Bạo hành vật nuôi: Tiếng nói của một cộng đồng văn minh, nhân hậu

28/08/2024 - 09:45

PNO - Số phận của chú chó bị bạo hành đã hoàn toàn thay đổi sau khi được cộng đồng lên tiếng bảo vệ. Đó là tiếng nói của lòng nhân hậu hướng đến giá trị chung của một cộng đồng/quốc gia văn minh trong việc đối xử với động vật.

Hình ảnh chú chó Bôn bị đánh đập gây phẫn nộ - Ảnh cắt từ clip
Hình ảnh chú chó Bôn bị đánh đập gây phẫn nộ - Ảnh cắt từ clip

Chuyện từ chú chó Bôn…

Bôn là chú chó Alaska được chủ đưa ra quảng trường Lâm Viên (TP Đà Lạt) phục vụ du khách chụp ảnh, giá từ 30.000-50.000 đồng/lần. Mới đây, khi clip Bôn bị đánh đập dã man được đăng tải, cộng đồng mạng đã vô cùng phẫn nộ, cùng lên tiếng kêu gọi chính quyền xử lý. Sau đó, tỉnh Lâm Đồng đã cấm dịch vụ chụp ảnh với vật nuôi tự phát ở các điểm tham quan.

Một lần nữa, sức mạnh mềm của công chúng đã phát huy hiệu quả tích cực. Tiếng nói của số đông không chỉ góp phần làm thay đổi số phận của các chú chó mà còn cho thấy nhận thức của cộng đồng đã được nâng tầm. Đây không phải lần đầu người dùng mạng xã hội lên tiếng về việc sử dụng thú cưng kiếm tiền ở thành phố hoa.

Trước đó không lâu, nhiều người đã phản ánh việc những chú chó phải “đi làm” từ sáng đến tối, bất kể nắng mưa và nếu không hợp tác sẽ bị chủ đánh đập. Đằng sau những bức ảnh đẹp cho du khách là những chú chó bị xích, bị đánh, ép ngồi yên, làm việc trong nhiều giờ liền. Đây là hành vi bóc lột, ngược đãi động vật.

Theo Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về chăn nuôi, hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn vật nuôi có thể bị xử phạt từ 1-3 triệu đồng. Có thể thấy, với những người kinh doanh dịch vụ chụp ảnh với thú cưng, mức phạt khá thấp này chưa đủ sức răn đe.

Chụp ảnh, trải nghiệm tương tác với vật nuôi/thú cưng là một trong những hoạt động kết nối ý nghĩa giữa người và vật, đồng thời góp phần giáo dục và nuôi dưỡng tình yêu thương động vật trong lòng trẻ thơ. Đây là điều mang đến những hiệu quả tích cực cho cảm xúc, tinh thần của con người. Điều sai là cách những người chủ đã ngược đãi/bạo hành vật nuôi.

Từ chuyện của chú chó Bôn cho thấy, cộng đồng luôn sẵn sàng lên tiếng bảo vệ, thậm chí có thể tạo nên làn sóng tẩy chay mạnh mẽ đối với cá nhân/dịch vụ/đơn vị kinh doanh có hành vi ngược đãi thú cưng. Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho các khu vui chơi/nông trại/quán cà phê/điểm tham quan có khai thác thú cưng phục vụ du lịch, không chỉ riêng ở Đà Lạt.

Cộng đồng văn minh tạo dựng giá trị mới

Suốt nhiều năm qua, cộng đồng đã luôn cùng nhau lên tiếng bảo vệ và giải cứu động vật khỏi những hành vi bạo lực, ngược đãi. Đây còn là tiếng nói của lòng nhân hậu, sự tử tế của một cộng đồng văn minh. Bên cạnh đó, những vấn đề nhức nhối và lớn lao hơn cũng đã luôn được quan tâm: phóng sinh chim/cá, bảo vệ và bảo tồn động vật hoang dã…

Không chỉ người dân mà chính quyền cũng đã vào cuộc bảo vệ động vật cùng những chính sách được hoan nghênh. TP Hội An đã ký với tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu - Four Paws - cam kết loại bỏ việc sử dụng thịt chó, mèo.

Nhờ sự hỗ trợ của Tổ chức Động vật châu Á, Đắk Lắk đã ngừng dịch vụ cưỡi voi ở trung tâm du lịch Cầu treo Buôn Đôn.

Tháng Sáu vừa qua, Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) đã ban hành chỉ thị hướng tới loại bỏ việc buôn bán và tiêu thụ thịt chó, mèo ở Hà Nội.

Thông điệp “Chó là bạn, không phải là thức ăn” liên tục được lan tỏa trên mạng xã hội. Dịch vụ xiếc thú đã và đang được cân nhắc ngừng khai thác. Tất cả đều cùng hướng đến giá trị chung, tiệm cận với nhận thức văn minh trong việc đối xử với động vật của các quốc gia tiến bộ trên thế giới.

Tại nhiều quốc gia, ngoài tiền phạt, người có hành vi đối xử tàn nhẫn với vật nuôi còn có thể bị phạt tù (ở Thái Lan và Úc là từ 2-5 năm). Ý và Thụy Sĩ có quy định chặt chẽ về việc chăm sóc cả sức khỏe thể chất và tinh thần cho thú cưng. Hàn Quốc xem xét việc công nhận tư cách pháp lý của thú cưng và ở quốc gia này, hành vi giết hại chó, mèo lấy thịt là bất hợp pháp.

Bên cạnh những điều luật, các nước còn có nhiều cách bảo vệ động vật rất nhân văn: Tây Ban Nha bãi bỏ giải đấu bò quốc gia, Nhật Bản sản xuất túi từ hộp sữa và cám gạo (thay cho túi ni lông) để bảo vệ động vật hoang dã. Thái Lan truyền cảm hứng với những clip giải cứu vật nuôi cảm động…

Tại Việt Nam, trong nhận thức mới, cộng đồng đã không ngừng lên tiếng bảo vệ thú cưng/vật nuôi. Những chương trình/chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ động vật hoang dã liên tục được phát động. Ngày càng nhiều dự án phim/sách về đề tài môi trường được sản xuất/xuất bản. Không chỉ vậy, tiếng nói số đông còn góp phần làm thay đổi hành vi văn hóa: như trường hợp tranh luận về việc chém lợn, đâm trâu, chọi trâu trong những lễ hội truyền thống. Một số địa phương đã lược bỏ/loại bỏ nghi thức này trong nhiều năm qua.

Khi văn hóa truyền thống va chạm với nhận thức văn minh, cộng đồng đã cùng nhau góp phần điều chỉnh để phù hợp với hệ giá trị của thời đại mới.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI