Gửi đơn kêu cứu đến báo Phụ Nữ TP.HCM, chị Trần Thị Hân (35 tuổi, thường trú tổ 12, ấp Bắc 1, xã Hòa Long, TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) cho biết, cách đây hơn hai năm, chồng chị là anh Trần Quang Vinh (sinh năm 1971) đột ngột qua đời vì bạo bệnh. Chồng mất, để lại cho chị Hân gánh nặng một mình nuôi hai con nhỏ cùng mẹ già trong tình trạng không việc làm, đời sống cực kỳ khó khăn.
|
Chị Hân và hai con tại phòng trọ thuê ở Q.8, TP.HCM. Hiện chị Hân sống chật vật với công việc không ổn định - Ảnh: Quốc Ngọc |
Tiền trợ cấp vào hết tay mẹ chồng
Theo chị Hân, từ năm 2010 cho đến lúc mất, chồng chị là nhân viên của Công ty TNHH Tư vấn - dịch vụ thương mại Thanh Bình (24 Nguyễn Hữu Cầu, P.3, TP.Vũng Tàu), số sổ BHXH: 7710001281. “Tôi xem thông tin từ trang tra cứu của BHXH tỉnh BR-VT thì biết công ty chỉ mới nộp bảo hiểm cho chồng tôi đến tháng 9/2014, trong khi ảnh chết cuối tháng 3/2015” - chị Hân nói.
Chị Hân làm đơn gửi BHXH tỉnh BR-VT và Công ty Thanh Bình, đề nghị các cơ quan này giải quyết chế độ của chồng, nhằm gánh đỡ một phần khó khăn cho chị trong việc nuôi dạy con nhỏ và chăm sóc mẹ già. Sau khi gửi đơn, người phụ nữ sớm mất chồng này “tá hỏa” khi nhận được phản hồi từ các cơ quan nói trên.
“Vào tháng 11/2016, đại diện Công ty Thanh Bình trả lời tôi rằng, từ hơn một năm trước, đã có người nhận tiền tuất rồi, muốn gì cứ lên BHXH tỉnh khiếu nại” - chị Hân kể. Tiếp theo đó, BHXH tỉnh BR-VT cũng xác nhận với chị Hân, họ đã giải quyết chế độ tử tuất một lần của chồng chị cho bà Nguyễn Thị Nho (81 tuổi), nên không giải quyết cho chị nữa. Bà Nho - mẹ ruột của anh Vinh - đã nhận toàn bộ số tiền hơn 60 triệu đồng nói trên từ tháng 8/2015.
“Do thời điểm chồng tôi mất, vừa bận nuôi hai con nhỏ và chăm mẹ già, lại do quá đau thương và hoảng loạn, tôi chưa làm bất cứ thủ tục nào để nhận chế độ tử tuất thì đã bị công ty và cơ quan bảo hiểm đưa hết cho mẹ chồng. Như vậy đâu có được, trong khi tôi là vợ mà chẳng có ai cho biết gì cả” - chị Hân bức xúc.
Qua thông tin từ vài người quen, chị còn cho rằng, giữa công ty, BHXH và gia đình chồng đã có sự cấu kết, làm giả hồ sơ và chữ ký của chị để chiếm đoạt số tiền trợ cấp mà lẽ ra chị, hai con và mẹ ruột cũng phải được hưởng.
BHXH bảo làm đúng, luật sư nói sai
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Công ty Thanh Bình cho biết, sau khi anh Vinh qua đời, ngoài gia đình bà Nho, công ty không thể liên lạc được với chị Hân. “Hình như vợ anh Vinh bỏ đi từ trước, ngay cả khi đến đám tang cũng không thấy chị ấy” - người này nói.
Theo chị Hân, suốt thời gian sau khi chồng mất, từ tháng 3 đến tháng 8/2015 - thời điểm công ty và BHXH tỉnh duyệt xét trả tử tuất cho bà Nho - chị không nhận được bất cứ cuộc gọi hay tin nhắn, hoặc bất cứ hình thức liên lạc nào từ các đơn vị có trách nhiệm. “Còn việc tôi không có mặt trong đám tang chồng là đúng. Vì trước đó, do không đồng ý ký vào các giấy tờ nhà đất, nên gia đình chồng đã cấm cửa, không cho tôi về thọ tang chồng” - chị cho biết.
Trả lời chúng tôi bằng văn bản, ông Trần Xuân Thu, Phó giám đốc BHXH tỉnh BR-VT cho rằng, cơ quan này đã làm đúng các quy định (?). Theo đó, tính đến khi mất đi, tổng thời gian anh Vinh tham gia BHXH là 5 năm 6 tháng. Ngày 6/8/2015, BHXH tỉnh nhận được hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ tử tuất do bà Nho đứng tên hưởng trợ cấp. Hồ sơ gồm sổ BHXH của anh Vinh, giấy chứng tử và tờ khai theo mẫu số 09A-HSB có xác nhận của chính quyền địa phương.
Tờ khai này do bà Nho ký tên cam đoan, liệt kê năm thân nhân của anh Vinh gồm vợ chồng bà Nho, chị Hân và hai con của vợ chồng chị. Căn cứ theo hồ sơ đó, ngày 12/8/2015, BHXH tỉnh ra quyết định số 218/QĐ-BHXH giải quyết chế độ tử tuất một lần đối với thân nhân của anh Vinh là bà Nho, với số tiền 60.759.248 đồng. Như vậy, theo ông Thu, BHXH tỉnh BR-VT đã chi trả đầy đủ trợ cấp và trợ tuất một lần đối với trường hợp trên theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của ngành.
Liên quan đến vụ việc, luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, BHXH tỉnh BR-VT đã thiếu trách nhiệm trong trường hợp này, bởi căn cứ điều 67 Luật BHXH năm 2014, các đối tượng được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng hay một lần được ưu tiên theo thứ tự là con của người đã chết (thực tế là hai con), cha mẹ đẻ của người đã chết (hai người này còn sống), như thế trong trường hợp này là đủ bốn suất
hưởng tuất.
Tuy nhiên, theo luật sư Lễ, cơ quan BHXH lại không điều tra kỹ về thân nhân, xem cha mẹ đẻ của người chết là “không có thu nhập” hoặc “có thu nhập hàng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở” hay không, mà đã vội chốt danh sách hưởng để loại trừ những người còn lại. “BHXH đã vi phạm khoản 3 điều 67 Luật BHXH năm 2014 khi không xác minh đầy đủ những đối tượng có đủ điều kiện để nhận trợ cấp tử tuất hay không trước khi công nhận đủ bốn suất hưởng tuất” - ông Lễ nói.
Chưa hết, tờ khai của bà Nho có liệt kê hai con của chị Hân và anh Vinh (chưa đủ 6 tuổi). Theo điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2005, người chưa đủ 6 tuổi không có năng lực hành vi dân sự; giao dịch dân sự của người chưa đủ 6 tuổi phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Trong khi đó, điều 73 luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định, cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
Như vậy, bà Nho (là bà nội) không phải là người đại diện theo pháp luật của các cháu nhỏ là con anh Vinh và chị Hân. Bà không thể có quyền xác lập, thực hiện việc kê khai tờ khai theo mẫu 09A-HSB để nhận chế độ tử tuất thay cho chị Hân đối với phần chị Hân và các con của anh chị.
Quốc Ngọc