Bảo hiểm cháy nổ, dân vẫn mù mờ

27/02/2013 - 13:55

PNO - PN - Vụ cháy nổ kinh hoàng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (P.8, Q.3, TP.HCM) vừa qua không những gây thiệt hại nghiêm trọng về người (11 người chết tính đến ngày 26/2) mà còn hủy hoại nhiều tài sản, ba căn nhà bị đánh sập hoàn toàn.

“Văn hóa” không bảo hiểm

Người được xác định gây ra vụ nổ là ông Lê Minh Phương đã tử vong. Việc các gia đình nạn nhân khác được gia đình người gây ra vụ nổ bồi thường là chuyện không khả thi. Do không có bảo hiểm cháy nổ nên các gia đình nạn nhân gần như phải gánh trọn những hậu quả do vụ cháy nổ gây ra.

Theo Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM, hầu hết các vụ cháy nổ trên địa bàn TP.HCM, các nạn nhân đều không có bảo hiểm cháy nổ tự nguyện. Điều này đồng nghĩa với việc, nạn nhân tự mình gánh toàn bộ hậu quả do vụ cháy nổ gây ra. Trong khi đó, theo đại diện của nhiều công ty bảo hiểm thì loại hình bảo hiểm cháy nổ tự nguyện (đối tượng mua chủ yếu là các hộ dân) gần như lập ra cho … vui. Việc bán loại bảo hiểm này gần như là nhiệm vụ bất khả thi.

Bao hiem chay no, dan van mu mo

Hiện trường vụ nổ tại hẻm 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM rạng sáng 24/2/2013

Hiện nay, bảo hiểm trong lĩnh vực cháy nổ có hai dạng, bắt buộc và tự nguyện. Đối với loại bắt buộc chỉ áp dụng đối với các cơ sở được xác định là có nguy cơ cháy nổ như: nhà máy, xí nghiệp, trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học, trụ sở làm việc, rạp hát, khách sạn... Theo trung tá Nguyễn Đức Vinh - Phó phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy (Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM), dù là bảo hiểm bắt buộc, nhưng các tổ chức trên chỉ mua bảo hiểm cho phần “khung” - tài sản cố định thuộc diện quản lý của cơ sở đó, phần chi tiết (tài sản bên trong) thì không tham gia bảo hiểm cháy nổ. Từ đó, dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng khi xảy ra cháy nổ.

“Một vụ cháy chợ gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho tiểu thương, khi chúng tôi tìm hiểu thì các tiểu thương tại khu vực xảy ra vụ cháy không tham gia bảo hiểm cháy nổ mà chỉ ban quản lý chợ tham gia. Vì vậy, khi xảy ra thiệt hại, các tiểu thương phải tự gánh lấy toàn bộ thiệt mà không được đền bù”, trung tá Vinh cho biết thêm. Tương tự, ở các chung cư, ban quản lý chỉ mua bảo hiểm cho phần khung của chung cư, còn tài sản của người dân trong chung cư hoặc tòa nhà khi xảy ra cháy nổ thì người dân phải tự chịu thiệt hại.

Bảo hiểm bắt buộc đã vậy, bảo hiểm tự nguyện càng "quý hiếm", vì nhiều người cho rằng việc mua bảo hiểm này là không thực tế. “Hàng ngày chúng ta liên tục tiếp xúc, di chuyển bằng xe gắn máy nhưng nếu Nhà nước không bắt buộc chủ sở hữu xe gắn máy mua bảo hiểm bắt buộc - để đảm bảo quyền lợi cho chính chủ sở hữu hay người điều khiển xe gắn máy - thì liệu người dân có mua?”, ông Vinh đặt câu hỏi. “Từ đây, chúng ta mới thấy "văn hóa" không bảo hiểm của người dân. Bởi, ngay cả những cái rất thiết thực, va chạm hàng ngày, để đảm bảo quyền lợi cho chính người dân mà còn phải chế tài thì những vấn đề ít va chạm, như cháy nổ người dân ít quan tâm là điều dễ hiểu”, ông Vinh phân tích.

Bồi thường cháy nổ: Khó khả thi

Trách nhiệm giải quyết hậu quả, trong đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những người liên đới, ảnh hưởng do vụ cháy nổ thuộc về ai? Theo luật sư Phạm Tấn Thuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM), trong luật quy định rõ ràng, trách nhiệm bồi thường trong những trường hợp trên thuộc về người gây ra vụ cháy nổ.

Theo luật sư Thuấn, khi hai bên (người gây ra vụ cháy nổ và người bị thiệt hại trong vụ cháy nổ) không thỏa thuận bồi thường được thì có thể khởi kiện ra tòa để phân xử. “Tuy nhiên, rất nhiều vụ, người được xác định gây ra vụ cháy nổ cũng bị thiệt hại nghiêm trọng về tài sản nên để đảm bảo việc thi hành án (sau khi tòa tuyên người gây ra vụ cháy nổ phải bồi thường cho người bị ảnh hưởng trong vụ cháy nổ) là cả một vấn đề nan giải, nếu không muốn nói là khó thực hiện”, luật sư Thuấn nói.

Luật sư Nguyễn Thị Tuyết (Trưởng Văn phòng Luật sư Tri Pháp) nêu thực tế: Khi người phải bồi thường không còn tài sản thì lấy gì mà họ bồi thường? Đó là chưa nói đến những phiền phức khác trong khi tiến hành khởi kiện đòi bồi thường. “Do vậy, để phòng tránh những thiệt hại do tai nạn cháy nổ gây ra, người dân một mặt phải chủ động thực hiện những quy định về PCCC. Mặt khác, người dân cũng nên lưu ý đến các loại bảo hiểm để nếu khi xảy ra rủi ro cháy nổ, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế thì còn có các tổ chức bán bảo hiểm chia sẻ khó khăn”.

Thực tế, khi có sự cố bảo hiểm xảy ra, để nhận được tiền bảo hiểm từ doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không đơn giản, có khi là “trần ai”. Người mua bảo hiểm mong muốn nhanh chóng nhận được tiền bảo hiểm để khắc phục hậu quả, khôi phục lại sản xuất kinh doanh… nhưng doanh nghiệp lại tìm lý do để trì hoãn việc chi trả bảo hiểm. Có nhiều vụ phải kéo nhau ra tòa, tranh chấp dai dẳng. “Để người dân đến với các loại hình bảo hiểm tự nguyện ngày càng tốt hơn thì cần phải ban hành các quy định, quy tắc ứng xử một cách hài hòa lợi ích giữa người mua bảo hiểm và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm", luật sư Thuấn nói.

Chí Kiên - Quốc Quang

Loại hình bảo hiểm cháy nổ mới xuất hiện vài năm trở lại đây nên nhiều người dân ít biết, ít quan tâm. Công tác tuyên truyền về bảo hiểm cháy nổ của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực cháy nổ cũng chỉ hướng đến những tổ chức, doanh nghiệp, chưa chú trọng nhiều đến những hộ gia đình. Các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực cháy nổ, các công ty bảo hiểm cũng cần tăng cường thông tin đến người dân về lợi ích của việc tham gia bảo hiểm cháy nổ.

Luật sư Nguyễn Thị Tuyết
(Trưởng Văn phòng Luật sư Tri Pháp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI