PNO - Bạo hành, xâm hại, sát hại trẻ em, có lẽ là những “từ khóa” đau xót nhất, kinh hoàng nhất trong liên tiếp mấy ngày qua. Nạn nhân, hẳn nhiên là trẻ em.
Phạm nhân chưa đứng trước vành móng ngựa nhưng đủ để tòa án lương tri phán xét, hầu hết là người lớn. Phẫn nộ trước những hành vi độc ác, bất nhẫn; xót xa, thương cảm trước những chịu đựng, bi kịch của trẻ, để rồi chưa bao giờ, cả xã hội buộc phải tự nhận thấy, nhận lấy trách - nhiệm - người - lớn của mình, chung tay, hết lòng bảo vệ trẻ, loại bỏ sớm những hành vi tàn bạo, độc ác với trẻ.
Phóng viên Báo Phụ Nữ đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM về việc thúc đẩy công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em cũng như những giải pháp quyết liệt, bức thiết trong thời gian tới.
* Trách nhiệm thuộc về ai, sau những vụ việc bạo hành trẻ, sát hại trẻ em vừa xảy ra, theo bà?
- Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích: Thuộc về người lớn chúng ta, ở mọi khía cạnh, mọi chức trách. Rõ ràng, từ gia đình đến cộng đồng, xã hội, rào chắn bảo vệ trẻ chưa chắc, chưa vững, nếu không muốn nói là lỏng lẻo. Trách nhiệm của chúng ta là làm sao để những vụ bạo hành, xâm hại, sát hại trẻ không xảy ra, xin nhắc lại, không được phép xảy ra. Còn một khi đã xảy ra, trẻ bị bạo hành ở nhà hay tại lớp, trên đường đi học… thì lỗi hoàn toàn là ở người lớn.
Pháp luật Việt Nam quy định khá toàn diện, đầy đủ và chi tiết về quyền trẻ em, từ quyền trực tiếp cho đến quyền gián tiếp (hay gọi là quyền thụ động). Việt Nam cũng là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990.
Rõ ràng, chúng ta không thiếu các văn bản, điều luật để bảo vệ trẻ, sự ràng buộc trách nhiệm của các ban ngành trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ, từ Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận… Vấn đề là khả năng, kết quả thực thi trách nhiệm của từng bộ ngành và các tổ chức đoàn thể như thế nào để vấn nạn bạo hành trẻ không xảy ra; ngăn chặn kịp thời trước khi xảy ra; bị xử lý tới nơi tới chốn ngay khi nó vừa xảy ra.
Thật ra, trong quy định vai trò, chức năng của từng bộ ngành rất rõ ràng. Tuy nhiên, từ văn bản xuống đến thực tế, qua vận hành, nhất là những khi xảy ra sự cố, lại có những kẽ hở tinh vi trong việc chịu trách nhiệm pháp lý. Đây chính là điều mà tôi nghĩ cần khắc phục để làm sao, nguyên nhân thì có thể nhiều lý giải, nhưng quy về trách nhiệm thì phải là đích danh, đích thị.
* Trong hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên Mặt trận, Hội LHPN đóng vai trò chủ yếu là tuyên truyền, vận động, chăm lo để ngăn ngừa các hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, hướng dẫn để cùng “nuôi con khỏe, dạy con ngoan”… Điều đó liệu đã sát với thực tế cũng như đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay chưa, thưa bà?
- Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích: Theo sự phân công của xã hội, sự phân cấp của bộ máy hành chính thì vai trò, chức năng và nhiệm vụ của mỗi cơ quan, tổ chức là phù hợp, chính đáng. Vấn đề là, như tôi nói ở trên, kết quả chúng ta làm như thế nào, làm tới đâu mới là bước kiểm định, nghiệm thu và “hoàn công” công việc của chính chúng ta.
Nghe qua, cái gọi là công tác “tuyên truyền, vận động, chăm lo” cho trẻ, có vẻ như dư luận vẫn hiểu Hội Phụ nữ “nói” nhiều hơn là “làm”. Kỳ thực, chúng tôi “nói” bằng nhiều “ngôn ngữ”, trong đó có ngôn ngữ hành động, từ đó, phối hợp, tác động không nhỏ vào hệ thống chính quyền cơ sở nhằm giải quyết, ngăn chặn, xử lý các vụ việc bạo hành trẻ.
Tôi đơn cử, hiện Thành hội xây dựng hộp thư tư vấn của Hội, sau khi nhận điện thoại, email, tin nhắn, thậm chí cả inbox trên Fanpage của Hội, chúng tôi sẽ kết nối với các đơn vị hữu quan, nhanh chóng đề nghị tìm hiểu, xác minh, xử lý. Báo Phụ Nữ, cơ quan ngôn luận của Hội đã và đang làm hiệu quả thông qua đường dây khẩn đấy thôi. Rất nhiều vụ việc đã được các chị ở chi tổ hội, các câu lạc bộ thuộc hệ thống Hội phát hiện, phát giác và kịp thời thông báo đến các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời, thấu đáo.
Điều tôi đặc biệt quan tâm, là để đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay, đòi hỏi khả năng, kỹ năng vận động, giám sát của các cấp Hội cơ sở, trong đó, cách thức bám sát địa bàn để kịp thời phát giác, tố giác những trường hợp bạo hành trẻ, xâm hại trẻ, phải thật sự tinh nhạy, có hiểu biết nền tảng về pháp luật; và đặc biệt là tinh thần láng giềng gần, nếp sống “tối lửa tắt đèn có nhau” để cùng quan tâm, bảo vệ, gắn kết lành mạnh, thân thiện, tử tế.
* Như bà nói, trách nhiệm của người lớn là làm sao để không xảy ra bạo hành trẻ. Vậy, công đoạn phát giác, ngăn ngừa là hết sức quan trọng. Hội với hệ thống chân rết ở trong cộng đồng dân cư sẽ phát huy vai trò thiết thực đó. Nhưng vì sao hầu hết các vụ bạo hành trẻ, từ gia đình đến trường học, nhất là các điểm trường mầm non, điểm giữ trẻ vẫn cứ xảy ra trong suốt quá trình dài, như ở trường mầm non Mầm Xanh chẳng hạn?
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM
- Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích: Đi vào câu chuyện của Mầm Xanh, với phạm vi của trường học, với các chiêu trò đối phó, dựng cảnh như trong phát hiện của phóng viên Báo Phụ Nữ, sẽ không dễ cho cơ quan chức năng phát giác, xử lý. Ở đây, trách nhiệm của chính quyền các cấp đã rõ, họ có kiểm tra, giám sát đầy đủ (ít nhất là trong tháng 10-11 vừa qua, Phòng giáo dục và đào tạo Q.12 đã ba lần xuống kiểm tra).
Chỉ có điều, chừng ấy thôi là chưa đủ, vẫn có biểu hiện chưa sát sườn; chưa tính tới nghi vấn có “tay trong” của ngành giáo dục. Tôi vẫn chưa thể lý giải nổi vì sao một ngôi trường tồn tại đã 4 năm, với tình trạng bạo hành dã man, xảy ra hằng ngày như vậy mà vẫn qua mặt cơ quan chức năng, chỉ bị phanh phui khi báo chí vào cuộc. Chưa kể, lứa trẻ học ngày đầu giờ đã khoảng 4 đến 8 tuổi, nếu trẻ bị bạo hành di chứng sẽ không hề nhỏ, vì sao bố mẹ các cháu không nghi ngờ?
Trở lại hệ thống chân rết của Hội cơ sở, đây đúng là một trong những kênh hữu hiệu phát hiện, phát giác, tố giác những hành vi bạo hành trẻ nói riêng và các vấn đề thuộc an ninh, trật tự xã hội nói chung tại địa bàn. Nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn bởi nhiều nguyên do, trong đó, có sự kết nối, phối hợp và trách nhiệm để cùng xử lý của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng có khả năng và quyền hạn thực thi vẫn chưa chặt chẽ, mạnh mẽ, quyết liệt. Dẫn tới thực tế, tiếng nói phản ảnh của Hội, tiếng kêu cứu thay cho chị em, trẻ em vẫn có lúc rơi vào… bóng tối, chìm trong im lặng.
* Nghĩa là Hội vẫn thiếu một công cụ pháp lý để hoàn thiện vai trò vận động, tuyên truyền, chăm lo, bảo vệ trẻ em?
- Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích: Công cụ đó đã có và đang nằm trong tay các cơ quan chức năng, chúng tôi sẽ tiếp tục và quyết liệt phối hợp, thúc đẩy quá trình thực thi chức trách của mình và của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm, có bổn phận với quyền trẻ em theo hiến định.
* Chúng ta luôn kêu gọi xây dựng một xã hội không bạo lực; vậy mà bạo lực đã và đang tràn lan; lại là sử dụng bạo lực với trẻ em - một đối tượng không có khả năng tự vệ. Điều đó, càng khiến niềm tin vào lời kêu gọi nói trên bị lung lay. Hẳn bà chia sẻ về điều này?
- Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích: Thay vì mất niềm tin, tôi và chúng ta cần bắt tay để thực hiện và duy trì thông điệp “nói không với bạo lực”, đặc biệt là bạo lực trẻ em. Chỉ có điều, là con người, lại là người mẹ, tôi bàng hoàng và không giấu nổi sự phẫn nộ khi đọc, xem những hình ảnh bạo hành trẻ tại trường mầm non Mầm Xanh, hay vụ “tung hứng trẻ” của bà giúp việc tại TP. Phủ Lý…
Rất nhiều người xung quanh tôi đã khóc, đã thảng thốt và tự hỏi, tại sao họ có thể hành động với trẻ con như vậy? Nếu không yêu trẻ, không đủ lòng nhân ái ngay cả với trẻ thì đừng chọn cái nghề nuôi dạy trẻ. Sự độc ác phơi bày một cách chân thực nhất chính là tàn tệ với trẻ con.
Thành ủy TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo ngay trong sáng 27/11, chiều cùng ngày, UBND TP đã có cuộc họp khẩn với 24 quận huyện cùng ban ngành liên quan để tổng rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý, giáo dục trong toàn hệ thống trường mầm non, mẫu giáo… Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã có tờ trình thực hiện chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND Nguyễn Thị Thu về việc kiện toàn, lắp đặt camera trong hệ thống trường mầm non, mẫu giáo cùng nhiều biện pháp trước mắt lẫn lâu dài để khắc phục triệt để nạn bạo hành trẻ trong trường học. Tôi tin và mong đây là quyết tâm lâu dài, bền bỉ để chúng ta triệt tiêu nạn bạo hành trẻ em tại các điểm trường.
Nhưng, tôi vẫn ray rứt một điều, camera liệu có soi thấu… lòng người, nhất là những người tự nhận cái công việc chăm lo, dạy dỗ, nâng niu trẻ em. Có rất nhiều quy định, quy phạm pháp luật để bảo vệ quyền trẻ em; nhưng tình yêu thương có bao giờ bị kiểm soát bởi các công cụ quản lý hành chính, nó phải xuất phát và trở về bằng chính trái tim, lòng nhân ái, sự trung thực để chúng ta, những người lớn - là trẻ em hôm qua - thực thi chức trách, bổn phận và danh dự - với chính những người lớn mai sau - một cách đúng đắn, nhân bản, văn minh.
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng.