Ở tỉnh Bình Định, 13.907ha lúa vụ đông xuân bị ngã đổ, 740ha lúa vụ hè, 2.578ha hoa màu bị ngập úng, 125 tấn muối bị hư hỏng. Ở tỉnh Quảng Ngãi, gần 3.600ha lúa, hơn 1.600ha hoa màu bị thiệt hại. Ở tỉnh Quảng Trị, 21.550ha lúa bị ngập nặng, trong đó có khoảng 1.500ha đã trổ bông, hơn 115ha nuôi trồng thủy sản cũng bị ngập. Tỉnh Quảng Nam có gần 20.000ha cây trồng bị hư hại nghiêm trọng. Con số thiệt hại về nông nghiệp của tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng ước tính 1.103 tỷ đồng…
|
Mưa lũ bất thường khiến cho nông dân Quảng Nam thiệt hại nặng nề (trong ảnh: Người dân ở Quảng Nam cố vớt những quả dưa hấu bị ngập nước) |
Ông Phạm Văn Chiến -Phó giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung bộ -nhận định, đợt mưa lớn này là bất thường so với quy luật thời tiết, do sự kết hợp giữa vùng rãnh thấp với vùng áp thấp và gió mùa đông bắc gây ra: “Tôi làm công tác dự báo thời tiết nhiều năm nhưng đây là lần đầu tiên có hiện tượng lũ trái mùa và thời tiết cực đoan như thế này, gây thiệt hại vô cùng lớn cho bà con nông dân. Đây là hiện tượng thời tiết bất thường, hiếm khi xảy ra”.
Theo ông, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu và hiện tượng thời tiết La Nina, trong năm 2022, có thể xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết bất thường khác ở khu vực miền Trung. Do đó, kể cả trong mùa khô, các tỉnh miền Trung cũng phải lưu ý tập trung triển khai phương án ứng phó thiên tai giống như trong mùa mưa.
Ông Phan Thanh Hùng - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho rằng, để giảm thiểu thiệt hại cho nông dân, cần triển khai nhanh bảo hiểm nông nghiệp (BHNN). Nếu chính sách BHNN được triển khai trên toàn quốc thì khi gặp rủi ro về thiên tai, nông dân sẽ được hỗ trợ kịp thời từ nguồn phúc lợi này. Nếu trong trận mưa lũ trái mùa này mà nông dân đã đóng BHNN hết, họ sẽ được chi trả tiền để tái tạo sản xuất.
Cũng theo ông Phan Thanh Hùng, ngay từ năm 2010, nhằm giúp nông dân bớt thiệt hại khi gặp thiên tai, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề án thực hiện thí điểm BHNN giai đoạn 2010 - 2013. Điểm quan trọng trong đề án là khi mua BHNN, nông dân sẽ được Nhà nước hỗ trợ phí bảo hiểm. Để tạo điều kiện cho nông dân nghèo và nông dân vùng còn nhiều khó khăn, Bộ Tài chính đề xuất chia nhóm đối tượng được hỗ trợ và mức hỗ trợ cụ thể.
Nhưng đến nay, mới chỉ có một số tỉnh như Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và TP.Hà Nội bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ phí BHNN theo quy định tại Quyết định 22/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, nông dân các tỉnh, thành này đã tham gia BHNN đối với cây lúa, trâu, bò, tôm sú và tôm thẻ chân trắng…
Tuy nhiên, ở miền Trung, chỉ có một số ít doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đóng BHNN. Rất ít nông dân ở miền Trung hiểu rõ lợi ích của việc tham gia BHNN. Ngoài BHNN, ông Phan Thanh Hùng cũng đề xuất, do thời tiết ở miền Trung khắc nghiệt, cần nghiên cứu sản xuất một vụ lúa chất lượng cao thay vì làm nhiều vụ.
Ông Trương Xuân Tý - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam - cho rằng, rất khó nắm bắt và dự báo được hiện tượng mưa lũ dị thường để lên lịch sản xuất phù hợp trước được: “Ở tỉnh Quảng Nam, lịch thời vụ đã được tính toán kỹ càng, phù hợp với tình hình thời tiết mỗi mùa vụ, có chênh nhau thì cũng chỉ trong 5 - 7 ngày thôi. Đối với những thiệt hại mà nông dân phải chịu trong đợt này, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương nhanh chóng kiểm tra, thống kê thiệt hại cụ thể, từ đó có phương án hỗ trợ. Tại tỉnh Quảng Nam, BHNN vẫn chưa được triển khai và đến nay, chưa có cơ quan bảo hiểm nào liên hệ gì với sở để triển khai chính sách này”.
Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Thị Thanh Ngà - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu - cho biết, đợt mưa lớn diện rộng ở các tỉnh Trung và Nam Trung bộ xảy ra vào cuối tháng Ba là hiếm gặp. Nhìn chung, miền Trung năm nay có thể sẽ có khả năng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của bão lũ và cũng có khả năng có các đợt lũ và cơn bão bất thường. Do đó, người dân cần theo dõi chặt chẽ các thông tin về dự báo, cảnh báo về diễn biến của các hiện tượng thời tiết nguy hiểm nói chung và các thời tiết bất thường nói riêng. Đồng thời, cũng tránh tâm lý chủ quan, cho rằng hiện tượng như vậy chưa từng xảy ra tại thời điểm hay địa điểm như vậy, bởi vì về mặt khí hậu chúng ta có đặc điểm trung bình cho từng khu vực, từng mùa, nhưng vẫn có thể có những dao động của khí hậu của hoàn lưu quy mô lớn dẫn đến những thay đổi trái quy luật… Về công tác dự báo, trong thời gian tới, cùng với sự đầu tư hiện đại ngành khí tượng thủy văn, việc cảnh báo sớm các hiện tượng thời tiết cực đoan, các hiện tượng thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn sẽ càng được cải thiện. Tuy nhiên, cũng vẫn có những hạn chế nhất định đối với những hiện tượng nguy hiểm quy mô vừa và nhỏ, bất thường và đột ngột xảy ra. Bảo Khang (ghi) |
Thuận Hóa - Đình Dũng - Nguyễn Dương