PNO - Gần đây, nhiều cơ sở y tế đã phải “dở khóc, dở mếu” vì bị khách du lịch “quỵt” tiền viện phí. Tình trạng này xuất phát từ việc những quy định về thực hiện bảo hiểm du lịch (BHDL) còn có nhiều kẽ hở.
Những ngày qua, Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Khánh Hòa “nhức đầu” vì tình trạng nhiều khách du lịch Trung Quốc nhập viện điều trị xong thì né thanh toán, thậm chí “quỵt” viện phí. “Bệnh nhân (BN) nhập viện, là BV phải cấp cứu, điều trị ngay, sau đó là chỉ còn biết “nắm” công ty du lịch. Không may gặp phải công ty làm ăn chụp giật, không hợp tác là “lãnh đủ”, đại diện BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa than. Tại BV, gần như tuần nào cũng có vài trường hợp chây ì viện phí.
BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, BV cũng thường xuyên gặp trường hợp BN là khách du lịch “xù” viện phí, trong đó có cả khách đến từ châu Âu, có những trường hợp nợ viện phí hơn nửa tỷ đồng. Cụ thể như BN Paradatos Dionysios (80 tuổi, người Hy Lạp) nợ viện phí gần 600 triệu đồng, người nhà chỉ thanh toán 120 triệu. Vài tháng trước, ông Dionysios đến Việt Nam. Ngày 28/3/2016, ông này bị té chấn thương nhiều nơi, gãy cột sống, nguy kịch.
Dù BN không thể tạm ứng viện phí, nhưng BV vẫn phải cứu người. BV đã liên hệ với Đại sứ quán Hy Lạp nhờ hỗ trợ liên lạc với người nhà BN; con trai ông Dionysios sang, hứa sẽ trả đủ 595 triệu đồng viện phí nhưng với điều kiện… BV phải chuyển ông Dionysios về Hy Lạp bằng máy bay(!). Ông này ứng trước 120 triệu đồng “làm tin”. Khi BV liên hệ được với một hãng máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ thì BN rơi vào hôn mê, bị từ chối “bay”. Sau ba tháng điều trị, ngày 24/6/2016, BN tử vong. Lúc này, con trai BN không thèm nhận xác cha, “xù” luôn cả viện phí; BV Chợ Rẫy phải hỏa táng cho BN.
Tệ hơn, có những BN người nước ngoài chẳng những không trả tiền, còn gây sự đánh điều dưỡng, nạt nộ BS. Ông Hans Joachim Emil Beutke (73 tuổi, người Đức) bị ung thư lưỡi, nhiều lần vào BV Chợ Rẫy cấp cứu nhưng không lần nào chịu trả tiền cho đến ngày qua đời. Một điều dưỡng của BV kể, BN bị ung thư nên hay cáu gắt, mỗi khi phải chờ đợi vì quá tải hay thời tiết nóng bức là la hét, đánh đập y tá, BS. BN còn cương quyết không cho lấy máu làm các xét nghiệm vì nghiện heroin.
Do BN không hợp tác, BV phải mời đại diện Đại sứ quán Đức hỗ trợ phiên dịch và tìm người thân, nhưng việc tìm kiếm bất thành. Sau một thời gian điều trị, BN qua đời, Đại sứ quán Đức đã đề nghị BV hỗ trợ miễn phí dịch vụ mai táng và nhiều thủ tục khác. Mới đây, BV Chợ Rẫy tiếp nhận BN nam Petr Jano Vcik, 62 tuổi, ở Cộng hòa Séc. BN này đã tử vong vì viêm phổi suy đa cơ quan. Hộ chiếu BN còn thời hạn đến năm 2024 nhưng BV không thể liên lạc được với người nhà. BN hiện còn nợ BV hơn 12 triệu đồng.
Quy định về bảo hiểm du lịch chưa chặt chẽ, bệnh viện dễ bị "xù" viện phí - Ảnh: P. Huy
Ngoài chặt, trong lỏng
Theo Luật Du lịch, du khách Việt Nam khi ra nước ngoài, dù đi theo tour trọn gói do các công ty lữ hành trong nước tổ chức hay đi tự túc đều bắt buộc phải mua BHDL cho toàn bộ chuyến đi. Đây cũng là một trong điều kiện cần thiết để được cấp visa nhập cảnh đối với một số nước có yêu cầu thị thực. Bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Ban tiếp thị, Công ty du lịch Vietravel cho biết, việc mua BHDL là để bảo đảm an toàn, đem lại sự an tâm cho du khách. Đối tác bảo hiểm của Vietravel là Công ty bảo hiểm Bảo Minh Chợ Lớn. Mức phí bồi thường khi đi du lịch nước ngoài tùy vào điểm đến, khoảng 210 triệu đồng/người/vụ hoặc 1,4 tỷ đồng/người/vụ.
Theo bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Truyền thông và tiếp thị, Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, BHDL là việc tất yếu, là tiêu chí hàng đầu trong đánh giá về chất lượng gói sản phẩm, dịch vụ cho du khách. Từ năm 2006 đến nay, Saigontourist hợp tác cùng Bảo hiểm AIG Việt Nam (thuộc Tập đoàn bảo hiểm hàng đầu thế giới AIG Hoa Kỳ) thực hiện chương trình đặc biệt “Tặng toàn bộ phí BHDL toàn cầu” cho du khách của Saigontourist với gói BHDL nước ngoài cao nhất trên thị trường du lịch hiện nay, tối đa lên đến 2,1 tỷ đồng/ khách/vụ.
Tuy nhiên, với các tour du lịch nội địa, kể cả dành cho du khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch theo tour hay tự do, việc mua BHDL lại không bắt buộc. Luật Du lịch hiện hành quy định doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa “mua BHDL cho khách du lịch nội địa trong thời gian thực hiện chương trình du lịch khi khách du lịch có yêu cầu”. Theo giám đốc một công ty du lịch có văn phòng tại TP.HCM, luật chỉ bắt buộc mua bảo hiểm cho du khách Việt đi du lịch nước ngoài; còn khách du lịch trong nước, khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch thì không bắt buộc phải có BHDL nên đã xảy ra tình trạng khách không quan tâm đến việc bảo hiểm, nhiều công ty cũng “ăn gian” không mua bảo hiểm.
BS Phạm Thanh Việt than: “Khi BN nhập viện thì BS phải lo cứu người chứ đâu cần biết khách đến Việt Nam theo dạng nào, có BHDL hay không. Nhiều ca rơi vào hôn mê, BV không thể truy thu viện phí. Những ca tỉnh táo nhưng không hợp tác, BV cũng đành… bó tay. Các lãnh sự quán chỉ giúp BV tìm thông tin thân nhân BN chứ không trả thay viện phí”. Các chuyên gia du lịch cho rằng, cần phải xiết lại quy định về mua bảo hiểm cho du khách.
BHDL chính là quyền lợi của khách nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân họ trong quá trình du lịch-nghỉ dưỡng, mặt khác cũng là thước đo để nâng chất lượng dịch vụ của các công ty lữ hành. Việc mua bảo hiểm cần bình đẳng, công bằng, chứ như hiện nay: khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài thì buộc phải mua, nhưng khách du lịch trong nước (trong đó có cả khách nước ngoài) lại không bắt buộc. Tình trạng này tiềm ẩn rủi ro không chỉ cho du khách mà còn thêm gánh nặng cho các cơ sở y tế.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.