Cái điệp khúc đau lòng - “cha mẹ té ngửa” khi thấy chính con mình trong các clip bạo lực trên mạng - vì sao cứ tiếp diễn? Vì xã hội quá phức tạp hay vì chúng ta chưa đủ “chuyên nghiệp” trong “nghề làm cha mẹ”, để có thể đoán biết, can thiệp sớm, đưa con khỏi “địa ngục” hoặc ít nhất là giảm cho con một ngày bị đánh đập, hù dọa, ăn “cơm heo” hay ăn lại thứ mình vừa ói ra…?
Chiếc camera nào đáng tin?
Giữa bộn bề thông tin trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại ở các nhóm trẻ, trường mầm non và cả trong cuộc sống, thì một phút hỏi han, quan sát khi đưa con đi học, rước con về nhà luôn đáng giá hơn muôn ngàn lý thuyết cao xa.
Con trẻ có đang là nạn nhân bạo lực hay không, cha mẹ chính là người giám sát đầu tiên và cuối cùng. Dù hết sức chia sẻ với cha mẹ của những nạn nhân nhí, nhưng tôi nhắc tôi, chúng ta nhắc nhau lúc này là không hề thừa.
Thấy nhiều trường hợp trẻ mầm non bị bạo hành nơi “mái nhà ban ngày” của mình, vợ chồng chị Phương Lê (nhân viên ngành truyền thông, ngụ Q. Gò Vấp, TP.HCM) hạ quyết tâm dù cuộc sống khó khăn đến mấy cũng phải gửi con vào trường mầm non hạng sang, ít nhất là có gắn camera để giám sát.
Nhưng, năm học đầu của con ở lớp cơm nát, chị đã phải hai lần dời đổi. Bỏ trường đầu tiên do không hiểu cô giáo đã làm gì khiến con quá sợ hãi - cứ ngồi im một chỗ, không dám đi vệ sinh, cứ tè dầm tè dề, ướt rồi lại khô, thấm vào cơ thể dậy mùi.
Chị bỏ cả trường thứ hai vì dù trường có gắn camera, ống kính luôn hướng vào những nơi các cháu ít lui tới và “diễn viên nữ chính” - cô giáo - luôn khuất khỏi tầm quan sát. Nếu chỉ nhìn vào camera, thấy lớp học luôn bình an vô sự, nhưng thỉnh thoảng chị lại thấy con có vết bầm ở chân, ở tay, đêm ngủ lại thon thót giật mình, sáng dậy không chịu đi học. “Cô đã đánh bé?” - chị chất vấn nhà trường.
Câu trả lời nhận được luôn là: “Không hề, chị cứ theo dõi camera đi!”. Con chị còn quá nhỏ, lại chậm nói, không thể thuật lại những gì diễn ra ở trường, nhưng may nhờ sự quan sát và linh cảm của người mẹ, chị có thể gián tiếp soi chạm đến những vấn đề của con khuất sau cánh cổng trường.
Nhiều chiếc chìa khóa để mở cánh cửa “địa ngục” - những nhà trẻ bạo hành trẻ em - bị gãy lìa khi chưa một lần tra vào ổ khóa chỉ vì những bậc cha mẹ chủ quan, lơ là với con. Theo các nghiên cứu tâm thần kinh, trẻ bị bạo hành kéo dài sẽ sợ đến trường; trẻ sẽ hồi hộp, lo âu, tim đập nhanh, nhức đầu, đổ mồ hôi trộm, rối loạn giấc ngủ… Nguy hại hơn, sống trong môi trường mà các hành vi bạo lực lặp đi lặp lại, trẻ sẽ dần quen và có xu hướng dùng bạo lực trong tương tác với người thân, bạn bè, xã hội.
Hôm nay con đi học có vui không?
Anh Phạm Bình (ngụ Q.1, TP.HCM) từng bị xem như phụ huynh “cá biệt” khi báo với cô hiệu phó chuyện cô giáo la con mình. Chỉ là “la mắng”, đâu đã có gì to tát mà anh đã nhảy vào làm “người hùng” của con? Tuy nhiên, anh xác định rõ đó là bạo lực tinh thần, gây ức chế ở trẻ và nếu không can thiệp, sẽ có nguy cơ “leo thang”.
Anh nhẹ nhàng trình bày với cô hiệu phó về việc cô giáo la trẻ, đề nghị cô hiệu phó đừng khiển trách cô giáo, tránh cho cô có cảm giác bị “tố”, sẽ có thể nảy sinh phản ứng tiêu cực mà trẻ sẽ phải lãnh đủ. Sau những tác động khéo léo của anh, các cô giáo đã lân la làm bạn, tâm sự, dỗ ngọt cháu bé, đưa cháu về trạng thái tâm lý vui vẻ, hợp tác.
Nhờ đâu anh Bình kịp biết con có vấn đề? Khi rước con về, anh luôn chú ý xem con có tíu tít nói cười như bao ngày; anh để ý sắc mặt để biết tâm trạng con. Anh thường xuyên hỏi con những chuyện như con đi học có vui không, con ăn món gì, ở lớp con hay chơi với bạn nào… “Thường ngày, con luôn hào hứng đến trường, nhưng đợt ấy lại không chịu đi học.
Tôi đưa con tới cửa lớp, chia tay là hai hàng nước mắt con chảy ròng, bảo con muốn về với ba. Tôi biết con đang gặp bất ổn” - anh Bình nói. Anh đã khai thác thêm từ những câu chuyện con kể, qua từng câu con trả lời mình để kịp thời giúp con.
Cha mẹ là điểm tựa đáng tin cậy của con trẻ. Nếu ta cũng đánh đập, la mắng, bắt ép thì chắc chắn trẻ sẽ không bao giờ dám nói ra những bất ổn vì vướng “nỗi sợ kép”. Lúc đó, phụ huynh sẽ chỉ biết chuyện khi hậu quả nặng nề đã xảy ra.
Với trái tim yêu thương con, trong mỗi người cha, người mẹ đều có sẵn chiếc “camera siêu nhạy” để giám sát, phát hiện mọi nguy hiểm con gặp phải. Thế nhưng, không phải ai cũng sẵn sàng và chú ý sử dụng. Nhiều cha mẹ lười biếng đã không chịu nhìn để thấy, không buồn đặt câu hỏi vì sao con không muốn đi học. Nếu họ có tự hỏi thì liền sau đó thường là câu trả lời dễ dãi: “Do con nhút nhát, con nít mè nheo, thích ăn vạ”.
Tô Diệu Hiền
“Thời hiện đại, nhiều bậc phụ huynh học theo các phương pháp giáo dục con kiểu Mỹ, kiểu Pháp, kiểu Nhật, kiểu Do Thái… nhưng một phút kiên nhẫn bên con để quan tâm, quan sát, lắng nghe, gợi chuyện… cũng không có thì sao có thể nắm bắt được những vấn đề ở con để kịp thời đồng hành và nâng đỡ”.
Thạc sĩ Lê Thị Minh Tâm
(chuyên viên tư vấn tâm lý Trường Đại học RMIT Việt Nam)
|