn sót dị vật là mảnh vụn của xương gãy… có thể để lại dị tật cho người bệnh, thậm chí phải nhập viện mổ lại.
Để tránh vượt trần, bác sĩ có thể tìm cách cho bệnh nhân nhập viện – xuất viện liên tục để phù hợp với mức giá quy định cho bệnh nhân trái tuyến. Ví dụ, một bệnh viện quận A. được cơ quan bảo hiểm y tế quy định mức trần trung bình cho lượt điều trị nội trú trái tuyến 2,6 triệu đồng (gồm 1,8 triệu đồng dịch vụ y tế và 764.000 tiền thuốc các loại).
Cụ thể là trường hợp của bệnh nhân Trịnh Hồng Q. (28 tuổi, mã thẻ GĐ438…) đến nằm điều trị bệnh lý ở mũi 2 ngày hết 5,4 triệu đồng; trong đó bảo hiểm y tế phải trả 4,3 triệu đồng.
Để không bị cơ quan bảo hiểm xem xét quá lâu, bệnh viện có thể chia 4,3 triệu đồng này thành 2 lần, bằng cách cho bệnh nhân xuất viện rồi nhập viện trở lại. Lúc đó, mỗi lần nhập viện chỉ khoảng 2,2 triệu đồng, thấp hơn 2,6 triệu như cơ quan bảo hiểm quy định. Thế nhưng, cách này sẽ cực cho người bệnh, nhất là bệnh nhân nhập viện thường rơi vào bệnh nặng. Việc xuất nhập viện liên tục sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh.
Khi được hỏi về việc Bảo hiểm xã hội TP.HCM chưa trả nợ năm 2017 cho các bệnh viện, đặc biệt là vấn đề vượt trần; bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền - Phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP.HCM, chỉ trả lời chung chung và nhanh gọn: “Vượt trần cần liên bộ thẩm định”.
Trao đổi với Báo Phụ Nữ, Sở Y tế TP.HCM cho rằng, Bảo hiểm xã hội chưa sòng phẳng với các bệnh viện. Cơ quan này bắt các bệnh viện phải nhập số liệu liên quan đến bệnh nhân tới khám mỗi ngày, trong khi đã 8 tháng mà chưa thanh toán tiền cho bệnh viện là không được. Theo quy định, Bảo hiểm xã hội phải quyết toán từ 1 – 3 tháng. Bảo hiểm xã hội nợ lâu, đẩy bệnh viện vào việc thiếu nợ tiền thuốc, bị tăng tỷ suất tiền nợ...
Một trong những lý do khiến các bệnh viện vượt trần là do mức giá chi trả cho bệnh nhân khám trái tuyến quá thấp. Hầu như các bệnh viện đều rơi vào tình trạng vượt trần. Đơn cử như tại một bệnh viện hạng 3 ở vùng ven, bảo hiểm y tế quy định mức giá trung bình cho mỗi ca trái tuyến đến khám chưa đến 200.000 đồng/lượt. Nếu số tiền khám vượt quá quy định sẽ gọi là vượt trần và tùy mỗi bệnh viện mà cơ quan bảo hiểm quy định mức trần khác nhau.
“Hầu hết bệnh nhân đi khám trái tuyến là do cấp cứu, bệnh nặng nên chi phí khám chữa bệnh rất cao. 200.000 đồng này bao gồm cả tiền khám, tiền thuốc và dịch vụ kỹ thuật khác như: thủ thuật, chụp phim, xét nghiệm, siêu âm.. làm sao đủ? Và quan trọng bảo hiểm y tế sớm trả tiền cho bệnh viện, chứ 4 tỷ là số tiền rất lớn cho một bệnh viện nghèo. Còn nếu từ chối bệnh nhân trái tuyến thì đó là thất đức của ngành y. Chẳng lẽ đến cấp cứu, khám bệnh mà đẩy bệnh nhân lên tuyến trên khi bệnh viện vẫn làm được?” – một bác sĩ băn khoăn.
|
Nhóm phóng viên